Trong 22 năm qua, kể từ khi áp dụng cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đến nay, chưa có một trường hợp nào nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với nhà nước, chỉ có nhà nước vẫn đang phải chi trả một số khoản nợ trong một số hợp đồng BOT”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nói.

'22 năm qua, chưa có nhà đầu tư PPP nào chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với Nhà nước'

20/11/2019, 14:53

Trong 22 năm qua, kể từ khi áp dụng cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đến nay, chưa có một trường hợp nào nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với nhà nước, chỉ có nhà nước vẫn đang phải chi trả một số khoản nợ trong một số hợp đồng BOT”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nói.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai - Ảnh: VPQH

Băn khoăn cơ chế chia sẻ rủi ro

Điều 77, điểm a khoản 2 dự luật PPP quy định khi doanh nghiệp dự án PPP hụt thu thì Chính phủ sẽ chia sẻ không quá 50% hụt thu; tại điểm b khoản 2 quy định khi tăng thu thì doanh nghiệp dự án chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu.

Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai băn khoăn về cơ chế chia sẻ rủi ro này. Theo bà Mai, việc dự luật cho phép chủ đầu tư tăng giá, tăng phí dịch vụ, kéo dài thời gian thu phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân, bởi chủ thể phải trả phí không phải là nhà nước mà là người dân.

“Khi đưa quy định này vào dự thảo luật, tôi nghĩ rằng chúng ta cần nhớ đến những phản ứng từ phía người dân ở các trạm thu phí đến những dư luận chưa tốt về một số dự án BOT trong thời gian qua”, bà Mai nói.

Bà Mai cũng lưu ý rằng cơ chế chia sẻ rủi ro này tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, bởi lẽ dự thảo luật quy định các dự án được chia sẻ rủi ro là những dự án quy mô lớn, những dự án trọng điểm. Thế nhưng điều đáng lo là dự luật vẫn chưa làm rõ nhà nước sẽ chia sẻ rủi ro bằng hình thức nào, nguồn sẽ lấy từ đâu, khi tác động đến nợ công thì xử lý như thế nào…

“Hiện nay, theo dự thảo luật, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán phần vốn đầu tư công mà không phải là kiểm toán toàn bộ dự án. Quy định này tạo ra bất cập, bởi vì không thể xác định toàn bộ rủi ro của dự án nếu như chỉ kiểm toán một phần vốn của dự án. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ thẩm định cơ chế áp dụng, vậy Bộ Tài chính có phải là cơ quan chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc xác định thực chất của rủi ro hay không? Đây cũng là điều chưa được làm rõ”, bà Mai chỉ ra.

Liên quan đến thẩm quyền, dự thảo luật quy định Chính phủ quyết định việc áp dụng cơ chế rủi ro. Tuy nhiên, bà Mai cho rằng đối với những mức chi trả lớn, tác động trực tiếp đến dự toán ngân sách hàng năm, đến ngân sách trung hạn, đến an toàn nợ công thì chắc chắn thẩm quyền không phải là của Chính phủ. Nhưng điều này dự thảo luật lại chưa quy định.

Đặc biệt, dự thảo luật có quy định trong trường hợp có lợi nhuận tăng thêm thì nhà đầu tư chia sẻ với nhà nước về lợi nhuận tăng thêm, tuy nhiên bà Mai khẳng định: “Trong 22 năm qua, kể từ khi áp dụng cơ chế PPP đến nay, chưa có một trường hợp nào nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với nhà nước, chỉ có nhà nước vẫn đang phải chi trả một số khoản nợ trong một số hợp đồng BOT”.

“Nhà nước chỉ bồi thường, chỉ hỗ trợ duy nhất trong trường hợp đó là do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật mà có tổn hại đến lợi ích của nhà đầu tư”, bà Mai nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho biết pháp luật đã quy định rõ cơ chế đấu thầu dự án, cơ chế minh bạch, công khai thông tin dự án, cơ chế lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở các thông tin cung cấp, doanh nghiệp đã tính toán kỹ, cân nhắc và tự nguyện tham gia.

Vì thế, bà Thủy cho rằng chỉ nên áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro trong những trường hợp khách quan như thiên tai hoặc chủ quan do cơ quan nhà nước thay đổi về quy hoạch, thay đổi về pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ...

“Nhưng chỉ áp dụng ở mức doanh thu chênh lệch thấp hơn doanh thu tính toán ở một tỷ lệ nhất định và cần xác định rõ thời điểm, giai đoạn cấp bù, cách tính và thời giá”, bà Thủy nói.

Cần kiểm toán toàn bộ các dự án PPP

Phát biểu tại hội trường Quốc hội về dự luật PPP, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cho biết, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, còn lại toàn bộ giá trị xây lắp và phương án tài chính thu phí Kiểm toán nhà nước không được kiểm toán.

“Vậy, cơ quan nào sẽ giúp Quốc hội kiểm soát vấn đề này”, đại biểu Thưởng đặt câu hỏi.

Theo đại biểu Thưởng, Nhà nước thực hiện đầu tư thông qua hợp đồng PPP với nhà đầu tư. Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó nhà nước cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được thu phí tổ chức, cá nhân sử dụng kết cấu hạ tầng với mức thu và thời hạn thu do nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Chi phí đầu tư là cơ sở để xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án.

“Vì vậy, nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì làm sao xác định được mức thu phí, thời gian thu phí đối với công trình là phù hợp”, đại biểu Thưởng phân tích.

Ông Thưởng cũng chỉ ra rằng trên thực tế, những năm gần đây, thông qua kiểm toán các dự án đầu tư theo phương thức BT, BOT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí giao thông đối với nhiều dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách nhà nước trong dự án BT số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

“Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được dư luận rất đồng tình, ủng hộ. Vậy, lý do tại sao dự thảo luật lại quy định không cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán dự án PPP như đang làm mà chỉ được kiểm toán với phần vốn do nhà nước hỗ trợ?”, đại biểu Thưởng chất vấn đề nghị ban soạn thảo dự luật xem lại vấn đề này.

Cũng theo đại biểu này, nếu quy định cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán cả phần vốn không phải do ngân sách hỗ trợ như hiện nay thì sao? Đã có trường hợp nào dự án PPP không thu hút được nhà đầu tư mà nguyên nhân là do sợ bị kiểm toán hay vì lý do Kiểm toán nhà nước quá tải hay không đủ nguồn lực để thực hiện kiểm toán?

Còn theo đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang), theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Luật Đầu tư năm 2019, đầu tư của nhà nước theo hình thức đối tác công tư là một hình thức của đầu tư công. Do vậy, tài sản hình thành từ dự án này là tài sản công, phải quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm toán theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, nghĩa là thuộc phạm vi kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

“Tôi cho rằng việc quy định cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán đối với toàn bộ dự án PPP bao gồm cả vốn không phải do nhà nước đầu tư và dự án PPP sẽ giúp cho nhà nước có thêm kênh giám sát đầu tư theo hình thức này và hiệu quả hơn, không làm ảnh hưởng đến sự thu hút của các nhà đầu tư tư nhân, công tác quản lý đầu tư cũng được thực hiện một cách minh bạch và đúng pháp luật”, đại biểu Lan góp ý.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'22 năm qua, chưa có nhà đầu tư PPP nào chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với Nhà nước'