Tối 29.7, tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) đã diễn ra đêm liveshow đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Việt Anh, đánh dấu chặng đường 20 năm sáng tác của anh.
Liveshow Dòng sông lơ đãng mang ý nghĩa của một chặng hành trình 20 năm mà nhạc sĩ Việt Anh nói rằng như thể một bản tình ca gồm những nốt nhạc trầm và nốt thăng xen lẫn.
Ở đó, công chúng gặp lại một Việt Anh của mảng sáng tác ca khúc với chặng đường được chia làm 3 giai đoạn rõ rệt: Thời Làn sóng xanh, thời xa quê nhà và thời hiện tại. Cả 3 mảng này được ráp nối xen kẽ nhau để thấy rõ một sự thống nhất trong phong cách sáng tác của Việt Anh: Luôn sang trọng và sâu lắng.
Ít có một tác giả nào vẫn giữ được phong độ sáng tác bền bỉ và đồng nhất không gian âm nhạc như Việt Anh dù anh nói rằng việc viết đối với anh gần như là một sự giãi bày. Sự giãi bày ấy không đến từ những câu chuyện kể bên ngoài mà từ chính trong âm nhạc của anh tự thân đã có một sự hấp dẫn khó có thể cưỡng lại.
Những ký ức được đan lại bằng âm nhạc. Từ trải nghiệm bản thân hay từ những câu chuyện xung quanh mà Việt Anh đã viết nên những ca khúc được yêu mến đến tận bây giờ như: Mưa phi trường, Dòng sông lơ đãng, Đêm nằm mơ phố, Chưa bao giờ, Phía nào đến chân trời…
Khoảng cách 20 năm dường như không bị màu thời gian làm mất đi chất nhạc Việt Anh, từ những bài mở đầu sự nghiệp nhưDòng sông lơ đãng, Người đi xa mãicho đến những sáng tác mới nhất nhưNhững bến bờ cho conhayKhi gió mùa sang… Vẫn là ngôn ngữ giàu tính giai điệu, là những tiếng thở nhẹ chạm vào ký ức dù là khoác chiếc áo cổ điển giao thoa hay ngúng nguẩy trong điệu bossa nova nhịp nhàng.
Trong những không gian ấy, những người bạn cũ, những người bạn mới đã làm nên một đêm nhạc Việt Anh nhiều lắng đọng và cả nhiều sự khơi gợi mới. Liveshow vừa mang tính “đóng” với những gọng ca quen thuộc: Quang Dũng, Thu Phương nhưng vừa mang tính “mở” với những giọng ca mới: Uyên Linh, Trung Quân, Nguyên Thảo, Hoàng Bách và cả Đàm Vĩnh Hưng.
Lần đầu tiên, những giọng ca mới như Uyên Linh, Trung Quân, Quý Bình, Hoàng Bách, Nguyên Thảo đem đến một sự hấp dẫn mới trong những ca khúc của Việt Anh. Những ca khúc nhưNhững mùa hoa bỏ lại, Và như thế câu chuyện bắt đầu, Đánh rơi bên bờ, Chờ anh em nhé… được thể hiện lại một cách khoan thai, mới mẻ và lả lơi hơn cả những giọng ca ngày trước. Nhiều khán giả đã lặng đi khi lần đầu tiên nghe Nguyên Thảo hát ru Những bến bờ cho con với chất giọng cận cao nội lực vừa truyền cảm mà lại vừa ngọt ngào, sâu lắng. Trung Quân cũng gây bất ngờ vớiNơi mùa thu bắt đầuvốn đã từng “đóng đinh” với giọng hát Bằng Kiều. Lần này, Trung Quân thể hiện bằng cách hát trẻ trung và khoan thai hơn.Điều đó cho thấy âm nhạc của Việt Anh luôn có sự tiếp nối và không mang tính quy luật hạn chế của thời gian.
Những bài hát cũ được nhấn mạnh hơn bằng phần hòa âm mang đậm không gian thính phòng và rất đỗi sang trọng. Như thể những nhạc phẩm của Việt Anh với tiếng hát của Quang Dũng, Thu Phương có lẽ đã thuộc về một không gian riêng mà công chúng chờ đợi để nghe lại từ rất lâu.Trong không gian ấy, cả Thu Phương lẫn Quang Dũng gần như trở về. Họ thể hiện đầy cảm xúc những Hoa có vàng nơi ấy, Ngày hôm qua là thế, Chưa bao giờ, Em sẽ chẳng là ai…
Một điểm nhấn của chương trình cũng làm nhiều người xúc động. Đó là khi ban nhạc ngày xưa của Việt Anh, Saigon Boys bất ngờ tái hợp trên sân khấu sau 15 năm không còn đứng cạnh nhau. Họ cùng nhau chơi lại một bài hát rất nổi tiếng, Mưa phi trường. Đây là bài hát sáng tác đầu tiên của Việt Anh khi chỉ mới 16 tuổi nhưng lại là bài tung ra khá muộn, sau những Dòng sông lơ đãng, Người đi xa mãi… Phải 5 năm sau tính từ ngày sáng tác (1992), đến năm 1997 khi nhạc sĩ Việt Anh cộng tác với Bến Thành Audio và đưa ca sĩ Lam Trường hát thử, chẳng ngờ đã thành công vang dội ngay lần đầu tiên. Đêm qua, một lần nữa Mưa phi trường làm xúc động người nghe qua giọng hát của Đàm Vĩnh Hưng. Nhưng hơi tiếc là sự xuất hiện của Saigon Boys trên sân khấu lại quá ít ỏi. Họ, đúng ra nên được đứng lâu hơn bởi những câu chuyện cần được kể thêm. Bởi họ là đại diện của một thời rực rỡ của V-Pop, chứng kiến những khoảnh khắc vàng son của nhạc trẻ Việt và đã cùng nhau đi qua nhiều miền cảm giác khó có thể quên được.
Cũng bởi âm nhạc Việt Anh hôm nay không chỉ là những người nghe cũ mà còn có cả những thế hệ mới lớn lên cùng âm nhạc của anh. Không chỉ sự xuất hiện ngắn ngủi của Saigon Boys mà còn thêm sự vắng mặt đáng tiếc của nhiều danh ca đã làm nên tên tuổi của âm nhạc Việt Anh. Nếu có thêm họ, những câu chuyện sẽ dày thêm và gây được cảm xúc nhiều hơn thế hệ công chúng mới.
Nhưng dù sau, cả chương trình Dòng sông lơ đãng đã là một sợi dây nối liền Việt Anh của những khoảnh khắc làm nên tên tuổi anh trong đời sống âm nhạc Việt. Một câu chuyện dài được kể với những câu chuyện đan xen với âm thanh là tiếng gió thổi về từ miền nhớ của những dòng sông trong đời, tiếng xào xạc của những chiếc lá vàng bay ngày cũ và màu sắc của những đóa hoa vẫn vàng nơi ấy.
Trước vẻ đẹp của âm nhạc Việt Anh, nhiều người dường như thấy lại những năm tháng tuổi trẻ, những công chúng yêu âm nhạc thấy lại một thời vàng son của “nhạc trẻ” Việt Nam những năm cuối thập niên 1990, thời của Làn sóng xanh sôi nổi, của những ca khúc bùng nổ và nhiều ca khúc để lại dấu ấn trong đời sống âm nhạc đến tận hôm nay.
Sơn Trà. Ảnh: Nguyên Trương