Thông tin giá xăng tăng 1.610 đồng/lít và giá điện tăng 7,5% đã khiến người tiêu dùng lo ngại về việc giá cả hàng hóa cũng tăng theo, bởi vì xăng dầu và điện là hai mặt hàng thiết yếu của đời sống và sản xuất.
Giá xăng dầu đã chính thức tăng sau một đợt giảm giá kéo dài, từ mức 15.670 đồng/lít lên mức 17.280 đồng/lít vào đợt điều chỉnh giá ngày 11.3. Ngoài ra, giá điện cũng đã được điều chỉnh tăng thêm 7,5%, áp dụng vào ngày 16.3 tới đây. Điều này đã khiến dư luận xã hội và giới chuyên gia lo ngại giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường dựa đó mà tăng theo.
Trả lời trên báo Tiền Phong, chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ cho rằng, đợt tăng giá xăng dầu và điện này sẽ tác động lên giá lương thực thực phẩm. Do mặt hàng lương thực thực phẩm chủ yếu phụ thuộc vào mùa màng, đầu ra, nếu giá có tăng cũng không nhiều (trừ khi mất mùa).
Tuy nhiên, theo TS Hồ, với giá các mặt hàng công nghiệp lại khác. “Vừa qua, các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp đều tăng, tôi không hiểu họ điều tra thế nào, khi người dân đâu có tiền để mua. Giờ giá điện và xăng dầu tăng, doanh nghiệp tăng giá bán thì lấy ai mua, tồn kho lại tăng, doanh nghiệp lại lao đao”, TS Hồ dự báo.
Cũng bàn luận về vấn đề này, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng xăng dầu và điện là hai mặt hàng chiến lược của nền kinh tế. Vì vậy hai mặt hàng này tăng giá sẽ làm tốc độ tăng trưởng giảm, mặt bằng giá sẽ tăng kéo theo lạm phát tăng. Xét trên thực tế, giá xăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát ngay trong tháng 3, còn giá điện sẽ tác động từ tháng 4.
Do vậy để giải quyết tác động tăng giá của hai mặt hàng trên, ông Long đề xuất cơ quan chức năng cần kiểm tra giám sát để tránh hiện tượng “té nước theo mưa”.
Đồng quan điểm với TS Long, TS Hồ, trả lời trên báo BizLive, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc giá điện, xăng dầu tăng mạnh và cùng lúc sẽ tác động rất mạnh tới giá cả và hoạt động của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông Doanh nhấn mạnh việc giá điện tăng 7,5% là mức quá cao khiến doanh nghiệp sử dụng nhiều điện năng như xi măng, thép… gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh
TS Lưu Bích Hồ cho rằng, đợt tăng giá xăng dầu và điện này sẽ tác động lên giá lương thực thực phẩm |
“Mức tăng giá điện, xăng lần này đều rất lớn, chắc chắn sẽ không tránh khỏi hiệu ứng tăng giá dây chuyền, tăng giá tâm lý. Trước đây, mỗi đợt giá xăng tăng, lập tức các hàng hóa dịch vụ đều lấy làm căn cứ để tăng giá, tình trạng này không dễ đối phó”, ông Phú nói.
Ông Phú cũng cho rằng, hai tháng qua, sức mua của thị trường rất thấp, nên khi gas, xăng dầu, điện - những thứ khó có thể tiết giảm và thay thế đồng loạt tăng giá thì người dân chỉ còn cách tiết kiệm chi tiêu. Theo đó, tồn kho của doanh nghiệp tăng lên, doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Ngoài ra, cũng theo ông Phú, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 4.2015 tới đây chắc chắn sẽ dương, chấm dứt 4 tháng âm liên tiếp thời gian vừa qua.
Trước đó, giá bán điện sẽ được điều chỉnh tăng 7,5% lên mức bình quân 1.622,05 đồng/kWh kể từ ngày 16.3 sắp tới. Với mức tăng này, việc điều chỉnh giá điện lần này được lý giải do nhiều mặt hàng ảnh hưởng đến giá điện như giá than tăng, giá khí, tỷ giá bình quân, thuế tài nguyên nước, giá mua điện từ các nhà máy có công suất từ 30MW trở xuống cũng đều tăng...
Do đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), việc tăng giá điện nhằm đảm bảo EVN không bị lỗ và vẫn đảm bảo khả năng đạt tăng trưởng GDP 6,2%, kiểm soát lạm phát trong khoảng 5%.
Như vậy trong cùng thời điểm, hai mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất, kinh doanh đều tăng. Điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế và đời sống của người dân.
Tuyết Nhung