Sau nhiều năm tranh cãi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã loại chuyển giới ra khỏi chương rối loạn tâm lý. Đây được xem là một bước tiến mang tính đột phá trong phong trào đấu tranh giành quyền bình đẳng cho những người chuyển giới.
Mặc dù WHO từ lâu đã loại “đồng tính luyến ái” ra khỏi Bảng phân loại quốc tế về bệnh tật (tiếng Anh: International Classification Diseases, viết tắt là ICD) thế nhưng vẫn liệt “chuyển giới” vào chương “Rối loạn tâm lý” (mental disoder).
ICD mã hóa các căn bệnh thành khoảng 55.000 mã riêng biệt và ngắn gọn làm chuẩn cho công tác nghiên cứu và thực hành y học trên phạm vi toàn cầu. Phiên bản ICD mới nhất là ICD-10 được công bố vào năm 1992.
Trong mấy thập niênqua, nhiều người đã sử dụng ICD làm luận điểm để áp dụng các biện pháp “chữa trị” cũng như đưa ra những lý thuyết cố gắng bệnh hóa hay triệt sản người chuyển giới.
Chưa hết, người chuyển giới cho đến nay vẫn còn vấp phải sự kỳ thị gay gắt trong xã hội bất chấp phong trào vận đồng quyền cho cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính vàchuyển giới) đã lan tỏa mạnh mẽ. Và một trong những lý do dẫn đến tình trạng này chính là việc chuyển giới vẫn bị xem là một chứng rối loại tâm lý bởi tổ chức y tế uy tín nhất trên thế giới. Tuy nhiên, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi kể từ đầu tuần này.
Hương Giang là một trong những người chuyển giới nổi tiếng nhất tại Việt Nam
Ngày 18.6 vừa qua, WHO đã công bố ICD-11. Theo đó, tất cả những gì liên quan đến chuyển giới đều đã bị loại ra khỏi chương “Rối loạn tâm lý” và chuyển sang một chương mới có tên là “Những điều kiện về sức khỏe tình dục” (tiếng Anh: Conditions related to sexual health). Ngoài ra, ICD-11 còn cho ra mắt những mục mới dành riêng cho chuyển giới. Ví dụ như “Không hợp giới ở trẻ em” (tiếng Anh: Gender incongruence of childhood) và “Không hợp giới ở tuổi trẻ vị thành niên và thanh niên” (tiếng Anh: Gender incongruence of childhoood).
Báo cáo của WHO công bố vào ngày 18.6 ghi rõ: “Bằng chứng thu thập được đã cho thấy chuyển giới không phải là một chứng rối loại tâm lý. Do đó, cách phân loại như từ trước đến nay có thể gây ra sự kỳ thị rất lớn đối với những người chuyển giới”. Còn về việc tại sao vẫn để chuyển giới trong ICD, WHO lưu ý rằng “các nhu cầu chăm sóc sức khỏe quan trọng chỉ có thể được đáp ứng tốt nhất nếu như chuyển giới vẫn còn được mã hóa theo ICD”.
Tiến sĩ Lale Say
Tiến sĩ Lale Say, điều phối viên của Cục Sức khỏe sinh sản và Nghiên cứu tại WHO, cho biết: “Việc loại bỏ chuyển giới ra khỏi chương sức khỏe tâm thần được kỳ vọng sẽ làm giảm sự kỳ thị và làm tăng sự chấp nhận của xã hội đối với người chuyển giới. Về mặt cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chúng tôi không mong đợi sẽ có nhiều thay đổi do chuyển giới vẫn còn nằm trong ICD. Tuy nhiên, động thái này chắc chắn sẽ làm giảm bớt nhiều lo ngại và giúp người chuyển giới có thể dễ dàng tìm kiếm sự trợ giúp về mặt y tế”.
Rebecca Stinson, giám đốc của tổ chức Stonewall chuyên về quyền của người LGBT, cho biết“chuyển giới không phải là bệnh tâm thần, và thật tuyệt khi nhìn thấy WHO nhận ra điều đó. Tất cả những người chuyển giới cần sự giúp đỡ phải được thừa nhận đúng bản chất của họ bởi nhân viên y tế”.
ICD-11 sẽ được trình bày tại Đại hội đồng Y tế thế giới vào tháng 5.2019 để yêu cầu sự chấp thuận từ các quốc gia thành viên và sẽ có hiệu lực từ năm 2022.
Mai Thảo