"Hơn 30% người mua sắm Việt Nam cho biết họ rất thích mua sắm trên mạng. 20% người khác đồng ý mua sắm qua mạng sẽ tiết kiệm chi phí. 15% người khác không mua sắm trực tuyến vì phải trả phí giao hàng".

15% người Việt Nam không mua sắm trực tuyến vì... phải trả phí giao hàng

Một Thế Giới | 11/11/2015, 06:16

"Hơn 30% người mua sắm Việt Nam cho biết họ rất thích mua sắm trên mạng. 20% người khác đồng ý mua sắm qua mạng sẽ tiết kiệm chi phí. 15% người khác không mua sắm trực tuyến vì phải trả phí giao hàng".

Đó là lời nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Thủy -  đại diện của Nielsen trong Hội thảo “Từ dịch vụ chuyển phát tới hoàn tất đơn hàng” diễn ra vào ngày 10.11 do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin tổ chức.

Tầng lớp trung lưu tăng là “cú hích” lớn cho sự phát triển TMĐT

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết trong bối cảnh Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển nhanh chóng nên người tiêu dùng hiện nay có khả năng chi nhiều hơn cho việc mua sắm và họ có quyền được lựa chọn mua mọi thứ. Những mặt hàng mà người tiêu dùng hiện nay mua thường hướng tới cá nhân hóa nhiều hơn, tức là phục vụ cho nhu cầu cá nhân của họ nhiều hơn.

Theo bà Thủy, nhu cầu TMĐT hiện nay lớn là do sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Cho đến năm 2030, sẽ có đến 3 tỉ người thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Á. Ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi số lượng tầng lớp trung lưu từ 12 triệu người năm 2014 đến 33 triệu người năm 2020. 

Bà Thủy chỉ ra, với tổng doanh số bán lẻ trên thế giới là gần 24. 000 tỉ USD thì doanh số đóng góp của TMĐT mới chỉ là 7%, nhưng xu hướng này đang gia tăng. Tổng doanh số bán lẻ của TMĐT năm 2015 so với 2014 đã tăng 18%. 

Bà Thủy nói thêm: “Chúng ta có thể thấy TMĐT ở khu vực châu Á tăng 30%, là khu vực tăng nhanh. Trung Quốc là quốc gia châu Á có tiềm năng phát triển TMĐT nhất. Bắt đầu từ năm 2013, TMĐT ở Trung Quốc đã phát triển rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với Mỹ.

Ba mặt hàng được mua sắm trực tuyến nhiều nhất trên thế giới và châu Á hiện nay là vé máy bay, quần áo phụ kiện và tour du lịch, bà Thủy cho biết.

Tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trên mạng tăng chóng mặt

Theo bà Thủy, 1/4 người tiêu dùng trên thế giới nói rằng họ đã đặt hàng trực tuyến và hơn một nửa nói rằng sẵn sàng đặt hàng hóa trực tuyến trong thời gian tới.

Độ tuổi người mua sắm trực tuyến phổ biến từ 21 đến 34 tuổi. Trong độ tuổi này có nhóm nghiện mua sắm, những người trong nhóm nghiện mua sắm cho rằng mua sắm trực tuyến khiến họ rất vui và họ cảm thấy thích được mua sắm trực tuyến, mua sắm trực tuyến rất tiện lợi, họ thích nhận được thông tin từ những nhà bán lẻ.

Có một nhóm khác lên mạng chủ yếu là để tìm thông tin. Họ tìm kiếm thông tin trước khi họ đi ra cửa hàng để trực tiếp mua sản phẩm. Theo đó có thể thấy được vai trò rất lớn của việc đưa thông tin trên mạng.

Ngoài ra có nhóm quan niệm mua hàng trực tuyến là cơ hội để họ tiết kiệm. Họ nghĩ rằng mua hàng trực tuyến thì họ có thể tiết kiệm thời gian, có được những khuyến mãi.

Một nhóm khác là nhóm đa nghi, họ không giao dịch trực tuyến vì họ sợ thông tin tài khoản ngân hàng của họ không được bảo mật. Họ sợ chất lượng mặt hàng không đảm bảo và thậm chí, họ cũng không muốn chi trả phí giao hàng.

Các mặt hàng có tỷ lệ xem và mua hàng tương đương là: mỹ phẩm, sách, đồ trẻ em, đồ cho thú cưng…

Những mặt hàng có tỷ lệ xem nhiều hơn mua là: máy tính, đĩa nhạc…

Những mặt hàng có tỷ lệ mua nhiều hơn xem là: vé máy bay trực tuyến…

Bên cạnh đó, bà Thủy cũng nhận định rằng, việc tối ưu hóa những trải nghiệm mua sắm trực tuyến bằng điện thoại là rất cần thiết. Hiện nay, thiết bị mà mọi người sử dụng mua sắm trực tuyến vẫn là máy tính. Nhưng tỷ lệ sử dụng điện thoại để mua sắm đang có xu hướng tăng nhanh.

Tỷ lệ khách hàng online trung bình ở Việt Nam vào khoảng hơn 15 giờ/tuần, tương đương với 2 tiếng/ngày.

Như vậy, tiềm năng để mua sắm trực tuyến là vô cùng lớn. 72% khách hàng ở Việt Nam đồng ý mua sắm trực tuyến tiện lợi và 18% lên kế hoạch sẽ mua thực phẩm, đồ uống trực tuyến trong vòng 6 tháng tới. Hơn 30% khách hàng cho biết họ rất thích mua sắm trên mạng.

20% người đồng ý mua sắm qua mạng sẽ tiết kiệm chi phí. Họ đăng ký thông tin để nhận khuyến mại và để mua sản phẩm với giá ưu đãi nhất.

Để thúc đẩy mua sắm trực tuyến thì chúng ta hãy làm sao để khách hàng cảm thấy yên tâm khi dùng thẻ trên mạng, bà Thủy cho hay.

15% người tiêu dùng Việt Nam không mua sắm trực tuyến vì phải trả chi phí giao hàng. Theo đó, nhiều công ty đã loại bỏ chi phí giao hàng để thúc đẩy việc mua sắm qua mạng được phát triển hơn.

Bên cạnh đó có 11% người khác cho rằng các trang web mua sắm thật khó hiểu. Điều này có nghĩa là việc sắp xếp thông tin trên trang web khiến khách hàng không thể tìm thấy thông tin mà họ cần một cách nhanh nhất.

Khách hàng hiện nay không ngừng di chuyển và họ có nhu cầu kết nối cao. Cùng với tầng lớp trung lưu tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và châu Á. Hai yếu tố này sẽ là tiền đề cho TMĐT phát triển trong thời gian tới ở khu vực.

Người Việt Nam rất yêu thích trải nghiệm mua sắm trực tuyến nhưng những rào cản vẫn còn khá nhiều như thông tin, chi phí giao hàng.... Vì vậy, các công ty mua sắm trực tuyến cần phải loại bỏ rào cản để khách hàng cảm thấy thoải mái khi mua sắm, bà Thủy chia sẻ.

Tuyết Nhung (ghi)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
15% người Việt Nam không mua sắm trực tuyến vì... phải trả phí giao hàng