HĐXX cấp phúc thẩm nhận định các ý kiến, kiến nghị của Bộ Y tế là không có cơ sở khoa học, không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án.
Ngày 19.6, bên cạnh việc tuyên bản án đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Vô ý làm chết người”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình còn đưa ra nhận định về các ý kiến của Bộ Y tế.
Theo đó, trong quá trình xét xử, HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình nhận được các văn bản thể hiện quan điểm của Bộ Y tế. Để đảm bảo vụ án được xét xử một cách khách quan, HĐXX đã mời đại diện Bộ Y tế đến phiên tòa trình bày quan điểm.
Quá trình xét hỏi, đối đáp, trao đổi công khai tại phiên tòa giữa Bộ Y tế và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã làm sáng tỏ các ý kiến mang tính giả thiết, về nghi vấn, về nguyên nhân tử vong của 8 bệnh nhân trong sự cố y khoa xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. HĐXX cấp phúc thẩm nhận định các ý kiến, kiến nghị của Bộ là không có cơ sở khoa học, không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án.
Theo HĐXX, tại phiên phúc thẩm, một lần nữa Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã giải thích một cách khoa học, biện luận với đầy đủ chứng cứ; trình bày lại phương pháp tiến hành giám định, đưa ra kết luận giám định là chứng cứ, nền tảng then chốt trong vụ án một cách khoa học, phù hợp với các lời khai của các bị cáo, những người liên quan, phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Đại diện Bộ Y tế trình bày quan điểm tại phiên phúc thẩm - Ảnh chụp màn hình
Trước đó, trong những ngày xét xử phúc thẩm, theo đại diện Bộ Y tế, cần làm rõ có phải nguyên nhân 8 nạn nhân tử vong đều do ngộ độc florua? Trên thế giới, hiện tượng ngộ độc Florua là vô cùng hiếm gặp. Có thể thấy các nạn nhân đều sốc phản vệ; do đó kết luận điều tra không phù hợp với diễn biến lâm sàng của nạn nhân.
Theo phân tích của Bộ Y tế, nguồn nước ô nhiễm bẩn từ vòng tuần hoàn xâm nhập vào hệ thống và gây nguyên nhân tử vong. Nguyên nhân tử vong có thể là do nhiễm đa chất.
Ngoài ra, đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng có một số vấn đề nữa cần phải chứng minh. Cụ thể, vì sao trước đó Bùi Mạnh Quốc bảo trì hệ thống RO số 2 nhưng không gây ra hậu quả? Vì sao những lần trước khi bảo trì hệ thống RO số 2, bị cáo Quốc không làm xét nghiệm AAMI mà bệnh nhân không chết?...
Trong phần tuyên án, HĐXX phúc thẩm cũng kiến nghị Bộ Y tế cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình cho phù hợp; chấn chỉnh lại công tác xã hội hóa trong y tế để không xảy ra những thảm họa đáng tiếc. Ngoài ra, Bộ Y tế cần đề cao kỷ cương của các cán bộ, y bác sỹ để tránh sự cố lặp lại.
Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra; tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế công lập… BVĐK tỉnh Hòa Bình cần rà soát lại toàn bộ quy trình khám chữa bệnh, cần có sự phân công hợp lý giữa các khoa phòng, xác định cụ thể vị trí của các cá nhân, khoa phòng trong thực tiễn…
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (áo trắng), nguyên GĐ Công ty Thiên Sơn - Ảnh: T.A
Bị cáo duy nhất được hưởng án treo
Đối với bị cáo Đỗ Anh Tuấn (nguyên GĐCTCP Dược phẩm Thiên Sơn), HĐXX cho rằng bị cáo đã chuyển nhượng gói thầu sửa chữa hệ thống RO2, vi phạm Luật Đấu thầu là nguyên nhân gây ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng. Đỗ Anh Tuấn không triển khai nhiệm vụ mà bỏ mặc Bùi Mạnh Quốc tự ý sửa chữa,..
Vì vậy, HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Tuấn; tuy nhiên HĐXX phúc thẩm nhận định bị cáo đã tích cực giải quyết hậu quả khi vụ việc xảy ra, có công trong công tác xã hội hóa việc khám chữa bệnh; bị cáo đã thành khẩn khai báo…
Xét vai trò của bị cáo Tuấn trong vụ án này, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định bị cáo giữ vai trò gián tiếp, thấp nhất trong các bị cáo bị đưa ra xét xử. Phân tích các điều kiện để được hưởng án treo theo Nghị quyết Số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo, HĐXX phúc thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Đỗ Anh Tuấn 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Cụ thể, bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
HĐXX cấp phúc thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương 30 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”. Các bị cáo phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” lần lượt nhận mức án như sau: bị cáo Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị Y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình) 30 tháng tù.
Hoàng Đình Khiếu (PGĐ, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình) 30 tháng tù; Trương Quý Dương (nguyên GĐ bệnh viện) 30 tháng tù. Đỗ Anh Tuấn (nguyên GĐ Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) 24 tháng tùtreo.
Nhã Thanh
Xử vụ chạy thận chết người ở Hòa Bình: BS Hoàng Công Lương được giảm án
Hoàng Công Lương quá tự tin khi ra y lệnh, không phải cẩu thả
Vụ chạy thận gây chết người: Đại diện Bộ Y tế nêu những căn cứ cần làm rõ