Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc bộ, từ ngày 1.9 đến 3.9 ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ liên tục có mưa to trên diện rộng, kéo dài kèm thời tiết xấu. Nhiều nơi lũ lụt dội về khiến nhà cửa ngập, đường sá sạt lở tan hoang; nhiều người dân bị thiệt mạng.

19 người thiệt mạng và mất tích vì mưa lũ

1 | 04/09/2018, 07:09

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc bộ, từ ngày 1.9 đến 3.9 ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ liên tục có mưa to trên diện rộng, kéo dài kèm thời tiết xấu. Nhiều nơi lũ lụt dội về khiến nhà cửa ngập, đường sá sạt lở tan hoang; nhiều người dân bị thiệt mạng.

Mưa lũ còn tiếp diễn

Theo cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ đêm 2.9 đến 3.9, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… tiếp tục có mưa rất lớn do hội tụ gió trên cao kết hợp áp thấp gây ra. Lượng mưa đo được tại các điểm như Tam Đường (Lai Châu) 121mm, Kim Bôi (Hòa Bình) 104mm, Lào Cai 111mm, Hàm Yên (Tuyên Quang) 116mm, Bãi Cháy (Quảng Ninh) 123mm, Hà Đông (Hà Nội) 74mm… Trong ngày 3.9, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia liên tục phát tin cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa… và lũ trên các sông lên cao do mưa lũ vẫn tiếp diễn. Theo dự báo, thời tiết xấu kèm mưa lũ vẫn tiếp diễn trong những ngày tới.

Ở Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, thời tiết cũng rất xấu do có gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh lên.

Vì vậy, tại những khu vực này đã có mưa và sẽ tiếp tục có mưa diện rộng, thời gian mưa tập trung về chiều và tối, cục bộ có điểm mưa vừa, mưa to.

Theo báo cáo nhanh từ các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ trong những ngày qua đã làm 13 người thiệt mạng (Sơn La 1 người, Yên Bái 1 người, Lạng Sơn 1 người, Hòa Bình 1 người, Thanh Hóa 9 người) và 3 người mất tích tại Thanh Hóa. Còn theo thông tin bổ sung từ tỉnh Lai Châu, do mưa lớn kéo dài từ chiều 2.9 đến trưa 3.9, tại huyện Phong Thổ và Mường Tè đã xảy ra sạt lở, lũ ống làm 3 người thiệt mạng và mất tích.

Ngoài ra, tại hàng loạt tỉnh, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, hàng ngàn hécta lúa, hoa màu, thủy sản… bị hư hại. Đến ngày 3.9, các tuyến quốc lộ qua các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa cơ bản đã được thông xe; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được, nhất là tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Hàng trăm ngàn hécta lúa tại ĐBSCL đối mặt lũ

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lũ tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đang lên nhanh nhưng chưa đạt đỉnh. Tính đến nay, diện tích lúa hè thu đã gieo trồng tại các tỉnh ở ĐBSCL là 1.601.188ha, trong đó đã thu hoạch được 64%. Diện tích lúa chưa thu hoạch là 572.204ha, hầu hết đều nằm trong vùng an toàn, ngoại trừ 137.400ha thuộc vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng của nước lũ thuộc 4 tỉnh: Long An, An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Về diện tích lúa thu đông, theo Cục Trồng trọt, đến nay các tỉnh ở ĐBSCL đã gieo được 462.276ha, đạt 62% kế hoạch. Trong đó, diện tích có thể bị ảnh hưởng của lũ là 43.028ha thuộc 4 tỉnh: Long An: 4.410ha; An Giang: 14.636ha; Đồng Tháp: 7.386ha; Kiên Giang: 16.596ha. Tính đến ngày 31-8, đã có khoảng 1.000ha lúa nằm ngoài vùng đê bao, bờ bao bảo vệ ở ĐBSCL bị thiệt hại (các diện tích này đều gieo cấy ngoài kế hoạch).

Để ứng phó với lũ tại ĐBSCL, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, học sinh, trẻ em khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ; khẩn trương thu hoạch lúa hè thu và bảo đảm an toàn cho diện tích lúa thu đông. Các tỉnh An Giang và Kiên Giang thực hiện các biện pháp ứng phó với việc vận hành xả lũ đập tràn Trà Sư, Tha La. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phối hợp với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chi cục Phòng chống thiên tai miền Nam cung cấp các thông tin dữ liệu, xây dựng các bản đồ ứng phó với lũ; bố trí cán bộ giao ban hàng ngày tại văn phòng chi cục miền Nam.

Còn tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ, ban chỉ đạo đề nghị thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1127/CĐ-TTg về việc phòng tránh và khắc phục hậu quả mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn chống lũ của hệ thống đê điều; tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục, thông tuyến các tuyến đường bị ách tắc, chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất. Riêng tỉnh Thanh Hóa tập trung lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện sự cố, xử lý giờ đầu, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Văn Phúc/SGGP
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
19 người thiệt mạng và mất tích vì mưa lũ