Trong phần tự bào chữa, nhiều bị cáo đã nhận thức sai phạm và cho rằng bản thân đã “thấm thía về những sai lầm”, mong được giảm nhẹ hình phạt.
Sáng 25.12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2. Sau phần luận tội và đề nghị mức án của đại diện VKS đối với 17 bị cáo, phiên tòa diễn ra với phần bào chữa của các luật sư và phần tự bào chữa của các bị cáo.
Vì sai lầm mà phải trả giá
Theo đó, các luật sư không tranh cãi về tội danh quy kết mà chủ yếu tập trung vào các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo, như: khắc phục thêm hậu quả, có nhiều thành tích trong công tác, từ thiện, nhân thân tốt… Từ đó, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho các bị cáo hưởng mức án thấp hơn đề nghị của đại diện VKS.
Khi vừa bước lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Mạnh Cương (cựu Trưởng phòng Thương mại điện tử, Công ty CP thương mại hàng không Vietjet) đã khóc nấc và trình bày không rõ tiếng.
Sau một hồi bình tĩnh, bị cáo cho biết bản thân đã nhận thức rất rõ về hành vi sai trái. “Vì sai lầm mà ngày hôm nay phải đứng và trả giá tại đây”, bị cáo nghẹn giọng và bày tỏ mong muốn được hưởng mức án khoan hồng hơn.
Cùng bị đưa ra xét xử về tội “Đưa hối lộ”, bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) cho hay sau khi biết bản thân phạm tội đã rất sốc, không chỉ với bản thân mà còn cả gia đình.
Theo bị cáo Quang, bản thân ông đã viết đơn tường trình lại toàn bộ diễn biến phạm tội của bản thân trước khi có quyết định khởi tố và phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra giúp sớm làm rõ nội dung vụ án. “Sau hơn 2 năm bị tạm giam, tôi rất thấm thía về những sai lầm của bản thân”, bị cáo nói giọng ăn năn.
Chịu sự tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR) thừa nhận trong công việc đã vô tình để xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, theo lời bị cáo Thắng tại tòa, bị cáo gần như thiếu kiến thức trong giai đoạn dịch COVID-19 do có quá nhiều khó khăn, trong khi mạng sống của con người là cần thiết.
“Đến nay, bị cáo nhận thức rõ sai phạm, mong HĐXX xem xét để bị cáo sớm có cơ hội trở về với gia đình và tiếp tục đóng góp cho xã hội”, bị cáo Thắng trình bày.
Bào chữa cho bị cáo Thắng, luật sư Trịnh Văn Tuyến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng thân chủ của mình phạm tội trong bối cảnh chịu sự tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19, đặc biệt khi mong muốn hồi hương của hàng triệu công dân ở nước ngoài tăng đột biến, gây áp lực lên công tác phòng chống dịch bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu hồi hương của kiều bào và khả năng đáp ứng ở trong nước.
Trong bối cảnh ấy, luật sư cho biết từ cuối năm 2020 đến tháng 4.2021, công ty của bị cáo Thắng (doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lữ hành du lịch, bán vé máy bay, đặt phòng khách sạn và dẫn tour du lịch) liên tục nhận được điện thoại hỏi về trình tự, thủ tục và nhờ xin cho khách lẻ từ nước ngoài về nước tránh dịch…
Ngoài ra, theo luật sư Tuyến, bị cáo Thắng phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, bị cáo vô tư chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng với mật độ liên tục, đều đặn và với số lượng tiền lớn mà không hề có chút e dè hay ngụy trang, giấu giếm.
Trong phần bào chữa, luật sư Tuyến cũng nêu rõ việc bị cáo Phạm Quốc Thắng chỉ giữ vai trò giúp sức thứ yếu, không đáng kể và hành vi phạm tội giản đơn, thụ động.
Theo luật sư, việc bị cáo Thắng có giúp sức cho các bị cáo F1, F2 đưa hối lộ hay không đều không ảnh hưởng, không chi phối và không phá vỡ hành vi của các bị cáo F1, F2 đối với những trường hợp khác...