Hôm nay (1.3) Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về quy định hồ sơ bệnh án điện tử chính thức có hiệu lực. Theo đó, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, chậm nhất là vào năm 2028 để thay thế cho sổ khám chữa bệnh.

Xóa bỏ sổ khám bệnh từ ngày 1.3

Hồ Quang | 01/03/2019, 13:14

Hôm nay (1.3) Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về quy định hồ sơ bệnh án điện tử chính thức có hiệu lực. Theo đó, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, chậm nhất là vào năm 2028 để thay thế cho sổ khám chữa bệnh.

Thông tư trên có tất cả 4 chương với 23 điều quy định đầy đủ về những nội dung thực hiện bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh. Theo đó, trên hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm cả nội trú, ngoại trú và các hồ sơ bệnh án khác theo quy định.

Trong hồ sơ bệnh án điện tử phải bảo mật và tính riêng tư. Cụ thể các cơ sở khám, chữa bệnh phải kiểm soát truy cập của người dùng, gồm: xác thực người dùng, phân quyền người dùng theo từng vai trò công việc, thiết lập khoảng thời gian giới hạn cho phép người dùng truy cập vào phần mềm.

Các đơn vị khám, chữa bệnh phải bảo vệ, ngăn chặn việc truy cập trái phép vào hồ sơ bệnh án điện tử, có phương án hoặc quy trình phục hồi dữ liệu trong trường hợp gặp sự cố; đồng thời có phương án phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ phần mềm độc hại. Việc liên thông, trao đổi dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử giữa các cơ sở khám, chữa bệnh phải được mã hóa trong quá trình trao đổi dữ liệu.

Bộ Y tế cũng quy định rõ việc sử dụng chữ ký trong hồ sơ bệnh án điện tử. Theo đó nhân viên y tế, người bệnh hoặc người đại diện cho người bệnh sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số hợp pháp trong hồ sơ bệnh án điện tử.

Trong trường hợp người nhập thông tin vào hồ sơ bệnh án điện tử sử dụng chữ ký điện tử thì Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người được Thủ trưởng cơ sở khám,chữa bệnh phân công, ủy quyền sử dụng chữ ký số hợp pháp để xác nhận chữ ký điện tử.

Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh phải ban hành Quy chế sử dụng chữ ký điện tử và chữ ký số của đơn vị mình trước khi triển khai thực hiện. Trường hợp đặc biệt (như bản cam kết của người bệnh, biểu đồ sinh hiệu, bảng công khai thuốc đầu giường, kết quả xét nghiệm nồng độ cồn), Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh quy định ký trên bản giấy, sau đó số hóa thành bản điện tử đính kèm hồ sơ bệnh án điện tử và phải lưu trữ bản giấy theo quy định.

Đặc biệt, trong Thông tư 46/2018/TT-BYT, Bộ Y tế quy định rõ về thời gian để các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh hạng 1 trở lên từ nay đến năm 2023 phải chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử chậm nhất vào năm 2028 để thay thế sổ khám bệnh.

Nếu đến thời gian trên, cơ sở khám chữa bệnh nào chưa thực hiện được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải báo cáo về Bộ Y tế đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Bộ ngành; báo cáo về Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc thẩm quyền của những đơn vị này.

Trong báo cáo các cơ sở khám, chữa bệnh phải nêu rõ lý do tại sao chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử, nhưng phải hoàn thành việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử này trước ngày 31.12.2030.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
1 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xóa bỏ sổ khám bệnh từ ngày 1.3