Mặc dù hiện giờ Việt Nam vẫn chưa cho phép các cặp đôi đồng tính đăng ký kết hôn thế nhưng cũng không cấm tổ chức lễ cưới hoặc tiệc cưới.

20 bí quyết để có một lễ cưới đồng tính tuyệt vời

Một Thế Giới | 02/07/2015, 04:00

Mặc dù hiện giờ Việt Nam vẫn chưa cho phép các cặp đôi đồng tính đăng ký kết hôn thế nhưng cũng không cấm tổ chức lễ cưới hoặc tiệc cưới.

Nghị định 110/2013/NĐCP được ban hành vào năm ngoái đã loại bỏ "kết hôn giữa những người cùng giới tính" ra khỏi danh sách các mức phạt hành chính. Chính vì thế, những người cùng giới tính yêu thương nhau và xác định sẽ chung sống cạnh nhau dài lâu có thể tự do tổ chức các buổi lễ cưới như bao cặp đôi dị tính. Một lễ cưới với bất kỳ cặp tình nhân nào cũng là những khoảnh khắc thật thiêng liêng và bồi hồi.
Hon nhan dong tinh, LGBT
Một Thế Giới xin gửi đến các bạn 20 bí quyết để có một lễ cưới lãng mạn và hoàn hảo:

TRƯỚC LỄ CƯỚI

1. Ai sẽ cầu hôn ai?

Thông thường, người đàn ông sẽ cầu hôn người phụ nữ. Nhưng đối với một cặp đôi đồng tính thì truyền thống đó thật khó để áp dụng. Câu trả lời cho trường hợp này chính là bạn chẳng cần phải bận tâm quá nhiều. Tình yêu của người đồng tính xuất phát từ hai chữ bình đẳng. Nếu bạn muốn cầu hôn, chỉ cần kiếm một địa điểm lãng mạn, quỳ xuống và nói những lời yêu thương nhất. Phần còn lại của hạnh phúc sẽ đến từ người bạn đời của bạn.

2. Có phải đây là một lễ cưới thật sự không?

Chắc chắn là có. Dù cho bạn không được đăng ký kết hôn nhưng ý nghĩa của hôn lễ chính là sự gắn kết giữa hai tâm hồn, hai trái tim. Một khi bạn đã làm lễ cưới tức là bạn đã chứng minh cho mọi người thấy hai bạn thật sự là của nhau. Hãy nhớ đây là một vấn đề nghiêm túc và đừng xem nó như một trò đùa.
3. Ai sẽ gánh vác chi phí tổ chức lễ cưới?

Theo truyền thống người Việt thì gia đình nhà trai sẽ thực hiện việc hỏi cưới và lo toan các khoản chi phí. Nhưng ngày nay thì chi phí sẽ được san sẻ tùy theo hoàn cảnh của mỗi bên. Tương tự như vậy đối với những lễ cưới đồng tính. Nếu hai bạn được sự ủng hộ của gia đình thì có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía cha mẹ hai bên. Còn không thì hai bạn có thể cùng nhau hoạch định, chia sẻ chi phí lễ cưới sao cho phù hợp nhất.

Hon nhan dong tinh, LGBT
 Cầu hôn là một phần quan trọng trước lễ cưới

4. Thế còn nhẫn cầu hôn thì sao?

Khi bạn cầu hôn ai đó thì việc có cần thiết phải bằng một chiếc nhẫn hay không thì tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn hoặc người bạn đời cảm thấy điều đó thể hiện sự trang trọng thì không nên ngần ngại. Còn nếu không có thì điều đó cũng chẳng nói lên được rằng tình cảm hai bạn không mặn nồng.

5. Nên tổ chức lễ cưới ở đâu

Có rất nhiều địa điểm để các cặp đồng giới có thể cử hành hôn lễ. Có cặp đôi thích tổ chức lễ cưới tại tư gia theo truyền thống người Việt, nhưng cũng có cặp đôi thích tổ chức trên bãi biển như ở các quốc gia Tây phương… Dù tổ chức ở đâu thì bạn phải nhớ đảm bảo tính trang trọng của buổi lễ cũng như là sự thống nhất giữa hai bạn.
Hon nhan dong tinh, LGBT
 

Cử hành hôn lễ trên bãi biển cũng là một lựa chọn mang tính riêng tư và không kém phần lãng mạn.

 6. Có thể làm gì để giảm chi phí lễ cưới không?

Trung bình một lễ cưới (và cả tiệc cưới) sẽ tiêu tốn khoảng từ 70 đến 150 triệu đồng. Khoản phí trên còn tùy thuộc vào sính lễ, số lượng khách mời, địa điểm tổ chức v.v… Trong trường hợp bạn có ít hơn con số trung bình kể trên thì bạn vẫn có các phương án để cắt giảm chi phí như:

  • Tổ chức lễ cưới (tiệc cưới) vào ngày thường thay vì cuối tuần
  • Nhờ sự trợ giúp từ người thân và bạn bè trong các khoản như: bánh cưới, thiệp cưới, chụp ảnh, quay phim, trang trí v.v…
  • Giới hạn số lượng khách mời, ưu tiên những người thật sự thân thiết đối với bạn.
  • Mặc cả mọi lúc, mọi nơi với mọi món đồ chuẩn bị cho lễ cưới

7. Có nên mời những người thân phản đối lễ cưới không?

Nếu bạn không thích họ thì đơn giản là đừng mời vì có thể họ sẽ khiến cho lễ cưới của bạn mất vui. Nếu họ tỏ ý muốn tham dự thì bạn cũng nên cảnh báo trước vì chắc chắn trong lễ cưới sẽ có những người bạn đồng tính khác đến chung vui. Điều này giúp họ chuẩn bị tinh thần để quyết định có nên tham dự hay không.

Trong trường hợp buổi lễ là lần đầu tiên họ biết đến bạn đời của bạn, đừng ngần ngại giới thiệu bạn ấy với họ. Có thể điều đó sẽ giúp họ cảm nhận được tình cảm của hai bạn.
8. Ai nên có mặt trong hôn lễ?

Đối với hôn lễ thì thông thường chỉ nên có sự xuất hiện của cha mẹ, gia đình hai bên, phù dâu hoặc phù rể và một số những người bạn thân nhất của hai bạn. Nếu hai bạn đặt sự riêng tư lên hàng đầu thì lễ cưới chỉ nên có mặt không quá 20 người. Còn tiệc cưới thì là một chuyện khác.

Hon nhan dong tinh, LGBT
 Gia đình và bạn thân là những người không thể thiếu trong hôn lễ của bạn

9. Nên tổ chức tiệc đứng hay ngồi?

Theo thông lệ thì tiệc cưới ở Việt Nam đa số là tiệc ngồi bàn tại một nhà hàng nào đó. Tuy nhiên, nếu đám cưới của bạn giới hạn số lượng khách mời và bạn mong muốn một buổi tiệc thật sự đặc biệt thì tiệc đứng cũng không phải là một ý kiến tồi. Dĩ nhiên bạn cũng phải tính đến một số vấn đề khi tổ chức tiệc đứng, chẳng hạn như số lượng người lớn tuổi, trẻ em, ghế ngồi nghỉ, âm nhạc, thực đơn v.v…

10. Thực đơn ở bữa tiệc nên chuẩn bị ra sao?

Ở các nhà hàng hoặc nơi đặt tiệc thường có những gói thực đơn cho một buổi tiệc cưới với các mức giá đa dạng. Hãy đảm bảo rằng thức ăn bạn đặt sẽ vừa đủ hoặc chỉ dư một ít. Không nên đặt quá nhiều cũng như quá ít. Thực đơn trong bữa tiệc nên đa dạng các món từ khai vị, món chiên xào, đến món cơm, lẩu và cả tráng miệng. Trong trường hợp đó là tiệc đứng thì bạn nên chú ý rằng món ăn đó có phù hợp để các thực khách có thể cầm dĩa trên tay hay không.
Hon nhan dong tinh, LGBT

11. Nên ở cùng với nhau hay ở riêng trước buổi lễ?

Theo truyền thống, các cặp sẽ phải ở riêng vào đêm trước để khoảnh khắc gặp nhau trong hôn lễ trở nên thiêng liêng. Hãy nghĩ đến cái cảm giác hồi hộp trước khi người bạn đời của mình bước ra. Một số cặp đôi còn sử dụng đêm trước lễ cưới để tổ chức buổi tiệc ‘độc thân cuối cùng’ với bạn bè.

12. Sáng hôm đó nên chuẩn bị những gì?

Trước ngày trọng đại ấy, bạn nên đảm bảo rằng mọi thứ đã sẵn sàng. Có thể nhờ một người bạn thân để kiểm soát mọi công việc giúp bạn hoặc nếu dư dả tài chính, bạn nên thuê các nhóm sự kiện (Wedding planner) hỗ trợ để mọi công tác chuẩn bị nằm trong vòng kiểm soát một cách chuyên nghiệp nhất.

Sáng hôm đó, bạn cần phải thức dậy với tâm trạng thật thoải mái, dùng bữa sáng cùng gia đình. Hãy nhớ dành cho bạn một khoảng thời gian đủ để chuẩn bị, đừng để mọi thứ trở nên gấp gáp trước giờ G nhé. 

TRONG LỄ CƯỚI

13. Nên mặc trang phục như thế nào?

Đối với các cặp đồng tính nam, một bộ Âu phục là đủ để làm trang trọng buổi lễ. Hai bạn có thể mặc trang phục khác màu nhau nhưng nên đeo một chiếc cà-vạt cùng màu .

Đối với các cặp đồng tính nữ, các bạn có thể tùy chọn việc mặc xoa-rê hay Âu phục giống các cặp đồng tính nam. Việc này tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bạn.

Các bạn cũng đừng quên áo dài vẫn là một sự lựa chọn hoàn hảo cho tất cả. Nó sẽ thể hiện được tính truyền thống văn hóa của người Việt Nam chúng ta.
Hon nhan dong tinh, LGBT
Áo dài cũng là một trong những sự lựa chọn mang tính truyền thống dành cho các cặp đôi.
Trong ảnh: Cặp đôi đồng tính Công Khanh và Thái Nguyên trong lễ cưới.
14. Bước ra như thế nào trong hôn lễ?

Thật ra thì không có nguyên tắc nào cho việc hai bạn bước ra thế nào trong hôn lễ. Các bạn có thể tham khảo các cách sau:

  • Bạn có thể bước ra một mình để tiến về người còn lại.
  • Hai bạn có thể bước ra từ hai phía đối diện và tiến về nhau.
  • Hai bạn có thể nắm tay nhau để tiến đến lễ đài.

Hai cách đầu tiên có thể sẽ giúp bạn có được cảm xúc tuyệt vời nhất. Nếu bạn muốn, hãy thử xem. Lưu ý là một chút âm nhạc hòa tấu có thể khiến không khí trở nên lãng mạn đấy.

15. Chúng tôi có nên phát biểu?

Trong văn hóa truyền thống của người Việt thì cha mẹ sẽ là người phát biểu. Còn ở văn hóa phương Tây thì cả hai cô dâu hoặc hai chú rể sẽ thay phiên phát biểu tình cảm dành cho nhau. Vấn đề này là một sự lựa chọn tùy thuộc vào hai bạn. Đừng ngại ngần vì có thể bạn chỉ có 1 lễ cưới duy nhất trong đời thôi.

15. Phần tuyên bố hôn lễ sẽ như thế nào?

Ở văn hóa phương Tây hoặc trong các nhà thờ thì bạn sẽ thường nghe câu: “Ta tuyên bố hai con là vợ chồng. Con có thể hôn cô dâu”. Tuy nhiên đó là trường hợp của các cặp đôi dị tính.

Dù cho bạn không phải đạo Thiên Chúa nhưng nếu bạn muốn, bạn có thể nhờ người thân đứng ra tuyên bố. Câu tuyên bố có thể là: “Ta tuyên bố hai con đã thuộc về nhau. Hai con có thể hôn nhau để minh chứng cho tình yêu của mình.”
Hon nhan dong tinh, LGBT

SAU LỄ CƯỚI

16. Hai cô dâu có thể ném hoa cưới chứ?

Ném hoa cưới là một hoạt động cuối của bữa tiệc cưới. Trong đó cô dâu sẽ quay lưng về phía những người tham dự và ném bó hoa cưới của mình về phía họ. Người nào chụp được hoa cưới sẽ như nhận được lời chúc phúc từ phía cặp đôi và có thể sẽ trở thành người tiếp theo ‘lên xe hoa’.

Dĩ nhiên hai cô dâu và cả hai chú rể có thể thực hiện hoạt động này. Điều này đem lại niềm vui cho những người tham dự.
Hon nhan dong tinh, LGBT

Ném hoa cưới là một trong những hoạt động vui vẻ sau bữa tiệc

17. Khi nào chúng tôi được ăn?

Thông thường trong ngày trọng đại, hầu như các cặp đôi bận rộn đến nỗi không có nhiều thời gian để ăn uống. Đó là lý do bạn nên ăn sáng cho thật kỹ và trong ngày nên có một người thân hỗ trợ bạn chuẩn bị các phần ăn nhẹ. Nó sẽ giúp bạn không bị kiệt sức.

Có một điều thú vị rằng đa số các cặp đôi đều kết thúc lễ cưới của mình bằng những tô hủ tiếu gõ hoặc thức ăn khuya lề đường nào đó. Đôi khi như vậy cũng giúp các bạn sẽ nhớ mãi về ngày trọng đại của mình.

18. Nếu chúng tôi kiệt sức sau Lễ cưới thì sao?

Đừng lo lắng quá. Hầu như mọi cặp đôi đều kiệt sức sau những ngày dài chuẩn bị lễ cưới. Việc hai bạn cần làm là cho bản thân ít nhất một ngày nghỉ trên giường thật thoải mái trước Tuần trăng mật. Nó cũng giúp bạn cảm nhận được hương vị hạnh phúc bên người ấy sau khi đã thuộc về nhau.

19. Tuần trăng mật nên đi đâu?

Có rất nhiều nơi cho bạn tận hưởng tuần trăng mật. Bạn có thể lựa chọn địa điểm trong nước hoặc ở nước ngoài. Tuy nhiên hãy đảm bảo rằng nơi bạn đến thân thiện với người đồng tính. Hãy tham khảo thêm thông tin ở trên internet trước khi hai bạn đưa ra quyết định.

Hon nhan dong tinh, LGBT
Hãy lên kế hoạch và tận hưởng Tuần trăng mật của bạn sau lễ cưới

20. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi muốn chia tay?

Vấn đề này bạn nghĩ quá xa rồi đấy. Mặc dù cho bạn không phải vướng bất kỳ vấn đề pháp lý nào khi chia tay, nhưng hãy thử nghĩ đến những gì hai bạn đã trải qua mà xem. Điều đó có thể sẽ giúp bạn sớm quên đi ý định đó, vượt qua những mâu thuẫn thường ngày của cuộc sống và tiếp tục hạnh phúc bên người mình đã lựa chọn.

Nói tóm lại, truyền thống người Việt xem lễ cưới là một trong những mốc quan trọng của đời người. Chính vì vậy, bạn và người ây nên lên kế hoạch thật cụ thể và chi tiết để buổi lễ của hai bạn sẽ là khoảnh khắc tuyệt vời nhất minh chứng cho tình yêu đôi lứa của người đồng tính.

Anh Khang (Ảnh Internet)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
20 bí quyết để có một lễ cưới đồng tính tuyệt vời