Sở GD&ĐT và các chuyên gia khẳng định việc Trường Phạm Ngũ Lão đình chỉ học sinh là sai: Lạm dụng trấn áp thay vì giáo dục.

Vụ việc đình chỉ học vì không tham gia biểu diễn văn nghệ: Giả - thật đều sai!

Một Thế Giới | 22/01/2015, 08:50

Sở GD&ĐT và các chuyên gia khẳng định việc Trường Phạm Ngũ Lão đình chỉ học sinh là sai: Lạm dụng trấn áp thay vì giáo dục.

Quanh việc ra quyết định đình chỉ học với em Nguyễn Thị Tuyết Linh (lớp 11A1 Trường THPT Dân lập Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM), ngày 20-1, ông Nguyễn Văn Phúc (Phó Hiệu trưởng trường) cho biết đây chỉ là động tác giả được dùng trong 18 năm qua nhằm nâng cao tính kỷ luật.

Tuy nhiên, ngày 21.1, bà Lê Thị Thanh Nguyệt (Hiệu trưởng trường) lại khẳng định: “Quyết định đình chỉ học mà nhà trường áp dụng nhiều năm nay không phải là giả.Đó là biện pháp nhà trường đưa ra để giáo dục đạo đức cho học sinh (HS)…”.

Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định dù là động tác giả hay thật, cách hành xử của nhà trường là sai. Nhiều bạn đọc khác cũng đồng tình vì hành xử của nhà trường rất phản giáo dục.

Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM:

Với lý do gì cũng không được hành xử như vậy

Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sáng 21.1, đại diện Sở đã liên lạc với Trường THPT Dân lập Phạm Ngũ Lão để tìm hiểu vụ việc. Quan điểm của đại diện lãnh đạo Sở là cách làm của nhà trường (từ lý do cho đến văn bản xử lý) như vậy là không đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu quyết định của nhà trường chỉ là động tác giả cũng không được vì mọi xử lý kỷ luật phải tuân theo các quy định pháp luật rõ ràng chứ không phải tùy tiện ra quyết định. Nếu mục đích của nhà trường có là để giáo dục HS thì nhà trường có rất nhiều cách chứ không chỉ duy nhất việc ra văn bản.

Cũng theo phía Sở, trước đó trong văn bản kết luận ý kiến của Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn tại hội nghị giao ban trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện và các trường THPT, Sở yêu cầu trong thời gian tới, các trường cần có biện pháp sư phạm và phương pháp giảng dạy theo hướng cá thể để chăm sóc trẻ học chậm, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Tuyệt đối không được la mắng, quát nạt HS hoặc dùng các hình phạt thiếu tính sư phạm đối với HS. Sở đề nghị phải thực hiện nghiêm túc kết luận này.

dinh chi hoc vi khong tham gia bieu dien van nghe

Nhiều học sinh Trường Phạm Ngũ Lão bị đề nghị xử lý kỷ luật. Ảnh: PA

TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM:

Ứng xử của nhà trường không đúng

Các em vẫn đang ở độ tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, hoàn thiện về nhân cách sống. Nhà trường không thể dùng hình thức kỷ luật ấy để… răn đe các em. Nếu không hiểu rõ ràng, nhiều em sẽ sinh buồn bực, dễ bất mãn với cách hành xử của nhà trường. Thứ hai, phụ huynh gửi con em đến trường để được giáo dục, được nuôi dưỡng tâm hồn… Nếu nhà trường ra quyết định đình chỉ học như vậy, phụ huynh HS sẽ không tin cậy cách giáo dục của nhà trường. Nhà trường nên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em trước khi ra một quyết định kỷ luật nào đó. Qua vụ việc này, chúng ta cũng cần xem lại cách ứng xử của nhà trường mà đại diện là những thầy cô - người trực tiếp hướng dẫn, giáo dục tâm sinh lý các em.

Phạm Phúc ThịnhThS giáo dục:

Đó là trấn áp, không phải giáo dục

Có thể thấy rất rõ nhà trường - hiệu trưởng đang sử dụng một cách làm sai. Vì bất lực, vì không còn phương pháp giáo dục nào cả nên đành lấy cái quyền - mà lại là quyền không được quy định - để trấn áp HS, để buộc HS phải thực hiện theo đúng ý của thầy cô, để làm được một công việc mà em HS đó có quyền từ chối. Hình như những người làm công tác giáo dục chưa kịp đổi mới tư duy trong vấn đề giáo dục nhân cách sống cho HS; vẫn tự cho mình những cái quyền “không hợp pháp” để khống chế, để ép buộc HS thay vì tìm cách làm hợp lý để thuyết phục được các em thực hiện các yêu cầu một cách tự giác. Phải chăng cần đặt ra vấn đề này ngay từ bây giờ đối với công tác đào tạo giáo viên, dù muộn cũng còn hơn không.

Theo P.Anh-P.Tĩnh (Pháp luật TP.HCM)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
VEPR dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 khoảng 5,5 - 6%
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Còn nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo đó VEPR thận trọng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trong khoảng từ 5,5 - 6% trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ việc đình chỉ học vì không tham gia biểu diễn văn nghệ: Giả - thật đều sai!