Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới

Trần Khải 24/11/2024 07:09

Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.

Sản lượng tăng cao

Theo bà con diêm dân, so với sản xuất muối theo kiểu truyền thống thì sản xuất muối theo hướng công nghệ cao bằng hình thức trải bạt có lợi cho diêm dân rất nhiều. Muối vừa nâng cao chất lượng, giá trị lẫn sản lượng, vừa được thương lái thu mua với giá cao hơn. Tuy nhiên, loại hình sản xuất này không phải hộ gia đình nào cũng làm được, chỉ những hộ có điều kiện kinh tế dư dả mới dám đầu tư.

1(1).jpg
"Làn gió mới" thổi vào đồng muối Bạc Liêu khi diêm dân ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất - Ảnh: Phan Thanh Cường

Gần cả đời người gắn bó với nghề làm muối, 69 tuổi nhưng đã có hơn 50 năm làm muối, ông Hồ Châu Kỳ ngụ xã Long Điền Đông được người dân địa phương đặt cho biệt danh thân thương “trùm muối”.

Gọi là trùm, bởi ông Kỳ có thâm niên làm muối hàng chục năm nay, nên ông nắm rõ quy luật tự nhiên của nghề này. Từ tháo nước, dẫn nước vào ruộng, nện đằm mặt ruộng, cào đua... ông đều thuộc nằm lòng. Khi trong xóm, ai cần hỗ trợ kỹ thuật là ông Kỳ vui vẻ hỗ trợ ngay mà chẳng câu nệ bất cứ điều gì. Không chỉ thông thạo việc, lại thêm tính hào sảng đậm chất Nam Bộ nên ông Kỳ được bà con quý mến, gọi là “trùm muối”.

2(1).jpg
Diêm dân đưa cơ giới vào sản xuất giúp giảm bớt sức lao động và chi phí - Ảnh: Phan Thanh Cường

Chia sẻ về thâm niên làm muối của mình, ông Kỳ tự hào khoe, ông sống cả đời với nghề muối, am hiểu tận tường kỹ thuật để sản xuất muối. Điều ông tâm đắc nhất là sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Theo ông, đây là hình thức sản xuất mới, rất hiệu quả hiện nay.

“Hiện tôi là người làm muối lâu đời nhất ở xứ này, gần cả đời người gắn bó với nghề muối, mọi khổ cực, đắng cay, vui buồn với nghề tôi đều đã trải qua. Với tôi, nghề muối là nghề rất cần cho xã hội, bởi ai cũng cần có muối để duy trì sự sống. Đầu tư sản xuất muối bằng công nghệ trải màng bạt tuy chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng mình sản xuất dài hạn mà giá trị muối cũng có giá cao hơn”, ông Kỳ nói.

Ngược về ký ức, nhớ lại một thời lao động vất vả, ông Kỳ nói ngày trước, để làm ra được hạt muối, diêm dân phải đổ nhiều mồ hôi, tốn nhiều công sức, thức khuya dậy sớm tháo nước canh đồng... nên phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, siêng năng là yếu tố quyết định cho vụ mùa.

“Trước đây sản xuất muối theo kiểu truyền thống, khác hiện nay nhiều lắm. Giờ, kỹ thuật tiên tiến nên việc sản xuất nhẹ nhàng hơn nhưng năng suất, chất lượng thì cao hơn. Giá muối trung bình từ 1.500 đồng/kg trở lên thì đời sống của diêm dân mới khỏe. Mỗi hecta muối hiện nay bán ra khoảng 60 - 70 triệu đồng/vụ, sau khi trừ chi phí đầu vào diêm dân lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Kết thúc vụ muối bà con tận dụng đất trống vào những tháng mùa mưa để nuôi thủy sản như tôm, cua… để tăng thu nhập”, ông Kỳ cho biết.

4(1).jpg
Mùa muối kéo dài trong 6 tháng nắng - Ảnh: Phan Thanh Cường

Nước da rám nắng, chân tay chai sần vì nghề muối đã lâu, ông Nguyễn Văn Sang (55 tuổi), thành viên HTX Dịch vụ sản xuất muối công nghệ cao Đông Hải tâm tình, 3,5ha sản xuất muối chỉ giúp cho cuộc sống của gia đình ông Sang dừng lại ở mức đủ ăn.

“Mặc dù nghề muối cho thu nhập ổn định nhưng chỉ đủ ăn, tằn tiện lắm mới có dư dả chút đỉnh để phòng khi đau yếu, bệnh tật. Để diêm dân làm giàu từ nghề muối thì rất cần sự quan tâm của nhà nước trọng việc thúc đẩy cung - cầu, có giải pháp bình ổn giá muối thì mới mong đời sống của diêm dân khá lên. Giờ sản xuất muối công nghệ cao, sử dụng cơ giới nên tiết kiệm được công lao động”, ông Sang nói.

Đưa cơ giới vào sản xuất

Nghề làm muối nhiều cơ cực, vất vả nhưng sản phẩm bán ra chưa tương xứng với giá trị, công sức của diêm dân. Hạt muối gắn liền với đời sống xã hội, ai cũng cần đến muối, dẫu vậy giá trị mà hạt muối đem lại chưa cao, bà con diêm dân chưa thể giàu lên từ nghề truyền thống này.

Để cải tiến chất lượng hạt muối, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, nhiều diêm dân đã mạnh dạn đầu tư kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất muối. Từ đó, sản phẩm làm ra được thương lái thu mua với giá cao hơn muối truyền thống từ 500 - 700 đồng/kg.

5.jpg
Giải pháp thủ công thô sơ để trữ muối hiện nay chỉ là cách che đậy tạm - Ảnh: Trần Khải

Ông Hồ Minh Chiến (62 tuổi), Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ sản xuất muối công nghệ cao Đông Hải cho biết HTX hiện có 19 thành viên, sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác hộ gia đình.

Theo ông Chiến, từ khi tham gia HTX, đời sống xã viên cơ bản ổn định. Những diêm dân có điều kiện họ trữ muối chờ thời điểm thích hợp bán ra thì khấm khá hơn. “Nghề làm muối ở đây, rất ít người có đất nhiều, thường chỉ vài ba hecta. Thu nhập tạm ổn, bà con tự làm chủ không phải đi làm thuê làm mướn cho ai. Hiện toàn bộ xã viên của HTX đã thực hiện quy trình tháo nước để chuẩn bị cho vụ mùa mới", ông Chiến cho biết.

Ông Chiến đánh giá, so với việc sản xuất muối truyền thống thì ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất muối công nghệ cao là có sự khác biệt như năng suất, trình độ kỹ thuật, điều kiện vốn kinh tế hộ... đầu tư sản xuất và thu về kết quả khác nhau.

“Sản xuất muối theo cách truyền thống thua thiệt hơn so với mô hình sản xuất muối trải bạt. Giờ khoa học kỹ thuật tiên tiến nên việc làm muối nhàn hơn so với trước đây. Tôi ví dụ, ngày trước một tập đoàn làm 100ha nhưng sản lượng chẳng là bao nhiêu. Còn giờ, sản xuất theo kinh tế hộ, mỗi gia đình có vài ba hecta kết hợp với trình độ kỹ thuật hiện đại nên sản lượng đạt khá cao. Trước đây khi vào vụ thu hoạch đạt lắm chỉ hơn 10 tấn/ha, còn giờ năng suất tăng 50 - 60 tấn/ha. Thậm chí, có mô hình trải bạt kỹ thuật tốt đạt khoảng 90 tấn/ha”, ông Chiến chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhiều diêm dân, chi phí đầu tư sản xuất muối công nghệ cao bằng hình thức trải bạt khá cao nên rất cần nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ giúp bà con diêm dân tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất để phát triển nghề làm muối theo hướng bền vững.

“Mỗi hecta muối trải bạt hiện nay phải đầu tư khoảng 65 - 70 triệu đồng mới đủ điều kiện phục vụ sản xuất và việc thu hồi vốn phải từ khoảng từ 2 - 3 năm. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã tiết kiệm được sức người, ít thuê mướn lao động, chi phí sản xuất giảm rất nhiều. Nếu không đưa cơ giới hóa vào sản xuất thì với 10ha đất muối phải cần đến 4 - 5 lao động, chi phí thuê khoảng 35 triệu đồng/người/vụ. Giờ đầu tư máy móc, thiết bị nên chủ ruộng chỉ cần thuê 1 nhân công biết sử dụng máy móc là được, tiết kiệm rất nhiều nên tăng mức lợi nhuận”, ông Chiến phân tích.

6.jpg
Ông Hồ Thanh Tuấn (trái), Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải trao đổi về nghề muối với ông Hồ Châu Kỳ - Ảnh: Trần Khải

Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải nói: “Trên địa bàn huyện Đông Hải hiện có 5 HTX chuyên về sản xuất muối và có 6 sản phẩm OCOP hạng 3 sao được chế biến từ muối gồm muối hạt, muối hạt sấy, muối i ốt, muối nghiền (bột)… Hình thức tiêu thụ chủ yếu mua bán bằng cách quảng bá, giới thiệu trên nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, mối quen biết”.

Theo ông Tuấn, nghề sản xuất muối ở Bạc Liêu là ngành nghề được bảo tồn cấp quốc gia nên địa phương sẽ duy trì, giữ vững diện tích hiện có, hướng đến mở rộng thêm diện tích. Về lâu lâu dài, để nâng cao giá trị hạt muối, cải thiện đời sống của diêm dân thì nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ nghề muối như triển khai xây dựng công trình, dự án ở đồng muối. Đồng thời, cần nâng mức hỗ trợ khi diêm dân gặp sự cố về thiên tai, mưa trái mùa…; hỗ trợ màng bạt để diêm dân sản xuất muối theo loại hình chất lượng cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới