Năm 2019 đang dần khép lại với nhiều biến động trên phạm vi toàn cầu. Và châu Á đang phải tiếp tục chứng kiến những động thái mới trên bán đảo Triều Tiên, khủng hoảng tại Syria hay cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, biểu tình Hồng Kông cùng những diễn biến đáng lo ngại khác… Hãy cùng điểm lại một số sự kiện nổi bật đã làm rung chuyển toàn châu Á vào năm 2019.
Đông Nam Á hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tràn sang châu Á, làm thay đổi hàng loạt chuỗi cung ứng và di dời các tuyến vận chuyển. Các nền kinh tế châu Á có các trung tâm sản xuất chi phí thấp như Đông Nam Áđược hưởng lợi khi các công ty tìm cách chuyển sản xuất hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chi phí kinh doanh tăng cao trong cuộc chiến thương mại. Washington cũng chuyển sự chú ý sang các quốc gia đã được các công ty Trung Quốc sử dụng làm điểm dừng chân để tránh thuế quan.
Các chuyên gia cho rằng thương chiến giữa Bắc Kinh và Washington đã giúp các nền kinh tế Đông Nam Á được hưởng lợi từ sự tăng trưởng bền vững bằng cách khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư. Sự kết hợp của việc di chuyển chuỗi cung ứng được tạo ra sau căng thẳng thương mại dự báo sẽ giúp tăng cường năng lực sản xuất tại khu vực.
Singapore trừng trị thẳng tay tin giả
Chính phủ Singapore vào tháng 5 đã thông qua một đạo luật nhằm củng cố cách trừng phạt, đối phó với thông tin sai lệch trực tuyến, bất chấp những lời chỉ trích trong và ngoài nước từ những người ủng hộ tự do ngôn luận.
Luật này đã được viện dẫn 4 lần kể từ khi nó có hiệu lực vào tháng 10, nhắm vào phe đối lập chính trị và làm dấy lên mối lo ngại rằng nó sẽ được sử dụng để bắt bớ các nhà phê bình chính trị trước cuộc tổng tuyển cử.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung tràn vào châu Á
Cuộc chiến công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh đã đến với phần còn lại của lục địa khi Mỹ thúc ép các đối tác của mình tuân theo danh sách đen các công ty viễn thông Trung Quốc về các vấn đề an ninh và gián điệp quốc gia.
Vào tháng 4, Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp an ninh mạng nhằm ngăn chặn sử dụng thiết bị mạng do các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Huawei Technologies và ZTE Corp sản xuất. Ở những nơi khác, những nỗ lực của Mỹ để ngăn chặn sự lan rộng của công nghệ Trung Quốc có ít ảnh hưởng hơn.
Hàn Quốc, Washington, một đồng minh quan trọng khác ở Đông Á, đã trở thành quốc gia đầu tiên tung ra 5G trên toàn quốc khi công bố dịch vụ vào tháng 4 bằng thiết bị Huawei bao gồm các trạm gốc và máy phát.
Đông Nam Á đã chào đón công ty Trung Quốc với vòng tay rộng mở. Vào tháng 6, Philippines đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có 5G sau khi nhà mạng Globe Telecom ra mắt dịch vụ sử dụng công nghệ Huawei.
Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đều đã thử nghiệm các dịch vụ 5G với tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei trong suốt cả năm, mở ra cơ hội tham gia vào các mạng truyền thông thế hệ tiếp theo của họ.
Tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Bắc Triều Tiên mất đà
Tổng thống MỹDonald Trump và nhà lãnh đạo Triều TiênKim Jong-un tại Khu phi quân sự liên Triều ngày 30.6 - Ảnh: Reuters
Năm 2019 bắt đầu với một hy vọng rằng nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên sẽ được chặn đứng và hòa bình sẽ lập lại trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ 2 không thành công như kỳ vọngdo những bất đồng về yêu sách giữa hai bên.
Thậm chí quan hệ Mỹ - Triều không đạt được nhiều bước tiến sau cuộc gặp đột xuất lần thứ 3 vào ngày 30.6, khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân sang phần biên giới của Triều Tiên và bắt tay Kim Jong Un - một nghĩa cử đầy biểu tượng cho nỗ lực hướng tới hòa giải và hòa bình.
Sau nhiều tháng bế tắc, đến cuối năm nay, Triều Tiên đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm không xác định tại địa điểm phóng Sohae của mình - khiến người ta suy đoán rằng một động cơ mới đang được chuẩn bị cho vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tương lai. Cuối cùng, năm 2019 đã kết thúc trong triển vọng mơ hồ về phi hạt nhân hóa của Triều Tiên xóa tan các bước tiến hòa giải đạt được trong hai năm qua..
Leif-Eric Easley, phó giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans, Seoul, nói:
"Bây giờ, căng thẳng Mỹ - Triềucủa năm 2017 đang trên đà trở lại vào năm 2020 với việc Bình Nhưỡng từ chối chính sách ngoại giao thực chất nhưng lại yêu cầu phần thưởng cho việc từ chối khiêu khích”.
Biểu tình tại châu Á
Người Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật dẫn độ - Ảnh: SCMP
Tình trạng bất ổn ở Hồng Kông qua các cuộc biểu tình xuất phát từ dự luậtcho phép dẫn độ các nghi phạm hình sự sang Trung Quốc đại lục đã làm chấn động toàn châu Á năm 2019. Ngay cả sau khi dự luật được rút vào tháng 9, tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn - đôi khi trở thành bạo động, khi những người biểu tình đòi mở rộng dân chủ như bầu cử công bằng và tự do. Họ giận dữ về điều mà họ xem là sự can thiệp của Trung Quốc vào những việc nội bộ ở thuộc địa cũ của Anh.
Ở Ấn Độ và Indonesia, các phong trào phản đối chống chính phủ đã lấy cảm hứng từ những người biểu tình ở Hồng Kông trong việc sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội và nhắn tin để phối hợp với nhau cũng như đưa ra những lời khuyên về việc đối phó với cảnh sát.
Tại Singapore, các nhà chức trách đã trục xuất một ngôi sao YouTube ở Hồng Kông vào tháng 11 sau khi anh ta tổ chức một cuộc nói chuyện để thảo luận về các cuộc biểu tình đang làm náo loạn đặc khu kinh tế quan trọngcủa Trung Quốc.
Thái Bình Dương “nóng lên” vì Trung Quốc và Đài Loan
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay lãnh đạo quốc đảoSolomon - Ảnh: Tân Hoa Xã
Cuộc cạnh tranh ngoại giao giữa Trung Quốc và Đài Loan nóng lên ở Thái Bình Dương, với việc Đài Loan mất hai đồng minh còn lại trong khu vực khi nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương tán thành chính sách của Bắc Kinh rằng, hòn đảo tự trị này là một phần của một Trung Quốc.
Quần đảo Solomon, đồng minh ngoại giao lâu đời của Đài Loan đã chuyển hướng quan hệ với Trung Quốc vào tháng 9 sau khi nhận thấy lợi ích kinh tế khi ký kết các thỏa thuận đầu tư theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Hiện, Đài Loan chỉ được công nhận bởi bốn quốc gia ở Thái Bình Dương bao gồm Nauru, Palau, Tuvalu và Cộng hòa Quần đảo Marshall. Và tất nhiên Trung Quốc chưa muốn dừng lại ở đó.
Căng thẳng Úc – Trung tiếp tục bùng phát
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã có nhiều dấu hiệu được hâm nóng sau khi kết thúc năm 2018. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn xảy ra khi vào tháng 1, các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ tác giả người Úc có tên là Yang Hengjun vì nghi ngờ gián điệp cho Canberra.
Vào tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne đã đưa ra một lời khiển trách đối với tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Brisbane sau khi ông này ca ngợi các sinh viên Trung Quốc đại lục về hành vi yêu nước của họ khi đụng độ với các nhà hoạt động sinh viên vì dân chủ ở Hồng Kông trong một cuộc biểu tình tại Đại học Queensland.
Đáng chú ý vào tháng 11, Wang Liqiang - một người tự xưng là gián điệp của Trung Quốc đã công khai với những cáo buộc bùng nổ liên quan đến hoạt động gián điệp và can thiệp chính trị ở Úc, Đài Loan và Hồng Kông.
Bắc Kinh sau đó cũng cấm hai nghị sĩ đảng Tự do của Úc là Andrew Hastie và James Paterson nhập cảnh vào Trung Quốc vì lý do bộ đôi này từng đã lên tiếng về các vấn đề, bao gồm cả việc đối xử của Bắc Kinh với người Duy Ngô Nhĩ và căng thẳng tại Hồng Kông.
Vào tháng 12, đại sứ Trung Quốc Thành Cảnh Nghiệp đã tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi, trong đó ông dự đoán rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện vào năm 2020.
Căng thẳngtại Biển Đông
Giàn khoan Hải Dương 982 của Trung Quốc - Ảnh: Internet
Tuyến đường biển chiến lược chứa nguồn dự trữ năng lượng chưa được khai thác tiếp tục là điểm nóng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á vào năm 2019 qua Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai (phi pháp)tàu khảo sát và giàn khoan vào tháng 6 và tháng 11 tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trên Biển Đông.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã có một số dấu hiệu về một sự thay đổi về lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc sau khi bị cáo buộc “bán hết lợi ích” của Philippines bằng cách ký thỏa thuận về phát triển dầu khí chung với Bắc Kinh.
Trước cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 8, nhà lãnh đạo Philippines cam kết sẽ nêu lại phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế năm 2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh sau đó từ chối đảo ngược lập trường của mình và lãnh đạo hai nước đã đồng ý không để các lập trường mâu thuẫn mà cản trở mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines.
Cũng trong năm 2019, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã tiến một bước gần hơn để hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử được chờ đợi từ lâu cho vùng biển chiến lược này. Dự kiến, bộ quy tắc ứng xử sẽ được hoàn thành vào năm 2021, giúp đưa ra các quy tắc ứng xử trong vùng biển tranh chấp và các quy trình để giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam sẽ có cơ hội thúc đẩy sự đồng thuận của ASEAN để từ đó, có một tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông cũng như tìm kiếm sự bình ổn cho khu vực.
Ấn Độ thông qua luật cấp quốc tịch cho dân tị nạn, loại trừ tín đồ Hồi Giáo
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đầu tháng 12 đã thúc đẩy một dự luật thông qua luật cấp quốc tịch cho công dân một số nước láng giềng sống tị nạn tại Ấn Độ. Theo đó, công dân ba nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan - là người theo Ấn Độ Giáo, đạo Sikh, đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay Hỏa Giáo - có thể được nhập quốc tịch Ấn Độ. Tuy nhiên, người Hồi Giáo tị nạn không được cấp quốc tịch.
Dự luật này đã bùng phát một làn sóng biểu tình xảy ra ồ ạt trên khắp lãnh thổ Ấn Độ. Tính đến nay, khoảng hơn 1.500 người biểu tình đã bị bắt giữ và tống giam. Gần 4.000 người khác cũng bị bắt về đồn cảnh sát nhưng được thả ra sau đó.
Phe chỉ trích nói rằng luật đã giáng một đòn mạnh vào đất nước từ lâu đã tự hào về hiến pháp thế tục của mình. Ấn Độ có dân số 1,3 tỉngười, với đa số theo đạo Hindu, một nhóm thiểu số lớn theo đạo Hồi và các nhóm thiểu số nhỏ hơn theo tôn giáo khác. Lãnh đạo một số bang thuộc đảng đối lập ở Ấn Độ tuyên bố sẽ khởi kiện để ngăn đạo luật được thực thi tại bang mình. Dù vậy, chính phủ Ấn Độ cho biết không có khả năng luật sẽ bị bãi bỏ.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng tình trạng bất ổn có thể gây ra thảm họa cho Ấn Độ trong bối cảnh đất nước này đang vật lộn với suy thoái kinh tế qua việc tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã giảm trong 6 quý liên tiếp, mức giảm dài nhất trong 23 năm.
Xung đột tại “chảo lửa” Trung Đông chưa có hồi kết
Chiến trường tại Syria - Ảnh: AFP
Trung Đông tiếp tục trải qua một năm chật vật khi liên tục bị phủ bóng bởi những mảng tối u ám của xung đột, bạo lực và khủng hoảng. Cục diện toàn khu vực vẫn được nhận định là tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn rất cao với với một loạt biến động từ tâm điểm Syria, hồ sơ hạt nhân Iran, cho tới “nút thắt” tiến trình hòa bình Palestine - Israel.
Cuộc đối đầu dai dẳng giữa Mỹ và Iran là một trong những nguyên nhân khiến tình hình Trung Đông năm qua luôn trong tình trạng cận kề chiến tranh. Trong khi Mỹ liên tục áp đặt hàng loạt biện pháp siết chặt trừng phạt kinh tế lẫn ngoại giao thì quốc gia Hồi giáo lại thực hiện những bước đi hướng tới giảm dần các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Washington đã đơn phương rút khỏi.
Chính quyền Teheran trong năm 2019 đang phải vẫn tiếp tục gồng mình chịu thêm đòn phạt của Mỹ, vốn dĩ bắt đầu có những tác động lên đời sống của người dân. Thậm chí, đã có thời điểm cao trào của bất đồng, Iran tuyên bố tất cả căn cứ Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa nước này và đe doạ xảy ra chiến tranh toàn diện.
Nhưng đáng chú ý nhất là tình hình chiến sự tại Syria đã có những diễn biến ngoạn mục khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ thông báo rút quân khỏi vùng đông bắc Syria, một động thái được cho là mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy chiến dịch dịch quân sự “càn quét” người Kurd, một đồng minh chống khủng bố của Mỹ từ 4 năm qua.
Quyết định này của chủ nhân Nhà Trắng đã làm dấy lên nhiều chỉ trích từ nhiều nước trong liên minh quốc tế chống khủng bố. Bên cạnh đó, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cũng có nhiều thuận lợi trong việc củng cố vị thế tại Trung Đông khi hoàn thành các mục tiêu thiết lập vùng an toàn trên lãnh thổ Syria và tiếp tục triển khai quân ở khu vực này.
Trong khi đó, tiến trình hòa bình giải quyết xung đột lịch sử giữa Israel và Palestine vẫn rơi vào bế tắc và có nguy cơ leo thang bạo lực khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết áp đặt chủ quyền đối với thung lũng Jordan và phía Bắc Biển Chết, cộng với việc Mỹ liên tiếp có các bước đi dường như “khoét sâu” đối đầu giữa hai bên, như công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ về đây, bên cạnh đócó những tuyên bố ủng hộ quyền của Israel trong vấn đề xây dựng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.
Hoàng Vũ (theo SMCP)