Cuộc sống chật vật thiếu thốn, có khi phải loay hoay với cái ăn cái mặc. Nhưng bằng sự miệt mài cần kiệm, nhiều công nhân đã mua được đất cất nhà, có niềm vui an cư dài lâu.

10 năm tằn tiện, không dám về quê để dành tiền xây nhà

Một Thế Giới | 09/07/2014, 06:00

Cuộc sống chật vật thiếu thốn, có khi phải loay hoay với cái ăn cái mặc. Nhưng bằng sự miệt mài cần kiệm, nhiều công nhân đã mua được đất cất nhà, có niềm vui an cư dài lâu.

“Hồi trước mình nghĩ chắc cả đời vợ chồng mình phải gắn bó với cảnh sống phòng trọ. Nhưng chính ý nghĩ ấy cũng là động lực cho mình phấn đấu”- anh Phạm Văn Tôn ở ấp Hương Phước, xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai là công nhân (CN) công ty Wonderfarm, KCN Biên Hòa nói.

Năng nhặt chặt bị

Cuối tuần, chúng tôi đến nhà anh. Ấn tượng với ngôi nhà bê tông trắng toát. Trước cửa là khu vườn nhỏ xinh xắn trồng rau tăng gia. Trong nhà, tiếng trẻ bi bô rộn rã. Anh Tôn 30 tuổi, rời quê từ Thanh Hóa vào Đồng Nai làm CN được 10 năm. 
Anh kể: Làm công nhân từ thời khốn khó, chẳng ai dám mơ đến một căn nhà. Ngày mới vào làm đồng lương lúc đó mỗi tháng mới chỉ 800 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi đó với một thanh niên trẻ phải tằn tiện lắm mới đủ chi cho các khoản từ phòng trọ, ăn uống, sinh hoạt... 
“Tháng nào trả tiền trọ xong còn lại ăn uống. Lắm lúc phải chạy bữa. Cực khổ không kể hết”-anh nói.

Anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Hà, CN cùng công ty. Đồng lương còi cọc của hai người trừ những sinh hoạt thiết yếu, còn dư ra chừng 1 triệu đồng/tháng. Anh chị bảo nhau chăm chỉ làm việc, cùng nhau tằn tiện. Miệt mài đến năm thứ 7, vợ chồng anh “đánh liều” mua miếng đất để dành.

Mua đất xong thì lại quay quắt tính kế xây nhà. Nghĩ cho tương lai có con trẻ, anh chị lại càng chắt bóp khổ sở hơn trước.
“Mười năm tiết kiệm không dám về quê để dành tiền”-anh Tôn xúc động. Bà con nội ngoại cũng nhớ quay quắt nhưng hiểu hoàn cảnh vợ chồng, hiểu được cái chí của họ nên cũng bấm bụng chờ đợi. 
“Nhiều cái tết hai vợ chồng ôm lấy nhau vì nhớ nhà. Nhưng cắn răng chịu. Có khi tết lễ cũng tình nguyện làm tăng ca kiếm tiền”-anh Tôn hồi tưởng.
10 nam tan tien, khong dam ve que de danh tien xay nhaAnh Phạm Văn Tôn trước ngôi nhà nhỏ của mình
Năm 2010, vợ anh về quê sinh con. Một mình anh cần mẫn “cày tăng ca” rồi quyết định “liều” vay mượn thêm bạn bè, quyết xây được căn nhà. Đến cuối năm thì căn nhà hoàn thành. Dù mang khoản nợ khá lớn nhưng anh vui mừng đón vợ con vào. Phải mất 3 năm tằn tiện nữa anh mới trả hết nợ.
“Bây giờ khỏe rồi, có mái nhà che nắng mưa. Vợ chồng mình hạnh phúc lắm. Hết nợ rồi nên đỡ áp lực, chuyên tâm lo cho cháu nhỏ”-anh hồ hởi.

Xây nhà “xoay tua”

Anh Nguyễn Văn Liễn và chị Ngô Thị Hòa, CN KCX Linh Trung 1 năm 2004 tích cóp được được 50 triệu đồng. Anh chị vay mượn từ gia đình và bạn bè được 30 triệu nữa mua được một miếng đất nhỏ ở Dĩ An. 
Năm 2007, khi nợ mua đất đã trả xong và có dư anh chị lại tiếp tục vay mượn và xin ứng tạm tiền lương của công ty để cất nhà.
“Nhờ bạn bè giúp đỡ tụi mình mới có nơi an cư ổn định, không phải sống cảnh bấp bênh nơi phòng trọ. Bây giờ mình giúp lại các anh chị em khác”- chị Hòa cho biết. 
Công nhân khu chị ở đã có ý thức tích lũy giúp nhau xây nhà từ lâu. Người nào có điều kiện thực hiện thì những anh chị em còn lại giúp vốn. Thậm chí những công nhân đồng hương thân thiết còn lập kế hoạch “xoay tua” vốn giúp nhau. 
Bây giờ, nhiều công nhân có thâm niên tại thành phố đã có nhà hoặc đất, điều mà trước đây không ai dám nghĩ đến.
10 nam tan tien, khong dam ve que de danh tien xay nha
Một khu phố công nhân ở Bình Đường (Dĩ An, Bình Dương)
Tương tự, anh Phạm Đăng Khoa, CN công ty Theodore Alexander (KCN Linh Trung 2) cho biết: Vợ chồng anh từ Quảng Bình vào TP.HCM năm 1997. Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Có lúc bữa ăn chỉ toàn rau má, anh phải chạy thêm xe ôm kiếm tiền nuôi thân.
Nhờ cần kiệm và “đánh liều”, anh chị cũng mua được đất cất nhà. Dù nhà ở tận Đồng Nai, đi làm hơi xa nhưng đó cũng là một giấc mơ thành sự thật.
Anh kể: Lúc mua đất, chỉ có trong tay 40 triệu đồng. Trong khi giá đất đắt gấp 3 lần. Nhờ anh em bạn bè đồng hữu cho mượn mới mua nổi. Đến khi xây nhà, cũng chỉ có từng ấy tiền. Người này người kia giúp một ít mà xây dần từ móng cho đến mái, rồi cũng xong. 
7 năm miệt mài tăng ca quần quật, anh chị đã trả hết nợ. Bây giờ số tiền dành dụm hàng tháng, đi giúp lại những người khác. 
“Công nhân với nhau biết cái khổ của nhau. Chỉ cần có điều kiện mua đất cất nhà là giúp nhau hết sức”-anh nói.
Khu vực anh Khoa ở, có hơn 20 CN khác cũng đã mua đất cất nhà. Khu đất trống trước đây thành khu phố công nhân đúng nghĩa. Hàng chục mảnh đất khác có chủ là CN cũng đang chuẩn bị xây cất. Cuộc sống quần tụ sẻ chia. 
Ông Nguyễn Văn Tiến, tổ trưởng khu phố 3, (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết trước đây, khu vực này là đất để hoang, từ ngày có CN về mua đất cất nhà thì nơi đây thay đổi hẳn ra. Nhà nào cũng có tiện nghi đầy đủ, an ninh trật tự đảm bảo. 
“Tôi thấy mừng bởi công nhân tha hương mà tạo dựng được cơ ngơi khang trang. Càng quý hơn là những con người lao động cực khổ đã biết nương tựa vào nhau, cùng giúp nhau xây dựng mơ ước”-ông Tiến nói.
Nhật Trường
Phố công nhân giờ đã khác
“Phố công nhân” là một khái niệm mới xuất hiện gần đây khi công nhân cùng nhau mua đất cất nhà ở một khu đất, tạo nên những cộng đồng nhỏ chỉ chuyên có công nhân sinh sống. Ngày trước, nhắc đến “phố công nhân” người ta thường liên tưởng đến những khu phòng trọ tối tăm, nhếch nhác. Đến nay thì đã khác, nó gợi đến hình ảnh những ngôi nhà kiên cố khang trang liền kề nhau. Phố công nhân xuất hiện và hình thành rất nhiều tại các khu vực quanh KCX, KCN như Linh Trung (TP.HCM), Dĩ An (Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai)...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 năm tằn tiện, không dám về quê để dành tiền xây nhà