Ngày 31.12, Trường đại học Nam Cần Thơ tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vùng ĐBSCL trong điều kiện sau đại dịch COVID-19”.
Với chủ đề trên, hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp (DN), lãnh đạo địa phương, các chuyên gia kinh tế... với kỳ vọng sau khi kết thúc, sẽ có nhiều phương hướng được vạch ra, xốc lại tinh thần cho DN sau một năm đầy biến động.
Tại hội thảo, các diễn giả đã nêu ra những khó khăn, thách thức đối với các DN tại ĐBSCL khi đại dịch bùng phát mạnh, nhiều chuỗi cung ứng, ngành hàng bị đứt gãy, mọi lĩnh vực sản xuất đều bị ngưng trệ trong những tháng thực hiện giãn cách, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, xuất khẩu của DN; thực trạng tình hình DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; giải pháp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh của DN trong điều kiện sau dịch COVID-19, đề xuất những chính sách nhằm ổn định đời sống nhân dân và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội TP.Cần Thơ, Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL vì vậy cần phải tận dụng tối đa nguồn lực để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI. Cần phối hợp chặt chẽ với trung ương và các địa phương trong vùng để hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nội liên vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng nhìn nhận, một trong những giải pháp quan trọng phục hồi phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 của vùng ĐBSCL hay Cần Thơ là phải quan tâm đến thể chế, cũng như khả năng hấp thụ các chính sách, hỗ trợ của trung ương đến các doanh nghiệp, người dân.
Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết năm 2021 là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Nửa năm về sau của năm 2021 cho thấy sự khó khăn của DN khi chật vật vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất.
Khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ, việc triển khai tiêm vắc xin đã giúp DN phục hồi, duy trì sản xuất và đã có những DN có số lao động quay trở lại 100%. Việc kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và bao phủ vắc xin với tỷ lệ cao sẽ tạo điều kiện cho các DN thích ứng linh hoạt, bắt nhịp với xu thế phục hồi những tháng cuối năm và dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhanh chóng, bứt phá trong năm tới.
Những tháng thực hiện giãn cách đã tác động đến hoạt động sản xuất của DN, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu, những lĩnh vực thế mạnh của ĐBSCL bị ảnh hưởng. Nhưng 3 tháng cuối năm đã có những khởi sắc về xuất khẩu. Báo cáo của VCCI chi nhánh Cần Thơ trong tháng 11 cho thấy số DN tại ĐBSCL gia nhập thị trường hơn 1.000, đây là tín hiệu trên đà phục hồi sau dịch của vùng đồng bằng Tây Nam Bộ.
Đến nay, nhiều địa phương đã ghi nhận số DN hoạt động trở lại gần 100%. Số lượng công nhân quay trở lại làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tăng cao, có nhiều công ty số lượng công nhân làm việc 100%. Việc nhanh chóng thích ứng sẽ tạo tâm thế quan trọng để DN phục hồi trong năm 2022 với những thế mạnh về xuất khẩu của vùng.