Đối với người Việt, Vu lan không chỉ đơn thuần là một ngày lễ mang tính tôn giáo mà còn là dịp để những người con bày tỏ lòng tri ân đến bậc sinh thành. Nếu ai gắn lên ngực đóa hoa hồng đỏ trong dịp này thì họ chính là những người may mắn nhất khi vẫn còn cha mẹ trên đời.

3 cuốn tiểu thuyết hay dành cho mùa Vu lan báo hiếu

31/08/2017, 18:02

Đối với người Việt, Vu lan không chỉ đơn thuần là một ngày lễ mang tính tôn giáo mà còn là dịp để những người con bày tỏ lòng tri ân đến bậc sinh thành. Nếu ai gắn lên ngực đóa hoa hồng đỏ trong dịp này thì họ chính là những người may mắn nhất khi vẫn còn cha mẹ trên đời.

Dưới đây là 3 tựa tiểu thuyết dành cho bạn, những người con, trong mùa Vu lan như lời nhắc nhở về sự bao la của tình yêu thương như trời biển của cha mẹ.

Hãy chăm sóc mẹ

Hãy chăm sóc mẹ bắt đầu bằng sự kiện người mẹ đi lạc đường. Thông qua quá trình đi tìm mẹ của những người con trong gia đình, nhà văn Shin Kyung-sook đã khắc họa sinh động một Hàn Quốc đương đại với sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới. Từng mảnh ghép ký ức được kể lại bởi những người con đã khiến cho bất kỳ độc giả nào cũng đều cảm thấy được một phần của mình trong đó. Họ bị cuốn theo dòng cảm xúc của nhân vật để rồi tự đặt câu hỏi cho chính mình: "Liệu chúng ta có quá thờ ơ với mẹ hay không?".

Nhà văn Shin Kyung-sook

Xuất bản vào năm 2009, Hãy chăm sóc mẹ là một trong những tác phẩm văn học hay nhất về tình mẫu tử của xứ sở kim chi. Chỉ trong vòng vài tháng, cuốn tiểu thuyết này đã bán được hàng triệu bản và trở thành một hiện tượng trên khắp châu Á. Năm 2012, bản dịch tiếng Anh của nhà văn Chi-young Kim cũng đã giúp cho tác giả Shin Kyung-sook đoạt giải Man Asian Literary Prize. Bà là người phụ nữ đầu tiên làm được điều này.

Mẹ, thơm một cái

Nhà văn trẻ người Đài Loan Cửu Bả Đao khá nổi tiếng tại Việt Nam với cuốn tiểu thuyết Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi. Xuất bản vào năm 2013, Mẹ, thơm một cái là cuốn sách được viết theo dạng nhật ký mà Cửu Bả Đao đã ghi lại trong khoảng thời gian mẹ của anh chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.

"Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ,

tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ.

Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.

Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình".

Cửu Bả Đao là một hiện tượng của văn đàn Đài Loan

Thông qua ngòi bút của Cửu Bả Đao, mẹ của anh đã hiện ra như là một người phụ nữ đa tài, mạnh mẽ, chịu thương chịu khó và hết lòng chăm lo cho gia đình. Hoàn cảnh kinh tế không hề khá giả thế nhưng bà vẫn xoay sở được cho 3 cậu con trai học hành đến nơi tới chốn. Thậm chí, cha của Cửu Bả Đao còn sống dựa dẫm vào bà. Cực khổ trăm bề, chỉ có đến khi ngã bệnh thì bà mới có thể thật sự nghỉ ngơi và có được một giấc ngủ trọn vẹn. Mọi thứ trong nhà liền trở nên lộn xộn kể từ ngày bà ngã bệnh. Ai nấy đều phải hết sức vất vả mới có thể duy trì được nhịp sống như bình thường.

Mặc dù vậy, Mẹ, thơm một cái không hề ủy mị bằng những chi tiết bi quan hay kể khổ. Ngược lại, Cửu Bả Đao đã lồng ghép những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống nhằm khắc họa vẻ đẹp của tình thân, tình người và hơn cả thảy mọi thứ là tình mẫu tử.

Ba ơi, mình đi đâu?

So với 2 cuốn tiểu thuyết trên, Ba ơi, mình đi đâu? đen tối hơn rất nhiều. Đây là câu chuyện của những nỗi buồn không dứt của bệnh tật, của thất vọng... Và chúng được miêu tả một cách trần trụi đến đau lòng. Tuy nhiên, vượt qua tất cả những bi ai ấy, chúng ta vẫn luôn cảm nhận được rất rõ sức mạnh của tình cha dành cho con. Đó là sợi dây liên kết không thể nào đứt.

Sinh năm 1938, Jean-Louis Fournier là một nhà văn và đạo diễn truyền hình nổi tiếng người Pháp. Phong cách viết văn trào phúng của ông rất được yêu thích. Xuyên suốt sự nghiệp kéo dài nhiều thập kỷ của mình, Jean-Louis Fournier đã cho ra đời nhiều bộ phim và tiểu thuyết thành công. Tuy nhiên, điều tréo ngoe chính là tác phẩm được nhiều người biết đến nhất của ông lại là Ba ơi, mình đi đâu?, cuốn sách ông viết ở tuổi 70. Đây là lần đầu tiên Jean-Louis Fournier viết về 2 cậu con trai tật nguyền của mình, cũng là món quà ông dành tặng cho họ.

Jean-Louis Fournier nổi tiếng với cách viết trào phúng

Jean-Louis Fournier miêu tả việc có 2 đứa con trai tật nguyền giống như tận thế 2 lần vậy. Ông cũng không hề che giấu sự ích kỷ và yếu đuối của bản thân. Nhiều lúc, Jean-Louis Fournier đã nghĩ đến chuyện kết thúc mọi thứ, giải thoát cả ông và những đứa con kém may mắn khỏi nỗi thống khổ mà ông trời lạnh lùng giáng xuống. Trong những khoảnh khắc đen tối nhất, chính cái hy vọng nhỏ nhoi vẫn còn hiện hữu trong trái tim ông, xuất phát từ tình phụ tử, đã giúp ông vượt qua mọi thứ.

Ba ơi, mình đi đâu? đã lấy đi nước mắt của hàng triệu độc giả trên khắp thế giới và leo lên bảng xếp hạng sách bán chạy nhất suốt nhiều tuần liền. Ngoài ra, Jean-Louis Fournier còn giành được giải thưởng Femina danh giá vào năm 2008 cho tài năng của mình.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 cuốn tiểu thuyết hay dành cho mùa Vu lan báo hiếu