Tuần trước, dư luận đang cuồng nhiệt với những trận bóng đá World Cup 2018 ở Nga, với sự thất bại bất ngờ của đội Argentina trước Croatia, hay chiến thắng đầy may mắn của Đức trước Thụy Điển thì có 1 sự kiện ít ai ngờ tới là 3 gương mặt trẻ được lên Nature.
Cụ thể, ngày 21.6.2018, một nghiên cứu về khoa học xã hội của Việt Nam đã được đăng trên tạp chí Palgrave Communications thuộc hệ thống Nature, được coi là “ông tổ” của các tạp chí khoa học.
Tên bài báo là “Sự nhạy cảm của người tiêu dùng dịch vụ sức khỏe đối với chi phí: góc nhìn kinh tế học hành vi từ thị trường mới nổi” (Healthcare consumers’ sensitivity to costs: a reflection on behavioural economics from an emerging marke - https://www.nature.com/articles/s41599-018-0127-3).
Điều đặc biệt là trong số bốn tác giả của bài nghiên cứu này có ba thành viên tuổi dưới 30 và đều chưa có bằng thạc sĩ.
Tạp chí Palgrave Communications (https://www.nature.com/palcomms/)
Palgrave Communications là tạp chí duy nhất trong hệ thống Nature chuyên xuất bản nghiên cứu về khoa học xã hội, nhân văn (bao gồm cả triết học) và kinh tế, thuộc loại “megajournal”. Nature có vài “megajournal”, và tương tự với nó bên khoa học tự nhiên, y học/sức khỏe, công nghệ là Nature Communications (https://www.nature.com/ncomms/), và một ấn phẩm khác cũng về khoa học tự nhiên và công nghệ là Scientific Reports (https://www.nature.com/srep/).
Hệ thống xuất bản Nature kiểm duyệt chất lượng rất gắt gao, do đó chỉ riêng việc nộp bài cũng có thể phải làm đi làm lại, nhất là khi chất lượng hình ảnh, chất lượng viết hay việc trình bày chưa đạt chuẩn “kiểm tra” đầu vào (gọi là quality check). Bản thảo, sau khi nộp, có thể bị trả lại vì muôn vàn lý do, và (các) tác giả phải đáp ứng, cho tới khi nhận được thông báo là đã nộp thành công.
Sau niềm vui “nộp thành công”, có thể chỉ 24 giờ sau sẽ nhận được thông báo từ chối xem xét ngay tại lượt đầu ở Ban biên tập, hay gọi vui là “loại ở vòng gửi xe”. Tỷ lệ “loại ở vòng gửi xe”, tức là không được gửi đi bình duyệt rất cao, khoảng 65%.
Số bài đăng trên các tạp chí thuộc hệ thống Nature đến từ Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết ở lĩnh vực khoa học tự nhiên và mỗi tác giả, hay nhóm tác giả, chỉ có được một bài.
Sự nhạy cảm của người tiêu dùng dịch vụ sức khỏe đối với chi phí…
Những phân tích thống kê cho thấy người không có bảo hiểm, đã kết hôn, và có công ăn việc làm ổn định, có xác suất sẵn sàng chi trả mức giácho dịch vụ tiêu dùng cao hơn. Một cách giải thích cho hiện tượng này là sử dụng lý thuyết trong kinh tế học hành vi về rủi ro: những người thuộc các nhóm trên có nhu cầu tránh rủi ro cao, vì vậy họ sẵn sàng trả mức phí cao hơn để có được nhiều thông tin hơn về sức khỏe bản thân.
Nói cách khác, nghiên cứu đưa ra bằng chứng thực nghiệm về giá trị của dịch vụ khám sức khỏe tổng quan trong việc giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Điều này đi ngược lại với một số nghiên cứu phủ nhận giá trị của GHE (dịch vụ khám sức khỏe tổng quan - General Health Exam), và khuyến khích từ bỏ dịch vụ này.
Một điểm mạnh của nghiên cứu mới là giá trị bổ sung vào tổng quan lý thuyết liên quan đến GHE theo hai ý nghĩa: một là tổng quan lý thuyết về GHE vốn đang lệch về phía phương Tây, và chưa có nhiều nghiên cứu dành cho các nước đang phát triển như Việt Nam,hai là các nghiên cứu về GHE trước đây thường tập trung vào khía cạnh những yếu tố có thể dự báo việc tham gia khám sức khỏe tổng quan. Đây có lẽ là một trong số ít nghiên cứu tìm hiểu về mức giá người tiêu dùng sẵn sàng trả cho dịch vụ này.
Các tác giả chưa đến tuổi “tam thập nhi lập”
Hồ Mạnh Tùng
28 tuổi, sau gần 2 năm làm việc tại Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hiện đang theo học chương trình thạc sĩvề Văn hóa và Xã hội tại Đại học Ritsumeikan Asia Pacific Univeristy, tỉnh Oita, Nhật Bản. Anh đã tham gia viết 9 bài báo khoa học thuộc danh sách ISI/Scopus, và là trưởng môn của một môn phái võ Việt tại Oita. Trong bài báo này, anh tham gia vào quá trình sửa bản thảo ở hai vòng phản biện.
Nguyễn Tô Hồng Công
28 tuổi, vợ của Hồ Mạnh Tùng, tốt nghiệp cử nhân Triết học và Khoa học chính trị từ Đại học Columbia (nằm trong Top 8 trường đứng đầu về khoa học xã hội của Mỹ) năm 2012, và làm biên tập chính cho Công ty Toàn Việt, chuyên về theo dõi thông tin truyền thông trong nước. Cô đã tham gia ba bài nghiên cứu thuộc danh sách ISI/Scopus, và hiện đang nuôi con nhỏ. Trong bài báo này, cô cũng tham gia vào quá trình sửa bản thảo ở hai vòng phản biện.
Vương Thu Trang
20 tuổi, hiện đang là sinh viên năm thứ hai tại phân viện Dijon của Sciences Po Paris (Học viện Chính trị Quốc gia Paris – trường đứng thứ 4 toàn cầu về chính trị và quan hệ quốc tế, nơi đào tạo chính trị gia của châu Âu với hầu hết các tổng thống Pháp đều tốt nghiệp tại trường này). Cô là người viết bản thảo đầu tiên.
Cô bắt đầu tiếp xúc với môi trường học thuật từ khoảng lớp 11, qua việc tham gia vào các công tác phụ trong một số dự án của TS Vương Quân Hoàng, và dần tìm thấy niềm yêu thích với nghiên cứu khoa học, đặc biệt là sử dụng các phương pháp thống kê định lượng. Cô tham gia khoảng chục công trình đăng trên các tạp chí thuộc ISI/Scopus.
Vương Thu Trang thích vẽ. Cô đã thu được một số tiền từ làm truyện tranh trong dự án với 30 bạn khác, và dành số tiền kiếm được góp cho quĩ từ thiện của Bill Gate.
Được hỏi tại sao có 3 bài solo trên The Nature rồi mà lần này lại tham gia trong vai trò người tổ chức, TS Vương Quân Hoàng nói: “Tôi chỉ là người mở đường, còn bước tiếp và bước xa là nghĩa vụ của các nhà nghiên cứu trẻ".
Huỳnh Phan