Một nền kinh tế đầy bất ổn với hàng loạt những phi vụ kinh doanh khổng lồ của các tập đoàn lớn bị đổ vỡ xảy ra cùng lúc chỉ trong một thời gian ngắn, đó là tất cả những gì mà thế giới có thể nói về kinh tế Hàn Quốc trong năm 2016.

2016: Một năm buồn của kinh tế Hàn Quốc

Nhàn Đàm | 13/12/2016, 16:11

Một nền kinh tế đầy bất ổn với hàng loạt những phi vụ kinh doanh khổng lồ của các tập đoàn lớn bị đổ vỡ xảy ra cùng lúc chỉ trong một thời gian ngắn, đó là tất cả những gì mà thế giới có thể nói về kinh tế Hàn Quốc trong năm 2016.

2016 chắc chắn sẽ là một trong những năm đáng nhớ nhất đối với người dân Hàn Quốc không chỉ trong vòng vài thập kỷ qua, mà có thể sẽ còn trong vòng nhiều năm sắp tới. Nó là một năm đầy biến động, được mở đầu với một vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và chuẩn bị kết thúc với scandal bê bối chính trị lớn nhất Hàn Quốc trong nhiều năm qua khi tổng thống Park Geun-hye sẽ bị luận tội trong sự vui mừng của khoảng 800.000 người dân đã lên tiếng đòi hỏi điều này.

Không chỉ về chính trị và an ninh, mà 2016 cũng là một năm buồn với nền kinh tế Hàn Quốc, khi một loạt những biến động bất lợi xảy ra và làm xáo động tận gốc ngay cả với những tên tuổi dường như không thể bị xâm phạm như Samsung, Lotte. Một nền kinh tế đầy bất ổn và hàng loạt những phi vụ kinh doanh khổng lồ bị đổ vỡ xảy ra cùng lúc chỉ trong một thời gian ngắn, đó là tất cả những gì mà thế giới có thể nói về kinh tế Hàn Quốc trong năm 2016.

Việc tổng thống Park Geun-hye vừa chính thức bị Quốc hội Hàn Quốc tuyên bố ngưng chức vào ngày 9.12 vừa qua để chuẩn bị luận tội là một trong những scandal lớn nhất trong nền chính trị nước này nhiều năm qua. Nhưng, nó cũng là mảnh ghép cuối cùng cho bức tranh vô cùng ảm đạm của nền kinh tế xứ sở kim chi. Nguyên nhân chủ yếu khiến bà Park bị luận tội là do dính líu đến vụ bê bối gây áp lực lên các doanh nghiệp lớn tại Hàn Quốc của người bạn thân Choi Soon-sil, trong đó bà Choi bị cáo buộc đã lợi dụng vị thế bạn thân của tổng thống để gây sức ép buộc các tập đoàn lớn của nước này phải ủng hộ tiền cho 2 quỹ phi lợi nhuận của mình. Ngoài ra, bà Choi cũng bị nghi ngờ đã can thiệp vào một số vấn đề chính sách của tổng thống Park, mà một trong số đó là các chính sách kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến lượng tiêu thụ và đầu tư trong nước.

Nhưng, kể cả khi không có vụ scandal của tổng thống Park và bà Choi, thì các doanh nghiệp và nền kinh tế Hàn Quốc cũng đã có một năm thực sự đáng quên. Năm 2016 có thể coi là một năm thất bại điển hình của các tập đoàn vẫn được gọi với cái tên Chaebol của nước này, trong đó tràn ngập những vụ bê bối và những dự án kinh doanh thất bại đáng xấu hổ. Nó bắt đầu ngay từ tháng Giêng, khi hãng xe lớn nhất Hàn Quốc là Hyundai với công ty con Kia Motor đã dự báo tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây do sụt giảm nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và đồng won tăng giá. Vài ngày sau đó, Bắc Triều Tiên tiến hành thử quả bom hydrogen đầu tiên gây ra sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Hàn Quốc do lo ngại.

Sự suy giảm tăng trưởng và nhu cầu của Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc đã khiến nền kinh tế xứ sở kim chi sụt giảm mạnh trong cả năm 2016. Căng thẳng gia tăng với Bắc Triều Tiên cũng khiến nền kinh tế Hàn Quốc lãnh đủ, khi sau một vụ phóng tên lửa khác của Bình Nhưỡng, Seoul đã chấm dứt các hoạt động tại khu công nghiệp Gaesong chung giữa hai miền, theo thống kê gây ra thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỉ won (tương đương 858 triệu USD) cho kinh tế Hàn Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu của Hàn Quốc đã sụt giảm khoảng 21-23%, thì đến tháng Tám, hãng vận tải lớn nhất cả nước là Hanjin nộp đơn xin phá sản, với khoản nợ lên tới khoảng 14 tỉ USD.

Mọi chuyện tồi tệ vẫn chưa chấm dứt, khi một cuộc đình công lớn nhất trong vòng 12 năm của các công nhân làm việc trong hãng Hyundai nổ ra vào tháng chín và kéo dài đến giữa tháng mười, làm sụt giảm số lượng xe xuất xưởng lên tới khoảng 140.000 chiếc với trị giá khoảng 3.000 tỉ won. Sau Hyundai, đến lượt một tập đoàn khổng lồ khác là Lotte gặp hạn khi các công tố viên buộc tội chủ tịch Shin Dong-bin và 4 thành viên khác trong gia đình chủ sở hữu tập đoàn bán lẻ này về hành vi trốn thuế và tham ô. Scandal này khiến cổ phiếu của Lotte giảm chóng mặt và tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn này, rất nhiều dự án lớn trên thế giới của Lotte đã bị đình trệ.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là quả bom lớn nhất của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2016. Nó thuộc về tập đoàn lớn nhất cả nước là Samsung, với sự cố mang tên Galaxy Note 7. Những vụ nổ điện thoại do lỗi pin diễn ra trên khắp thế giới buộc Samsung phải tiến hành thu hồi khoảng 2 triệu sản phẩm trong sự cố lớn nhất trong lịch sử của mình, với tổng thiệt hại lên tới khoảng 5 tỉ USD và cổ phiếu của Samsung giảm hơn 20%.

Theo các chuyên gia kinh tế, không phải ngẫu nhiên mà một loạt sự cố lớn xảy ra trong cùng 1 năm với các tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Theo Chong Hoon Park, trưởng nhóm nghiên cứu tại ngân hàng Standard Chartered có trụ sở tại Seoul, thì: “Khi nền kinh tế ổn định và tăng trưởng nhanh, thì mọi thứ có thể bị lờ đi, cả các tập đoàn lẫn chính phủ, nhưng khi tăng trưởng kinh tế chậm lại thì tham nhũng sẽ khó được thỏa hiệp hơn”.

Sự bất ổn của các tập đoàn lớn và nền kinh tế cũng đang ảnh hưởng xấu đến các khía cạnh khác trong xã hội Hàn Quốc. Nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc hiện đã đạt mức 87% GDP từ mức 74% GDP của năm 2009. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đang khá cao, ở mức 9,3% và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm nay, so với mức dự báo 3,5% hồi đầu năm.

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa đến mức quá tệ, khi nợ chính phủ của Hàn Quốc hiện mới chỉ ở mức 39% GDP (trong khi mức trung bình của nhóm G20 lên tới 117%), thị trường chứng khoán cũng đã tăng 3% trong năm nay. Và theo nhiều chuyên gia thì các scandal kinh tế trong năm nay có thể là một cơ hội tốt để các tập đoàn lớn cũng như chính phủ thực hiện các cải cách cần thiết để mạnh mẽ hơn trong tương lai. 2016 có thể là một năm buồn với Hàn Quốc, nhưng nó hoàn toàn có thể trở thành cánh cửa để dẫn tới tương lai tốt đẹp hơn, tùy thuộc vào cách giải quyết của chính phủ và người dân đất nước này.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2016: Một năm buồn của kinh tế Hàn Quốc