New Wave – trào lưu mang tính biểu tượng trong lịch sử điện ảnh thế giới, cũng là ‘đại diện’ xuất chúng phản ánh nền điện ảnh, nhiếp ảnh và mỹ thuật Pháp. Tựa sách nghệ thuật độc đáo ‘French New Wave: A Revolution in Design’ giúp tái hiện cảm nhận rực rỡ, quyến rũ nhưng không kém phần hiện thực của dòng phim đặc sắc này.

Làn sóng phim Pháp kinh điển nóng bỏng được ‘hồi sinh’?

13/06/2020, 18:58

New Wave – trào lưu mang tính biểu tượng trong lịch sử điện ảnh thế giới, cũng là ‘đại diện’ xuất chúng phản ánh nền điện ảnh, nhiếp ảnh và mỹ thuật Pháp. Tựa sách nghệ thuật độc đáo ‘French New Wave: A Revolution in Design’ giúp tái hiện cảm nhận rực rỡ, quyến rũ nhưng không kém phần hiện thực của dòng phim đặc sắc này.

French New Wave, (tên gốc: ‘La nouvelle vague’, tức ‘Làn sóng phim Pháp tân thời’) là một trong những trào lưu có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử điện ảnh. Chối bỏ thứ ngôn ngữ nghệ thuật mang tính quy cũ trước đó, một tác phẩm New Wave thành hình hoàn toàn từ góc nhìn của nhà làm phim, truyền tải dấu ấn cá nhân theo phương thức dàn dựng đặc trưng.

‘Le Mépris’ (1963). Họa sĩ: Georges Allard.

‘Les Parapluies de Cherbourg’ (1964). Họa sĩ: Kazuo Kamimura.

New Wave từng tạo nên thành công cho hàng loạt tên tuổi xuất chúng của điện ảnh Pháp: Jean-Luc Godard, François Truffaut, Agnès Varda, Jacques Rivette, và William Klein. Thế nhưng cả khi thời hoàng kim đã qua, cảm hứng sáng tạo từ nhiều bộ phim New Wave vẫn hiện hữu đến tận ngày nay.

Trong cuốn sách ảnh công phu vừa phát hành, ‘French New Wave: A Revolution in Design’ (nhà xuất bản Reel Art Press, Anh), tổng biên tập Tony Nourmand tiết lộ cách vô số poster phim New Wave có thể trở nên giá trị - đáng nhớ chẳng kém chính tác phẩm nó đại diện. Nhiều bối cảnh, nhân vật đã tồn tại sống động nhờ tài năng mỹ thuật, kết hợp cùng nhiếp ảnh và thiết kế đồ họa.

Đại diện điển hình cho New Wave thường gồm những dự án sản xuất bởi công ty phim độc lập, nhỏ lẻ. Yếu tố vốn cho phép họa sĩ vẽ poster khả năng tự do sáng tác, để ‘chuyển hóa’ câu chuyện trên màn bạc thành tấm tranh rực sắc, quyến rũ mắt nhìn.

Nghệ sĩ họa hình poster dòng phim New Wave, trên thực tế, đã góp phần ‘gieo mầm’ một thứ phong cách mỹ học gợi cảm, về sau chính là tiền đề khai sinh hàng loạt xu hướng nghệ thuật đương đại nổi tiếng, từ Pop Art, trường phái nhiếp ảnh ‘chắp ghép’ (*photomontage) và thậm chí truyện tranh minh họa, thông qua những phương tiện sáng tác cực kì đơn giản, tưởng chừng như luôn bị xem nhẹ.

‘La Chinoise’ (1967). Họa sĩ Kiyoshi Awazu.

‘Un Homme et une femme’ (1966). Họa sĩ: René Ferracci.

‘Zazie dans le métro’ (1960). Họa sĩ: Bruno Rehak.

“Có vô vàn thông tin về những đạo diễn gạo cội như Goddard, Truffaut, hay trào lưu New Wave nói chung, nhưng trước đây chưa có ai tập hợp tất cả poster phim lại, ngắm nhìn chúng như một series tác phẩm mỹ thuật thật sự”, biên tập viên Nourmand, người đã có nhiều năm theo đuổi đam mê sưu tập poster điện ảnh, lý giải.

“Tôi đã ấp ủ dự án sách ảnh này trong 12 năm. Khi còn là một nhà buôn tranh poster, điều yêu thích nhất của tôi là được tìm hiểu về những họa sĩ phía sau chúng, họ đã sáng tác thế nào, cùng dấu ấn riêng biệt ở họ”.

‘Lola’ (1961). Họa sĩ: Maciej Hibner.

‘Made in USA’ (1966). Họa sĩ: Angelo Cesselon.

Thay vì tập trung vào những dự án phim, nội dung cuốn sách được soạn theo hướng giới thiệu từng họa sĩ, giúp người đọc khám phá cách, nét tài hoa của một cá nhân đơn lẻ có thể giúp định hình cả một làn sóng nghệ thuật thú vị ra sao. Trước kỉ nguyên truyền thông đương đại, khi studio sản xuất kiểm duyệt gắt gao quy trình thiết kế poster phim, trào lưu New Wave ‘chào đón’ một xu hướng quảng bá điện ảnh cách tân, đậm chất ‘thơ’ hơn.

‘Le Testament d’Orphée’ (1960). Họa sĩ: Jean Cocteau.

Ở vài trường hợp, chính đạo diễn phim – nhân vật mà ‘cái tôi’ nghệ thuật có tác động lớn nhất để hoàn thiện một tác phẩm New Wave, cũng tham gia dựng poster. Tiêu biểu là sáng tác của thi sĩ, học giả Jean Cocteau, một ‘tượng đài’ trong nền nghệ thuật Pháp. Cocteau từng vẽ poster quảng bá cho tác phẩm chính kịch kỳ ảo do ông dàn dựng năm 1960, ‘Le Testament d’Orphée’ (‘Chúc thư của Orpheus’). Phim có sự góp mặt của hai mỹ nhân Pháp - cựu Hoa hậu Pháp Claudine Auger và minh tinh Marie Déa, cùng họa sĩ Pablo Picasso trong một vai phụ.

Sức hút từ những bức poster quảng cáo phim biến chúng thành ‘cầu nối’ liên kết đa dạng trường phái nghệ thuật, từ bình dân, giản dị đến phức tạp và hào nhoáng.

Nourmand bày tỏ, “Tôi luôn muốn so sánh nghệ thuật vẽ poster phim với câu thoại này trong ‘Sunset Boulevard’ (*tác phẩm trinh thám kinh điển của đạo diễn bậc thầy Billy Wilder), cảnh khi William Holden nói: ‘Khán giả không cần hiểu để làm ra một tác phẩm, đã có ai đó ngồi xuống và vẽ nên một viễn cảnh. Họ nghĩ diễn viên tự nghĩ ra mọi thứ và chỉ diễn theo như thế. Tương tự, rất nhiều tâm tư, công sức, sự sáng tạo được ‘đổ vào‘ những bức poster. Trong khi có những người xem chúng như thứ hiển nhiên, với tôi, chúng chính là nghệ thuật’”.

‘Orfeu Nefro’ (1959). Họa sĩ: Lajos Görög.

Le Mépris’ (1963). Họa sĩ: Janusz Rapnicki.

Như Ý (tin, ảnh: HuckMag)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làn sóng phim Pháp kinh điển nóng bỏng được ‘hồi sinh’?