Tuy đã chết 10 năm, Hậu quân Lê Chất, nguyên Tổng trấn Bắc Thành, vẫn bị vướng một vụ án oan khi bị vua Minh Mạng hạch tội, mộ bị san phẳng, vợ con bị án trảm giam hậu, tịch biên gia sản.

Vụ án oan của Tổng trấn Bắc thành Lê Chất

05/06/2017, 06:27

Tuy đã chết 10 năm, Hậu quân Lê Chất, nguyên Tổng trấn Bắc Thành, vẫn bị vướng một vụ án oan khi bị vua Minh Mạng hạch tội, mộ bị san phẳng, vợ con bị án trảm giam hậu, tịch biên gia sản.

Lê Văn Duyệt - nỗi oan khiên bị kết tội sau khi đã qua đời

Cuộc đời của Lê Chất, cũng giống như người bạn thân của ông là Lê Văn Duyệt, đều lập nhiều chiến công hiển hách, sau khi giúp vua Gia Long thành công mỗi người được cử trấn giữ một đầu đất nước (Lê Chất làm Tổng trấn Bắc Thành gồm toàn bộ các tỉnh miền Bắc, Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định gồm toàn bộ các tỉnh miền Nam), nhưng sau khi đã chết, đều bị vua xử tội, mãi nhiều năm sau mới được giải oan.

Trong thời vua Minh Mạng, nhà Nguyễn xảy ra 3 vụ đại án, đó là các vụ xử Hoàng tôn Mỹ Đường (con Hoàng thái tử Cảnh), Lê Văn Duyệt, Lê Chất. Các sử quan sau này đều cho rằng đây là ba vụ án oan.

1. Lê Chất sinh năm 1769 (kém Lê Văn Duyệt 5 tuổi), mất năm 1826, quê ấp Bình Trị, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, được gọi là Hậu quân Chất, nguyên là danh tướng của triều Tây Sơn, từng được phong tới chức Đô đốc.

Thuở nhỏ ông theo cha là Lê Trung học văn lẫn võ. Lê Trung theo Nguyễn Huệ từ sớm, còn Lê Chất, mãi đến năm Kỷ Dậu (1789) mới được Nguyễn Nhạc (lúc này xưng là vua Thái Đức) sử dụng, phong cho chức Thủy quân Đô tùy trông coi cửa biển Thị Nại. Sau khi Quy Nhơn thuộc về vua Cảnh Thịnh, Lê Chất được toàn quyền nắm giữ thủy binh với chức vụ Thủy sư Đô đốc.

Sau khi vua Quang Trung mất, vua Cảnh Thịnh nối ngôi khi mới 9 tuổi, triều đình Tây Sơn bắt đầu lục đục vì các cuộc tranh giành quyền lực. Nhà vua bắt giết bố, vợ Lê Chất, lại lùng bắt ông khi đó đang cầm quân tại Quảng Ngãi, khiến Lê Chất phải dùng kế “kim thiền thoát xác”, dùng thi thể người khác giả là mình, rồi trốn vào rừng núi ở Trà Bồng, Quảng Ngãi.

Sau có người dụ hàng, Lê Chất về theo hầu chúa Nguyễn Phúc Ánh, lập nhiều chiến công, tuy nhiên cũng gây nhiều hiềm khích với các đại tướng, quan lại đứng đầu triều Nguyễn như Đặng Trần Thường, Nguyễn Văn Thành, Trịnh Hoài Đức.

Tháng 3 năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Phúc Ánh ra đánh Quy Nhơn. Lê Chất có nhiều công lao, giúp quân chúa Nguyễn hạ được thành, rồi theo Nguyễn Phúc Ánh về Gia Định. Năm sau, khi quân chúa Nguyễn đánh nhau với Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng tại Bình Định, theo lời khuyên của Võ Tánh, Nguyễn Phúc Ánh kéo quân đánh ra Phú Xuân. Đến ngày 2 tháng 5 năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân.

Sau đó, Lê Chất cùng Lê Văn Duyệt được cử kéo quân vào đánh Bình Định, tuy lúc đầu bị hai tướng Tây Sơn là Trấn thủ Quảng Nam Phạm Cần Chánh và Trấn thủ Quảng Nghĩa Lê Sĩ Hoàng đánh bại, nhưng khi các tướng Tây Sơn biết tin Phú Xuân đã thất thủ, đành rút quân theo đường thượng đạo ra Bắc.

2. Trong chiến dịch đánh ra Bắc năm 1802, Lê Chất làm Khâm sai Chưởng Hậu quân, Bình Tây tướng quân, lần lượt đánh lấy các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, rồi kéo quân vào Thăng Long, bắt được vua quan nhà Tây Sơn, lập được công to, được phong tước Quận công. Khi đó, Đặng Trần Thường có lòng ghen ghét, bàn với các tướng rằng: “Chất mà được quận công thì lũ ta phải mười lần quận công”.
Lấy được Thăng Long, vua Gia Long cho đổi tên thành Bắc Thành, Nguyễn Văn Thành được cử làm Tổng trấn, Lê Chất là Hiệp Tổng trấn.

Năm 1803, ở Quảng Yên có giặc cướp, Lê Chất cầm quân đi đánh, có thắc mắc với tướng Nguyễn Văn Trương là sao Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành không đánh giặc, khiến Nguyễn Văn Thành bắt đầu gây lòng thù oán.

Năm 1820, vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên ngôi, Lê Chất vẫn được trọng dụng, được cử làm Tổng trấn Bắc Thành, con là trai Lê Hậu được cho lấy Trưởng Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Cửu, con gái thứ tám của vua Gia Long. Con gái Lê Chất trước đó cũng được tiến vào cung làm vợ vua Minh Mạng, sinh hạ ra Quỳ Châu Quận công Miên Liên.

Lúc đương thời, Lê Chất cùng Lê Văn Duyệt là các khai quốc công thần, được vua Gia Long nể trọng. Tuy nhiên, sau khi vua Minh Mạng lên ngôi, đối xử với hai ông có phần giảm sút, có lẽ vì thế mà cả hai ông đều sinh bất mãn. Thái độ này đã gây vạ cho cả hai ông ngay cả sau khi đã chết.
Năm 1826, Lê Chất xin tạm nghỉ chức Tổng trấn Bắc thành về Bình Định lo việc tang cho mẹ, rồi mất ở quê nhà. Vua Minh Mạng nghe tin ấy, nghỉ chầu ba ngày để tỏ lòng thương xót, tặng hàm Thiếu phó, đồng thời ban cấp tiền lụa để lo đám tang Lê Chất rất hậu hĩnh.

3. Năm 1835, sau khi Lê Văn Duyệt mất 3 năm, ở Gia Định, Lê Văn Khôi là con nuôi Lê Văn Duyệt nổi dậy làm phản, chiếm thành suốt 3 năm. Vì tội phản nghịch của con, Lê Văn Duyệt đã chết cũng bị xử tội, Tả thị lang bộ Lại Lê Bá Tú mới hạch tội Lê Chất sáu tội đại ác đáng phải xử lăng trì, và mười tội lớn nữa, trong đó gồm tám tội phải xử chém, hai tội phải xử treo cổ.

Khi đình thần nghị tội, vua Minh Mạng dụ rằng: “Trước kia trẫm nghĩ hắn cùng Lê Văn Duyệt dẫu mang lòng bất thần, nhưng người ta không chịu theo, thì chắc không dám gây sự. Vả hắn là nhất phẩm đại thần, dù có mưu gian mà thần dân chưa cáo tố, thì không nỡ bắt tội. Nay đã có người tham hạch, vậy phải trái cho công, đã có triều đình pháp luật. Chuẩn cho đình thần đem mười sáu điều tội của hắn mà định rõ tội danh, vợ con cũng án luật mà nghi xử, duy con gái nào đã xuất giá cùng là cháu trai còn nhỏ thì tha”.

Các quan bàn rằng: Do Chất đã bị bắt về âm phủ nên xin truy thu bằng sắc, đào mả quan tài và chém xác bêu đầu để răn. Vợ Chất là Lê Thị Sa cũng là kẻ đồng mưu, xin xử chém ngay.
Án làm xong, đưa xuống cho các quan Đốc phủ ở các địa phương đọc và gửi ý kiến vế triều đình. Các quan ở địa phương đều tâu xin y lời nghị bàn của triều thần.

Vua Minh Mạng mới kết luận: “Lê Chất cùng với Lê Văn Duyệt, dựa nhau làm gian, tội ác đầy chứa, nhổ từng cái tóc mà tính cũng không hết, giá thử bổ áo quan giết thây cũng không là quá. Song nghĩ lại Chất tội cũng như Duyệt, trước kia Duyệt đã không bị bổ áo quan, giết thây thì nắm xương thây của Chất cũng chẳng màng bắt tội”.

Sau đó, vua cho Tổng đốc Bình Phú (kiêm hai tỉnh Bình Định và Phú Yên) là Vũ Xuân Cẩn san bằng mồ mả của Lê Chất rồi dựng tấm bia đá lên đó, khắc lớn mấy chữ “Gian thần Lê Chất phục pháp xứ” (nơi gian thần Lê Chất chịu hình pháp). Vợ Lê Chất là Lê Thị Sa và các con là Lê Cận, Lê Trương, Lê Kỵ bị án trảm giam hậu.

Gia sản của Lê Chất bị tịch thu, tính ra được 22.000 quan tiền, vua hạ lệnh cho sung công, rồi cho Tổng đốc Hà Ninh là Đặng Văn Hòa đem tiền ấy cứu cấp cho dân nghèo 12 tỉnh Bắc Kỳ.

Người con gái Lê Chất tuy làm vợ vua sinh hoàng tử, cũng bị giam cho đến chết. Con Lê Chất là Lê Hậu lấy công chúa (cô ruột vua Minh Mạng) nhưng đã chết nên không liên quan.

Lê Cận, Lê Trương, Lê Kỵ bị xử chém năm 1838. Lê Thị Sa bị đưa về nguyên quán làm nô tì, cháu của Lê Chất là bọn Lê Luận được giảm tội, đày lên Cao Bằng để làm lính, đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), gặp kỳ ân xá mới được tha về.

Mãi đến khi vua Tự Đức lên ngôi (1847), Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn mới dâng biểu xin gia ơn con cháu Thái tử Cảnh, cùng xin bổ dụng con cháu các đại thần Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất. Vua nghe cảm động, cho thi hành cả. Đến năm 1868 vua Tự Đức mới truy phong cho ông chức Tả đồn Đô Thống chế.

Cuộc đời của cha con Lê Chất mang nhiều bi kịch của, cả hai ông đều lập được nhiều công trạng phục vụ cho chủ của mình, song cuối đời đều bị các vua sau đối xử bất công, tàn nhẫn. Lê Trung bị vua Cảnh Thịnh chém đầu, Lê Chất bị Minh Mạng cho san bằng mồ mả, đều là những nỗi oan thiên cổ.

Lê Tiên Long (báo LĐCT)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ án oan của Tổng trấn Bắc thành Lê Chất