Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) xác định vụ thử tên lửa bắn hạ vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp của Trái Đất mà Ấn Độ thực hiện cách đây không lâu tạo ra tổng cộng 400 mảnh vỡ.
Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết trong số này có 60 mảnh vỡ đủ lớn để có thể theo dõi, và 24 mảnh lớn di chuyển hướng lên tầm cao của Trạm Không gian quốc tế (ISS) dù vệ tinh bị bắn hạ nằm ở độ cao cách Trái Đất khoảng 300km.
“Thật tồi tệ khi vụ thử tạo ra mảnh vỡ bay vượt qua ISS. Chuyện này không phù hợp với hoạt động không gian của nhân loại”, theo Giám đốc Bridenstine.
Hầu hết sẽ bốc cháy trong khí quyển, còn mảnh vỡ lớn có thể được theo dõi và xử lý nếu cần thiết, nhưng Giám đốc Bridenstine lưu ý đây là tiền lệ xấu: “Khi một quốc gia làm vậy thì quốc gia khác sẽ nghĩ họ cũng phải làm”.
Phản hồi thông tin từ NASA, phía Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) tuyên bố họ đã tính toán kỹ lưỡng để vụ thử không đem đến rủi ro nghiêm trọng. Mọi mảnh vỡ dự kiến biến mất trong vòng 6 tháng.
Quân đội Mỹ hiện theo dấu hơn 23.000 mảnh vỡ kích thước từ 10cm trở lên, đảm bảo chúng không va chạm với ISS hay bất cứ vệ tinh nào. Có thể đạt vận tốc lên đến 30.000km/giờ, mỗi mảnh vỡ đủ sức đâm thủng tên lửa, tàu không gian lẫn đồ bảo hộ phi hành gia.
Ấn Độ là nước thứ tư đạt khả năng bắn hạ vệ tinh, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Cẩm Bình (theo India Times, Tech Crunch)