Tết là dịp để đoàn viên, gia đình sum họp, kể cho nhau nghe về những gì đã làm được sau một năm lao động vất vả. Ấy vậy mà, trong xã hội ngày nay vẫn có nhiều hoàn cảnh khó khăn, vì chén cơm manh áo họ phải xa quê mưu sinh nơi xứ người, để rồi Tết cũng chẳng có tiền mà về quê sum vầy bên gia đình.

Xuân này con vẫn… không về

Trần Khải | 02/02/2022, 19:07

Tết là dịp để đoàn viên, gia đình sum họp, kể cho nhau nghe về những gì đã làm được sau một năm lao động vất vả. Ấy vậy mà, trong xã hội ngày nay vẫn có nhiều hoàn cảnh khó khăn, vì chén cơm manh áo họ phải xa quê mưu sinh nơi xứ người, để rồi Tết cũng chẳng có tiền mà về quê sum vầy bên gia đình.

“Nó nhắn Tết này không về”

Đang ngồi vắt vẻo trên chiếc võng đong đưa, cạnh là bình trà nóng, đắng chát vừa mới pha tỏa khói nghi ngút, miệng phì phèo khói thuốc bất chợt chuông điện thoại của ông H. (68 tuổi, ngụ TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) reo lên khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi bị đứt quãng. Đầu dây bên khia, giọng nói trầm buồn của một người đàn ông bổng cất lên: “Cha à, con vừa gửi tiền về cho cha tiêu Tết, cha đừng có tiếc tiền nghe. Coi mua thịt cá để trong nhà có mà đãi khách trong 3 ngày tết. Rồi quà bánh, lì xì cho con cháu nữa. Xuân này con vẫn… không về nghen cha. Xem tình hình thế nào, khoảng giữa năm con về dưới ở với cha”. Đó là cuộc trò chuyện giữa ông H. và con trai của mình. Trong giọng nói ấy tôi cảm giác anh khá buồn vì đã hơn 3 năm nay đã không về quê sum vầy cùng gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về.

1.jpg
Vất vả cả năm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nhiều công nhân vẫn bám trụ ở lại TP trong những ngày Tết để kiếm thêm thu nhập

“Hôm rồi nó bị mắc COVID-19, sức khỏe sau bệnh cũng không mấy tốt cho nên việc làm bị gián đoạn. Thêm nữa là năm rồi dịch bệnh ở Đồng Nai bùng phát phức tạp nên nhiều tháng liền phải chịu cảnh thất nghiệp vì giãn cách xã hội. Do đó, số tiền ít ỏi làm thuê có được nó phải trang trải cho cuộc sống gia đình riêng và gửi về cho tôi ít đỉnh. Do có chút nợ nần nên Tết này nó ráng ở lại làm để trả nợ. Nghe đâu ngày Tết làm lương cao lắm”, giọng ông H. trầm tư.

2.jpg
Dù công việc khổ cực, nhưng đổi lại họ được trả lương cao hơn những ngày thường

Rồi ông kể, 3 năm nay con trai của ông đã không về quê sum vầy với gia đình vào dịp Tết. Cũng từng đó thời gian ông da diết nhớ con, vì tuổi già sức yếu, đi lại khó khăn nên ông cũng chẳng đi thăm con cháu được. “Tội nghiệp nó, con tôi nó mê việc, chăm làm lắm. Cũng vì hoàn cảnh nghèo khó, không đất canh tác nên nó phải rời quê đi lên thành phố làm công nhân. Tôi mong, sang năm mới Nhâm Dần tình hình dịch bệnh COVID-19 sẽ được khống chế, đưa cuộc sống trở lại như trước đây và nền kinh tế được phục hồi. Có như vậy thì những công nhân lao động như con trai tôi mới có thu nhập cao và có tiền về quê đón Tết mỗi dịp Tết đến xuân về”, ông H. tự an ủi mình.

5.jpg
Hì hục sửa chữa máy móc lúc nửa đêm

Nói đoạn, đôi mắt ông H. rưng rưng ngấn lệ vì nhớ con, ông bảo rằng gia đình có 5 người con, ai cũng có gia đình riêng và cũng chẳng dư dả gì. Ngày Tết, đứa thì gửi cho ít thịt cá, đứa thì mua cho ông bộ quần áo, bánh mứt và lì xì ít tiền tiêu Tết. “Nói chung, con cái quan tâm cha mẹ vậy là mừng rồi, bậc làm cha làm mẹ thì còn gì vui sướng hơn khi về già được sum vầy bên con cháu. Chúng nó làm khấm khá, dư dả thì thân già như tôi cũng mừng. Ngặt nỗi, bao mùa xuân trôi qua rồi mà tôi vẫn chưa hưởng niềm vui trọn vẹn, có mặt đông đủ con cháu sum vầy dịp Tết”. Nói đến đây, ông H. lầm lũi bưng khay trà đi vào trong nhà bếp để pha thêm nước nóng, rồi quay trở ra nói luyên thuyên nhiều chuyện như muốn khỏa lấp nỗi cô đơn đang tồn tại trong ông trong ngày đầu năm mới.

Bám phố để mưu sinh ngày Tết

Ngày Tết, ai cũng muốn sum vầy, tề tựu bên gia đình, người thân. Dẫu biết rằng, dù đi đâu, làm gì thì trong những ngày Tết ai ai cũng phải quay về bên gia đình, cùng ăn những bữa cơm và kể cho nhau nghe về những gì mình đã làm được sau một năm xa quê. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được niềm vui trọn vẹn ấy.

3.jpg
Công việc bảo trì thiết bị, máy móc tại một xí nghiệp ở Đồng Nai

Vì nhiều lý do khác nhau mà anh G. (38 tuổi, ngụ TP.Cà Mau) cùng với 3 người bạn kẻ Bắc, người Nam quyết định không về quê mà ở lại công ty làm xuyên Tết để có tiền trang trải cuộc sống và gửi về quê nhà phụ giúp gia đình. Anh G. trầm tư: "Cũng 5 năm rồi tôi không về quê vào dịp Tết Nguyên đán. Nói chung về thì cha mẹ già vui mừng, vợ con cũng phấn khởi. Ngặt nỗi, cuộc sống khó khăn nên tôi đành ngậm ngùi bám trụ thành phố trong mấy ngày Tết để kiếm thêm chút thu nhập tiêu xài trong gia đình".

Cách đây 5 năm, anh G. cùng vợ con dìu nhau lên tận Đồng Nai để làm công nhân với khát vọng được đổi đời. Ban đầu lên đấy, vợ chồng đều có việc làm nên thu nhập hằng tháng cũng có khoản dư để tích góp. Về sau, vợ anh thường xuyên đau bệnh nên mất việc ở nhà chăm con. Từ đó, cuộc sống gia đình đã đè nặng lên đôi vai của anh G. Dù khó khăn, nhưng anh vẫn luôn có một tinh thần lạc lạc, hy vọng vào một ngày mai với nhiều điều may mắn, tốt đẹp.

“Giờ thu nhập của mình cũng tạm ổn, dự là tháng 5 dương lịch tới đây mình sẽ chuyển về quê tìm một công việc gì đó để làm, ở gần gia đình, người thân. Chứ bôn ba xứ người bao năm rồi, mỗi lần Tết đến người nhà gọi lên hỏi có về đón Tết không, khi nghe câu trả lời của tôi ở lại làm Tết thì cha mẹ già đều sụt sùi. Tôi biết họ rất buồn, nhưng cuộc sống mà không bao giờ như ý mình muốn được. Và tương lai vẫn đang ở phía trước. Những ngày Tết làm lương cao lắm nên tôi phải cố gắng”, anh G. chia sẻ thêm.

4.jpg
Nhiều công nhân có nhiều năm lỡ hẹn sum vầy với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán

Đời công nhân là vậy đó, còn rất nhiều những hoàn cảnh như ông H. luôn mong mỏi, trông ngóng người thân trở về quê đón Tết. Hay như anh G. cũng chẳng muốn ở lại xứ người để làm thuê trong những ngày Tết. Ai cũng muốn quây quần, sum họp cùng gia đình trong những ngày Tết, nhưng đâu phải ai cũng được có được niềm hạnh phúc trọn vẹn đó. Buồn nhất vẫn là câu “Xuân này con vẫn…không về!” và phải để cho người thân ở quê lại một năm lỡ hẹn dịp sum vầy cũng vì… mưu sinh.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong 'kỷ nguyên vươn mình'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Theo các chuyên gia, đối với an ninh phi truyền thống (ANPTT), một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuân này con vẫn… không về