Nếu muốn tìm hiểu về nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ, đây chính là những tựa phim bạn nên xem.

3 phim tài liệu trên Netflix giúp bạn hiểu rõ về nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ

16/06/2020, 09:45

Nếu muốn tìm hiểu về nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ, đây chính là những tựa phim bạn nên xem.

Explained: The Racial Wealth Gap

The Racial Wealth Gap là tập đầu tiên trong loạt phim khoa học Explained gồm nhiều mùa do Netflix tự sản xuất. Người dẫn là nữ diễn viên Samira Wiley với sự tham gia chia sẻ của thượng nghị sĩ Cory Booker – một người Mỹ gốc Phi, giáo sư luật Mehrsa Baradaran của đại học California và giáo sư Xã hội học Thomas Shapiro của đại học Brandeis.

Có thời lượng khá ngắn (16 phút), The Racial Wealth Gap giúp người xem có cái nhìn chi tiết về nguyên nhân đã dẫn đến khoảng cách giàu nghèo giữa người Mỹ da trắng và người Mỹ gốc Phi hiện nay. Đây là hệ quả từ chế độ nô lệ mặc dù chế độ phi nhân tính này đã được bãi bỏ từ tận thế kỷ 19. Bên cạnh đó, các chính sách kinh tế bất bình đẳng của chính phủ Mỹ dành cho người gốc Phi cũng góp phần không nhỏ.

Điểm mạnh nhất của loạt phim Explained là những số liệu khô khan được minh hoạ bằng hình ảnh sống động, dễ hiểu. Nó hoàn toàn phù hợp với mọi đối tượng muốn tìm hiểu về lịch sử cũng như các vấn đề nhức nhối trong xã hội đương đại.

13th

Ava DuVernay (sinh năm 1972) là một người kể chuyện đại tài và đầy đam mê về cuộc đời của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Năm 2014, cô đã trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên thắng giải cao nhất của LHP Venice và nhận đề cử Oscar tại hạng mục “Best Picture” với Selma – phim nói về cuộc biểu tình lịch sử tại cây cầu Selma do Martin Luther King dẫn đầu.

Hai năm sau, Ava DuVernay hợp tác với Netflix cho ra đời phim tài liệu 13th. Lần này, cô tập trung khai thác tình trạng bắt giam hàng loạt người gốc Phi tại Mỹ trong vài thập niên gần đây.

Tựa “13th” lấy từ tu chính án 13 được thông qua vào năm 1865 bãi bỏ chế độ nô lệ. Ava DuVernay cho rằng nỗ lực của Tổng thống Abraham Lincoln đã bị lật ngược ngay sau cái chết của ông. Người gốc Phi từ nô lệ đã nhanh chóng trở thành tội phạm nhằm đáp ứng cho các yêu cầu về kinh tế. Trong đó, chính phủ và truyền thông, đặc biệt là Hollywood, đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Phim The Birth of a Nation – “bom tấn” đầu tiên của Hollywood được xem là nguyên nhân dẫn đến sự hồi sinh của tổ chức KKK cũng như khắc hoạ đàn ông gốc Phi là “những kẻ đồ tể chuyên hiếp dâm phụ nữ da trắng”.

Có một cảnh trong phim khi nhiều cảnh sát trấn áp một người gốc Phi, ông ấy đã nói rằng “Tôi không thể thở” (“I can’t breathe”) – tương tự như những gì đã diễn ra với George Floyd. Có thể nói. 13th giống như lời cảnh báo của Ava DuVernay dành cho chính phủ Mỹ đương nhiệm. Việc từng có một Tổng thống gốc Phi chưa bao giờ là đủ để xoá bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc tại quốc gia này. Nó là hệ quả từ nạn kỳ thị đã kéo dài hàng trăm năm và cần thêm nỗ lực từ nhiều phía để phá bỏ.

13th đã lọt vào danh sách đề cử Oscar hạng mục “Best Documentary” nhưng thua về O.J.: Made in America. Trên Rotten Tomatoes, nó đạt 93% “độ tươi”

The Death and Life of Marsha P. Johnson

Rạng sáng ngày 28 tháng 6 năm 1969, cảnh sát đã bất ngờ ập vào quán rượu Stonewall ở thành phố New York và bắt bớ vô cớ nhiều khách hàng của quán. Vào thời điểm đó, hành động này của cảnh sát diễn ra khá thường xuyên và các mục tiêu thường là các địa điểm giải trí dành riêng cho cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới).

Bất mãn trước sự ngang ngược và thái độ kỳ thị của cảnh sát, một nhóm khách LGBT đã sử dụng bạo lực để phản đối. Marsha P. Johnson là một trong những người đầu tiên. Sự việc này nhanh chóng thu hút sự chú ý và châm ngòi cho một chuỗi các cuộc bạo loạn diễn ra ở khắp nơi. Đây cũng là lúc phong trào đấu tranh giành quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT ra đời.

Nhằm kỷ niệm vụ bạo động tại quán rượu Stonewall, tháng 6 hằng năm đã được chọn là “Tháng tự hào” của cộng đồng LGBT với rất nhiều hoạt động ăn mừng được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới.

Trong nhiều năm, Marsha P. Johnson – một phụ nữ da đen chuyển giới và drag queen – được xem là biểu tượng của phong trào LGBT tại Mỹ và rất nổi tiếng trong cộng đồng. Thậm chí, cô còn được gán cho danh hiệu “thị trưởng của đường Christopher” (nơi tọa lạc của quán rượu Stonewall).

Đáng tiếc, Marsha P. Johnson đã qua đời vào năm 1992 tại New York. Theo nhận định của cảnh sát, nguyên nhân là do tự tử - hệ quả từ tuổi thơ bị lạm dụng. Mặc dù vậy, nhiều người lại có suy nghĩ khác.

Do David France đạo diễn, The Death and Life of Marsha P. Johnson tái điều tra cái chết của Marsha P. Johnson thông qua góc nhìn của nhà hoạt động quyền LGBT Victoria Cruz với nhận định cho rằng cô ấy đã bị giết. Bên cạnh việc khắc họa nạn phân biệt và đối xử cộng đồng LGBT trong thập niên 1960, bộ phim này còn cho người xem thấy rõ nạn kỳ thị nhắm tới người Mỹ gốc Phi.

Trên Rotten Tomatoes, The Death and Life of Marsha P. Johnson nhận được 96% “độ tươi” với lời khen ngợi đến từ nhiều tờ báo uy tín.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
28 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 phim tài liệu trên Netflix giúp bạn hiểu rõ về nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ