Mùa xuân năm 1044, vua Lý Thái Tông giao cho hoàng thái tử Lý Nhật Tôn giữ chức lưu thủ kinh sư, còn ngài thì tự mình làm tướng thân chinh đem gần hết quân cả nước đi đánh Chiêm Thành. Thuyền bè kể cả chiến thuyền và thuyền tải lương có đến hơn vạn chiếc, binh phu hàng chục vạn người đều theo vua nam chinh.

Vua Lý Thái Tông dùng vũ lực, bình định phương nam

08/02/2018, 07:11

Mùa xuân năm 1044, vua Lý Thái Tông giao cho hoàng thái tử Lý Nhật Tôn giữ chức lưu thủ kinh sư, còn ngài thì tự mình làm tướng thân chinh đem gần hết quân cả nước đi đánh Chiêm Thành. Thuyền bè kể cả chiến thuyền và thuyền tải lương có đến hơn vạn chiếc, binh phu hàng chục vạn người đều theo vua nam chinh.

Tượng binh Chiêm thành - Ảnh: Internet

Cuộc nam tiến của dân tộc Việt không chỉ là một cuộc mở cõi đơn thuần. Nói về việc mở rộng không gian sinh tồn, mãi về sau này mới đóng vai trò lớn với người Việt. Trong khoảng thời gian đầu của kỷ nguyên độc lập, việc tạo dựng một vị thế vượt trội đối với nước Chiêm Thành ở phương nam có một vai trò sống còn. Vì rằng, ở mặt bắc nước Đại Cồ Việt là một đế quốc lớn mạnh hơn hàng chục lần, vốn đã là một áp lực cực lớn về quốc phòng. Nếu như không nắm thế chủ động ở phía nam, Đại Cồ Việt có nguy cơ rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch.

Thời vua Lê Đại Hành, có thể thấy rằng ngài đã phải lựa chọn giữa hai phương án là hòa hảo và dùng vũ lực với Chiêm Thành. Khi sứ giả bị vua Chiêm bắt giữ, một cuộc chiến không khoan nhượng đã nổ ra. Quân Đại Cồ Việt sau chiến thắng đã cố gắng chiếm đóng đất đai của Chiêm Thành. Đến khi nhận thấy không đủ tiềm lực chiếm đóng lâu dài, vua Lê đã tìm kiếm hòa bình trên thế thắng với nước Chiêm Thành bằng việc chủ động trao trả tù binh. Cả trong trường hợp đánh và hòa, rõ ràng vua Lê đã rất chủ động.

Về phía nước Chiêm Thành, quan hệ ngoại giao với Đại Cồ Việt cũng là một vấn đề can hệ đến tồn vong của vương quốc. Với sự nổi lên của đế quốc Angkor phía tây và Đại Cồ Việt ở phía bắc, nước Chiêm Thành từ thế kỷ 10 trở đi lọt thỏm vào một vòng vây trên cả bốn mặt. Quan hệ với đế quốc Java ngoài biển vốn đã chẳng tốt đẹp từ lâu, trong khi vùng lãnh thổ trên bộ của Chiêm Thành lại thường xuyên bị người Angkor uy hiếp ở cả mặt tây và mặt nam. Vùng núi phía tây nước Chiêm (tức Tây Nguyên) trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng của Chiêm Thành và Angkor.

Đối với biên giới phía bắc, đã không còn là một Giao Châu giàu có và xa xôi của đế quốc Đường để quân Chiêm có thể dễ dàng thực hiện nhưng cuộc xâm nhập để cướp bóc và rút lui nhanh chóng. Quốc gia mới là Đại Cồ Việt thể hiện quyết tâm cao độ trong việc bảo vệ lãnh thổ và cũng có đủ sức mạnh để làm việc đó. Kể cả nước lớn như Tống còn phải kiêng dè đôi phần trước sức mạnh quân sự của Đại Cồ Việt.

Từ sau cuộc chiến đẫm máu năm 982 dẫn đến cái chết của vua Paramesvaravarman I, vua kế tiếp của Chiêm Thành là Indravarman IV đã thể hiện thái độ hoàn toàn khác với Đại Cồ Việt hòng được yên mạn bắc. Nhưng thời bấy giờ có những vấn đề khá nhạy cảm là động cơ cho chiến tranh bùng phát bất cứ lúc nào giữa các nước trong khu vực.

Vấn đề thứ nhất là nô lệ. Cả Đại Cồ Việt, Chiêm Thành và Angkor đều cần nô lệ để duy trì sự thịnh vượng của mình. Mặc dù ở Đông Á thời trung đại không phát triển đến hình thái xã hội chiếm hữu nô lệ, nhưng một số lĩnh vực đặc thù vẫn đòi hỏi việc dùng nô lệ thay cho giới bình dân. Nếu như người Việt cần nô lệ ngoại quốc để khai phá những vùng ruộng xấu, vùng trũng, khô cằn và khai thác mỏ thì Angkor và Chiêm Thành lại sử dụng nô lệ để xây dựng các thành phố, đền đài nguy nga, làm thủy lợi, phu chèo thuyền ... Đó đều là những việc nặng nhọc nên các quân vương thường tránh sử dụng thần dân trong nước mình vì sợ sẽ gây nên sự bất mãn trong xã hội.

Nếu như những nô tỳ, nô lệ trong nước được vẫn được đối xử như thần dân của nhà vua và có cơ hội thay đổi thân phận, thì những nô lệ xuất thân từ tù binh có thân phận hẩm hui hơn. Với việc chiến thắng trong chiến tranh và bắt tù binh làm nô, giới quý tộc vừa được coi là người có công lao đánh dẹp vừa giải quyết được vấn đề nhân lực trong nước. Riêng người Chiêm Thành với nền hàng hải hùng mạnh còn phát triển nghề buôn bán nô lệ. Từ lâu, họ đã thường xuyên đánh bắt các sắc dân cao nguyên phía tây (vùng cao nguyên miền trung ngày nay) và Giao Châu cũ (Đại Cồ Việt) để bán.

Vấn đề thứ hai là chiến lợi phẩm. Thời bấy giờ, Chiêm Thành có thể gọi là một nạn nhân cho chính sự giàu có của mình. Đất nước này không có dân số đông, không có đồng bằng màu mỡ nhưng nhờ thương mại phát triển nên sự thịnh vượng vượt hẳn những nước láng giềng. Từ khi nền văn minh Phù Nam tàn lụi, Chiêm Thành trở thành thương cảng trong yếu của khu vực Đông Nam Á. Vàng bạc, châu báu là những thứ trang sức thậm chí được người Chiêm Thành đính vào trang phục thường ngày. Vàng còn được dùng để đúc tượng, dát lên các công trình kiến trúc … Bộ mặt trang hoàng lộng lẫy của nước Chiêm Thành đã khơi dậy lòng tham của các nước lân bang. Mặt khác, những nước Đại Cồ Việt, Angkor cũng có những kho tàng khiến những đạo quân ngoại quốc nhòm ngó. Và Chiêm Thành cũng là thế lực hiếu chiến trong vùng, sẵn sàng chớp cơ hội để tung quân cướp bóc lân bang.

Cả hai vấn đề nô lệ và chiến lợi phẩm cộng hưởng với nhau đã kết thúc quãng thời gian hòa bình giữa Chiêm Thành và Đại Cồ Việt. Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý, nước Chiêm Thành lợi dụng sự xáo trộn nội bộ của láng giềng đã bắt đầu những hoạt động đánh phá vùng biên giới như trước. Từ khi vua Lý Thái Tông lên ngôi, nước Chiêm Thành đã không còn cử sứ giả đến triều đình Đại Cồ Việt. Ban đầu, vua Lý Thái Tông vẫn cho thông sứ, tìm cách vỗ về phương nam nhưng không đem lại hiệu quả. Bởi Đại Cồ Việt vẫn tự xem mình là nước lớn trong quan hệ song phương, mà Chiêm Thành thì cậy có núi sông hiểm trở và vẫn coi Đại Cồ Việt là kẻ đối địch, dù ngoài mặt có lúc nhún nhường nhưng vẫn nuôi chí xâm lăng. Sau khi đã ổn định tình hình trong nước, Lý Thái Tông đã xem xét lại vấn đề Chiêm Thành.

Năm 1043, vua Lý Thái Tông trong buổi thiết triều đã hỏi các triều thần rằng: “Tiên đế [tức vua Lý Thái Tổ] mất đi đến nay đã 16 năm rồi, mà Chiêm Thành chưa từng sai một sứ giả nào sang là cớ gì? Uy đức của trẫm không đến họ chăng? Hay là họ cậy có núi sông hiểm trở chăng?”

Triều thần có người tâu rằng: “Bọn thần cho rằng đó là vì đức của bệ hạ tuy có đến nhưng uy thì chưa rộng. Sao thế ? Vì từ khi bệ hạ lên ngôi đến giờ, họ trái mệnh không đến chầu, bệ hạ chỉ ban ơn để vỗ về, chưa từng ra oai dùng võ để đánh phạt. Đó không phải là cách làm cho người ta sợ oai. Bọn thần e rằng các chư hầu khác họ trong nước đều như Chiêm Thành cả, há chỉ riêng người Chiêm mà thôi đâu!”

Nghe qua lời triều thần luận bàn, vua Lý Thái Tông hạ quyết tâm nam chinh. Hàng trăm chiến thuyền được lệnh đóng mới, chia làm các hiệu Long, Phượng, Ngư, Xà, Hổ, Báo, Anh Vũ sẵn sàng cho cuộc chiến. Trên khắp cả nước, việc tuyển chọn, thao luyện binh lính diễn ra rầm rộ. Khí giới được rèn đúc tích sẵn trong kho quân khí. Vua xuống chiếu cho quân dân chuẩn bị mọi mặt, hẹn đến mùa xuân năm sau sẽ xuất binh đánh Chiêm Thành. Cái cách mà Đại Cồ Việt chuẩn bị cho cuộc chiến tranh đã thể hiện sự ưu việt về thể chế quân chủ trung ương tập quyền của người Việt so với thể chế “liên bang” của người Chiêm.

Mặc dù giàu có và cũng khá thiện chiến, Chiêm Thành hiếm khi có được cái thế mạnh muôn người hòa làm một giống như Đại Cồ Việt. Giữa năm xứ (Indrapura, Ameravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga), hai dòng quý tộc (Cau và Dừa) luôn có sự cạnh tranh với nhau. Quyền lực của triều đình trung ương Chiêm Thành nhiều lúc không được thực thi triệt để, khả năng tổng hợp các nguồn lực lớn trong nước phục vụ cho chiến tranh kém xa Đại Cồ Việt.

Mùa xuân năm 1044, vua Lý Thái Tông giao cho hoàng thái tử Lý Nhật Tôn giữ chức lưu thủ kinh sư, còn ngài thì tự mình làm tướng thân chinh đem gần hết quân cả nước đi đánh Chiêm Thành. Thuyền bè kể cả chiến thuyền và thuyền tải lương có đến hơn vạn chiếc, binh phu hàng chục vạn người đều theo vua nam chinh.

Quân Đại Cồ Việt theo đường cửa biển Đại Ác, men dọc theo bờ biển mà xuôi nam, thế quân rất mạnh. Vua Chiêm Thành là Jaya Sinhavarman II (sử cũ chép là Sạ Đẩu) hay tin quân Việt kéo xuống, bèn điều động hàng vạn quân cùng voi xuất thành nghênh chiến. Quân Chiêm Thành dàn trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ (sông Thu Bồn, Quảng Nam – Đà Nẵng ngày nay) mà chờ sẵn quân Đại Cồ Việt. Kịp khi vua Lý Thái Tông dẫn đoàn thuyền chiến kéo đến, trông thấy quân Chiêm Thành đội ngũ đã chỉnh tề. Vua Lý liền chia quân đổ bộ, giương cờ gióng trống làm như sắp đánh với quân Chiêm.

Đòn phô trương thanh thế của vua Lý Thái Tông có tác dụng bất ngờ. Hai bên chưa kịp giao chiến, quân Chiêm Thành trông thấy binh uy phía Đại Cồ Việt quá hùng hồn và số lượng quá áp đảo nên đã sợ hãi mà tự tan vỡ. Quân Đại Cồ Việt truy kích sát sườn, chém vua Jaya Sinhavarman II tại trận cùng với ba vạn quân Chiêm, bắt sống hơn 5.000 tù binh. Trận này, sử cũ phải chép: “máu nhuộm gươm giáo, xác chất đầy đồng” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

Vua Lý Thái Tông vốn là ông vua nhân từ và sùng đạo Phật nên đã động lòng trắc ẩn với hành động giết hại bừa bãi của quan quân. Đích thân ngài đã hạ lệnh: “Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha”. Do đó mà việc lạm sát mới ngừng. Quân Đại Cồ Việt sau đó tràn vào kinh thành Phật Thệ, bắt các vũ công và cung phi của vua Chiêm đem về nước.

Sau cuộc chiến quy mô lớn này, thế nước Đại Cồ Việt càng dâng cao. Chiến lợi phẩm và nô lệ đem về từ Chiêm Thành lúc này không phải là cái lợi quan trọng nhất. Lợi ích thiết thực nhất là Đại Cồ Việt đã vươn lên một vị thế mới, bớt đi một sức ép lớn về quốc phòng ở phía nam. Kể từ đây, Chiêm Thành thường xuyên phải chấp nhận thế cửa dưới đối với Đại Cồ Việt, bị buộc phải triều cống cho láng giềng phía bắc. Cuộc chiến một lần nữa làm cho Chiêm Thành hao tổn nhiều nguyên khí quốc gia mà phải mất nhiều năm sau mới có thể hồi phục trở lại.

Quốc Huy

Bài viết cùng chủ đề:

3 nền văn minh trải dài trên 3 miền nước ta là điều rất đặc biệt

Chuyện một đế quốc ở Nam Bộ biến mất trước khi người Việt đặt chân tới

Người Chăm hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nhà Hán

Chuyện nước Lâm Ấp cổ và cuộc chiến chống Hán, Ngô, Tấn...

Quốc gia cổ Hoàn Vương ở miền Trung và quá trình nam chinh, bắc chiến​

Người Việt vừa thoát nạn Bắc thuộc đã phải lo mối họa từ phía nam​

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vua Lý Thái Tông dùng vũ lực, bình định phương nam