Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) Hoàng Đạo Cương cho biết lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chia làm 3 giai đoạn.

3 giai đoạn cho lộ trình đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Lam Thanh | 06/11/2021, 20:35

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) Hoàng Đạo Cương cho biết lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chia làm 3 giai đoạn.

3 giai đoạn đón khách du lịch quốc tế

Trả lời báo chí về việc thí điểm đón khách quốc tế tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6.11, Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Hoàng Đạo Cương cho biết Bộ VHTT-DL đã ban hành hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Trong hướng dẫn tạm thời này có 4 phần. Phần 1 là lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Thứ 2 là quy định về khách quốc tế. Thứ 3 là quy trình đón khách quốc tế. Phần 4 là tổ chức thực hiện.

Theo đó, lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ tháng 11.2021): Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại 5 khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.

Giai đoạn 2 (từ tháng 1.2022): Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ.

Theo đó, khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 5 địa phương ở giai đoạn 1, có thể bổ sung một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế sau khi khách du lịch đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày.

du-lich.jpg
Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Hoàng Đạo Cương - ảnh: VGP

Giai đoạn 3: Mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn này sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải là người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú tại nước ngoài.

Đối với khách quốc tế, yêu cầu có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 (đối với loại vắc xin 1 mũi) có hiệu lực đủ 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh; hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 6 tháng.

Khách cũng cần có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm).

Yêu cầu tiếp theo là có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD; phải tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Dự kiến thời gian đón khách quốc tế trong giai đoạn 1, từ 20.11.2021 đến 20.12.2021. Kiên Giang sẽ triển khai thực hiện theo lộ trình dự kiến, thực hiện các chuyến bay thử nghiệm. Đến giữa tháng 11.2021, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam dự kiến đón các chuyến bay thí điểm. Dự kiến đến tháng 12.2021, Quảng Ninh sẽ đón khách quốc tế đến sân bay quốc tế Vân Đồn.

Giá nguyên liệu tăng cao ảnh hưởng tới lạm phát

Trả lời về việc tăng giá nguyên liệu trên thế giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết nhiều mặt hàng, đặc biệt là giá nguyên liệu trên thế giới như xăng dầu, than, kể cả giá vận chuyển, không những tăng mà còn tăng rất cao. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến CPI.

Chỉ số CPI tháng 10 giảm 2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12.2020, tăng 1,77% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ - đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ.

Trong cả năm 2021 này, theo ông Hải, chắc chắn Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đã đề ra, CPI cả năm sẽ vào khoảng 2%. Bước sang năm 2022, trên thế giới và trong nước có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, khiến nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đồng thời sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát.

do-thang-hai.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

“Chắc chắn việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than… sẽ làm ảnh hưởng đến giá thành cao lên, chi phí sản xuất cũng cao lên, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Việc này cũng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta xuất khẩu sang các nước”, ông Hải nói.

Về giải pháp, ông Hải cho biết đối với mặt hàng xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã linh hoạt, hiệu quả sử dụng quỹ bình ổn giá. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trên thế giới tăng 59,08-76,03%. Tuy nhiên vì chúng ta sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 40,23-52,59%.

“Mặc dù đây vẫn là mức tăng rất cao và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân, nhưng đây cũng là sự cố gắng, nỗ lực của liên bộ và Chính phủ”, ông Hải nêu.

Với mặt hàng điện, ông Hải cho biết có 5 đợt hỗ trợ giảm giá trong năm 2020-2021, tổng số tiền hỗ trợ lên đến 16.650 tỉ đồng. Mặc dù, theo Quyết định 24 của Thủ tướng, khi giá các mặt hàng đầu vào tăng có thể điều chỉnh giá điện nhưng Bộ Công Thương và các bộ liên quan đã báo cáo Chính phủ để trong năm 2021 sẽ không tăng giá điện.

Sắp tới, ông Hải cho hay cần phải có giải pháp chính để kiểm soát lạm phát, đảm bảo nguồn cung hàng hoá cho nhu cầu. Theo đó, cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hoá, giảm áp lực lạm phát.

Song song với đó cần có thông tin kịp thời rõ ràng, chính xác về các chính sách chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.

Dự báo giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho rằng cần nỗ lực đàm phán để có được nguồn nguyên liệu thô để hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo ảnh hưởng ít nhất đến đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bài liên quan
An Giang: Tàu chở khách du lịch va chạm với phà, 3 người bị thương
Sáng 20.4, Công an xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) thông tin, trên địa bàn đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường thủy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 giai đoạn cho lộ trình đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam