Sau Tết, sau những ngày tự do phóng túng ăn chơi xả thải, nhiều người “nín thở” trông chờ một đợt “ra quân” xử phạt các hành vi thiếu văn hoá nơi công cộng như xả rác, phóng uế bừa bãi theo nghị định mới của chính phủ. Thế nhưng mọi việc dường như vẫn y như cũ, chưa có gì thay đổi…

Xử phạt xả rác: Luật pháp còn “ăn tết”?

11/02/2017, 08:30

Sau Tết, sau những ngày tự do phóng túng ăn chơi xả thải, nhiều người “nín thở” trông chờ một đợt “ra quân” xử phạt các hành vi thiếu văn hoá nơi công cộng như xả rác, phóng uế bừa bãi theo nghị định mới của chính phủ. Thế nhưng mọi việc dường như vẫn y như cũ, chưa có gì thay đổi…

Nạn vứt rác bừa bãi vẫn đang hoành hành

Những “tàn tích của mùa xuân” vẫn ngập tràn trên các vỉa hè, nơi công cộng. Nhiều người vẫn ngang nhiên tiêu tiểu bừa bãi, khạc nhổ, vứt mẩu thuốc lá ra đường. Nhiều đống rác to tướng xuất hiện ngay cả những đại lộ như trêu ngươi các nhà làm luật.

Cái “án treo” - Nghị định 155 được áp dụng vào ngày 1.2.2017 vừa qua - phạt tiền bạc triệu đối với các hành vi xả thải không đúng chỗ, đối với những người thiếu ý thức dường như… chưa ra đời. Chẳng ai cảm thấy phải lo ngại hay phải lén lút ngó trước ngó sau trước khi xả rác hay tiêu tiểu bậy bạ cả, bởi vì họ cũng chẳng thấy ai là người có trách nhiệm phạt họ.

Lẽ ra, trước một nghị định có tính “cách mạng” trong lối sống đô thị này, chính quyền các cấp phải có sự tuyên truyền nhắc nhở người dân hay xử phạt “nháp” trước đó vài tháng, rồi chuẩn bị kỹ càng lực lượng xử phạt để đến khi nghị định có hiệu lực thì phải thực hiện nghiêm túc ngay. Bởi tất cả các nghị định, các quy định pháp luật là sự thể hiện ý chí của nhà nước, nếu không được thực thi một cách nghiêm túc thì lâu dần sẽ tạo thói quen khinh lờn, bất tuân luật pháp nơi người dân.

Nghị định 155 ra đời phải chăng chỉ để “làm cảnh” như một “nét đẹp văn hoá” hay như là những lời “hù doạ” của chính quyền mà thôi? Hay luật pháp vẫn còn “ăn tết” chưa chuyển động? Thực ra, khi Nhà nước ban hành nghị định này, rất ít có ý kiến phản đối trong dư luận. Có chăng chỉ là sự lo ngại về lực lượng và phương cách xử phạt mà thôi, và điều này đã xảy ra trong thực tế, ít nhất là trong khoảng thời gian có hiệu lực đầu tiên này. Những hiện tượng vô văn hoá được xem như là “nỗi nhục quốc thể” theo cách gọi tên trong nghị định này chưa được xử lý một cách rốt ráo. Điều này cho thấy sự thiếu ý thức của cả những người xả rác, phóng uế lẫn những người có trách nhiệm thực thi nghị định trong việc xoá bỏ tệ nạn xã hội này.

Những người soạn ra các quy định tiến bộ này hẳn có ý nghĩ muốn noi gương nước phát triển như Singapore. Người Singapore quả thật đã đi lên từ những “chuyện nhỏ nhặt” như chuyện nghiêm khắc với các loại rác rưởi. Một đất nước “sạch đến vô trùng” như có người nhận xét, sạch từ góc phố, vỉa hè cho nhà hát, sân bóng, sạch từ các khu chợ cho đến các khu đèn đỏ…

Luật pháp nghiêm khắc đối với các tệ nạn bừa bãi dần dần tạo nên thói quen, ý thức, nhu cầu, cho nên người Singapore đã dần dần trở nên nổi tiếng thế giới về sự trật tự, ngăn nắp, sạch sẽ. Và không chỉ với môi trường bên ngoài mà cả bên trong tinh thần: Singapore cũng nổi tiếng là quốc gia có chính quyền “sạch”, là một trong số các quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số tham nhũng thấp.

Nhiều nhà xã hội học đã “cắc cớ” dùng khái niệm trong sinh vật học để chia thế giới ra làm hai khu vực, một khu vực còn “hoang dã” bao gồm các nước còn nghèo hoặc “đang phát triển”; và một khu vực đã “thuần hoá” gồm các nước đã phát triển. Người dân ở khu vực “hoang dã” thường có thói quen sống tuỳ tiện, chưa có nhiều ý thức tôn trọng luật pháp, trong khi ở khu vực “thuần hoá” thì đa số mọi người sống với ý thức văn minh trật tự, tôn trọng luật pháp cao hơn hẳn.

Ai đã từng đi du lịch hay sống tại các đất nước đã được “thuần hoá” như Singapore hay các nước Âu, Mỹ hẳn cũng đã từng phải ngưỡng mộ sự trật tự, ngăn nắp, xanh và sạch của các quốc gia này và hẳn cũng phải thấy ngán ngẩm, buồn tủi vì sự hỗn độn vô trật tự trong cuộc sống của đất nước mình. Đã có biết bao nhiêu ý kiến, lời than về ý thức của mọi người ở nước ta trong giao thông đi lại, trong sinh hoạt hàng ngày, thậm chí là trong cả vui chơi giải trí như việc tham gia các lễ hội hiện nay.

Thế nhưng chả lẽ chúng ta cứ mãi dừng ở sự ngưỡng mộ, than thở mà không hành động? Nghị định đã có rồi, sao chẳng thấy thực hiện? Chả lẽ luật pháp xử phạt các hành động vô văn hoá như xả rác, phóng uế bừa bãi vẫn còn ngái ngủ mơ màng sau cái tết như nhiều hoạt động của xã hội hiện nay?

Muốn xã hội đi lên, khoan hãy nghĩ đến những chuyện xa xôi viễn vông, mà hãy bắt đầu từ những chuyện “nhỏ nhặt” nhưng căn cơ cấp thiết, như chuyện cấm xả rác, phóng uế bừa bãi hay lặp lại trật tự trong đi lại giao thông…

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử phạt xả rác: Luật pháp còn “ăn tết”?