Theo tổ chức nghiên cứu Council on Foreign Relations (CFR), Singapore khi nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ có một giải pháp chung cho vấn đề Biển Đông trong năm 2018.

2018: Singapore làm chủ tịch ASEAN và những kỳ vọng về giải pháp chung cho Biển Đông

Cẩm Bình | 02/01/2018, 16:21

Theo tổ chức nghiên cứu Council on Foreign Relations (CFR), Singapore khi nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ có một giải pháp chung cho vấn đề Biển Đông trong năm 2018.

Nhận định của CFR nằm trong phần dự báo tình hìnhchính trị khu vực Đông Nam Á trong năm 2018, vốn có những điểmđáng chú ý, nhưnhiều cuộc bầu cử quan trọng ở nhiều nước, cuộc chạy đua chức Tổng thống ở Indonesia, vấn đề tộc người Rohingya phải tị nạn vẫn tiếp diễn, và sự ổn định của khu vực ASEANbị ảnh hưởng bởi cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc.

Singapore làm Chủ tịch ASEAN

CFR đánh giá Singapore với khả năng ngoại giao điêu luyện bậc nhất trong khu vực thường được đánh giá là Chủ tịch ASEAN hoạt động hiệu quả nhất.

Sau một năm để Philippines giữ chức Chủ tịch, ASEAN vẫn chưa giải quyết được một vấn đề lớn là tìm cách đối phó với chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Khi chức Chủ tịch được chuyển giao cho Singapore, ASEAN được hi vọng sẽ tìm ra một cách tiếp cận chung cho vấn đề Biển Đông.

Không như Philipines có xu hướng “xoay trục” về Trung Quốc, Singapore ít nhất sẽ đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự tại các cuộc họp ASEAN.

Ngoài ra, nếu quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có bất cứ tiến bộ cụ thể nào, Singapore sẽ nắm lấy cơ hội để thúc đẩy tiến bộ này trở thành một quy tắc có tính ràng buộc về pháp lý.

Hơn nữa, Singapore cũng sẽ hành động để những công cụ giúp kiềm chế căng thẳng trên Biển Đông, như Bộ quy tắc ứng xử trong các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES)được sử dụng.

Marawi bị tàn phá sau cuộc giao tranh kéo dài 5 tháng - Ảnh: Philstar

Bước sang năm 2018, theo CFR, khu vực sẽ có những điểm đáng chú ý sau:

Bầu cử ở Malaysia, Thái Lan, Campuchia

Theo luật pháp Malaysia, chính phủ nước này phải tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia trước tháng 8.2018.

Trong thời gian qua, danh tiếng của Thủ tướng Najib tun Razak đã bị tổn hại nhiều, do dính cáo buộc tham nhũng sau vụ bê bối những khoản tiền mờ ám gần 700 triệu USD được chuyển vào tài khoản của Quỹ 1MDB, quỹ đầu tư nhà nước do ông Najib thành lập năm 2009.

Tuy nhiên, ông Najib và Tổ chức Thống nhất dân tộc Malay (UMNO) đã xây dựng nền tảng vững chắc để chiến thắng và tiếp tục nắm quyền. Cụ thể, lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim đang bị giam giữ, còn ông Mahathir Mohamad (93 tuổi), cựu Thủ tướng Malaysia, khó đảm nhiệm được trọng trách lãnh đạo phe đối lập.

Không những vậy, Najib và UMNO đang rất được người dân nước này ưa thích khi có những tuyên bố lấy lòng cộng đồng người Hoa, và không ngừng khẳng định ông Najib là người bảo vệ cho các giá trị tôn giáo và dân gian truyền thống của người Malay.

Tại Thái Lan, chính quyền quân sự hiện nay đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 11.2018. Theo CFR, sở dĩ quân đội nước này cuối cùng cũng chịu bầu cử là vì ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra đã bị loại bỏ, khi ông Thaksin và bà Yingluck đều đang lưu vong ở nước ngoài, còn Panthongthae (con trai ông Thaksin) đang dính nghi án rửa tiền. Vì vậy, đảng Vì nước Thái (Puea Thai) khó có được thành tích gì trong cuộc bầu cử quốc gia.

Campuchia cũng có một cuộc bầu cử quốc gia trong năm nay, dự kiến là vào tháng 7. Hiện đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập đã bị giải thể. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố không ủng hộ cuộc tổng tuyển cử này vì động thái giải thể đảng đối lập, nhưng Trung Quốc đã lên tiếng hứa viện trợ cho Campuchia tổ chức bầu cử.

Đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen được dự đoán sẽ tiếp tục giành chiến thắng

Chạy đua cho bầu cử Tổng thống Indonesia 2019

Dù vẫn còn 1 năm nữa mới đến bầu cử Tổng thống, nhưng các ứng viên đã bắt đầu chạy đua chuẩn bị. Thất bại của ông Purnama (còn gọi là Ahok) trong cuộc bầu cử thị trưởng Jakarta cho thấy:nếu một liên minh ủng hộ Hồi giáo được ủng hộ bởi những lãnh đạo chính trị có ảnh hưởng, thìcó thể chi phối cuộc bầu cử Tổng thống 2019.

Một liên minh như vậy sẽ giúp cho cựu tướng quân đội Prabowo Subianto (nếu ông quyết định tranh cử) trong bầu cử. Liên minh này có thể được triển khai bởi ông Anies Baswedan, thị trưởng Jakarta đương nhiệm.

Theo các cuộc thăm dò, hiện Tổng thống Joko Widodo vẫn đang được đánh giá cao hơn, nhưng để tái đắc cử thì ông phải thực hiện được nhiệm vụ khó khăn là lấy lòng các nhóm Hồi giáo bảo thủ.

Vấn đề người Rohingya

Vấn đề này xảy ra tại bang Rakhine, khi quân đội Myanmar tiến hành các chiến dịch trấn áp những cuộc tấn công của phiến quân Rohingya nhằm vào 30 chốt an ninh trong khu vực. Sau đó, nhiều người Rohingya đã rời Myanmar chạy sang Bangladesh. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, hơn 600.000 người Rohingya đã rời khỏi Myanmar kể từ tháng 8.2017.

Bangladesh và Myanmar được cho là đã thảo luận kế hoạch hồi hương người Rohingya, nhưng phía Myanmar dường như không muốn thực hiện bất kì cải cách nào ở bang Rakhine, chẳng hạn như bảo đảm an ninh cho người Rohingya khi trở về.

Do đó, số lượng người trong các trại tị nạn ở Bangladesh không giảm mà có nguy cơ tăng thêm vào năm 2018.

Lễ chuyển giao vị trí Chủ tịch ASEAN từ Philippines cho Singapore - Ảnh: Philstar

Con đường thương mại riêng

Khi Mỹ rút khỏi TPP và chuẩn bị “gây chiến” về thương mại với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đang cố tìm ra con đường thương mại của riêng mình. Singapore, Việt Nam, Brunei và Malaysia thúc đẩy ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Các nước khác, bao gồm Philippines, lại cởi mở hơn với Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) có sự tham gia của Trung Quốc.

Dù Mỹ đã ngỏ ý về khả năng kí kết một loạt các thỏa thuận thương mại song phương giữa Mỹ với từng nước, không nhiều quốc gia Đông Nam Á sẵn sàng để tham gia một thỏa thuận như vậy.

Bọn IS ở Đông Nam Á

Dùchính quyền Philippines đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Marawi và tiêu diệt được không ít đối tượng khủng bố, nhưng mối đe dọa do những nhóm phiến quân có liên hệ với bọnIS ở khu vực không hề giảm đi. Các nhóm này vẫn đang tiến hành chiêu mộ chiến binh ở khắp các nước Đông Nam Á.

Đáng chú ý, sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo bảo thủ, với tư cách là nhân tố lớn trong chính trường Indonesia, càng khiến nỗ lực tuyển mộ các chiến binh được hỗ trợ.

Cẩm Bình (theo Newsweek)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiếp tục phổ biến câu chuyện về ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế số nông thôn
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong quý 2.2024, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các câu chuyện về ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế số, xã hội số tại các vùng nông thôn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2018: Singapore làm chủ tịch ASEAN và những kỳ vọng về giải pháp chung cho Biển Đông