Bữa đó về quê đám giỗ, gặp dì Năm ở xóm dưới. Dì thấy tôi liền kéo lại “khoe” chị Bé Ba con của dì vừa gửi về được mười mấy triệu đồng. Dì dùng số tiền đó sửa lại cái mái nhà, hổm rày mưa dột quá. Số còn lại dì với dượng Năm chi tiêu, dè sẻn theo mức ở quê chắc cũng xài được vài tháng…

30.000 USD và những giấc mơ lạc lối

24/07/2020, 11:08

Bữa đó về quê đám giỗ, gặp dì Năm ở xóm dưới. Dì thấy tôi liền kéo lại “khoe” chị Bé Ba con của dì vừa gửi về được mười mấy triệu đồng. Dì dùng số tiền đó sửa lại cái mái nhà, hổm rày mưa dột quá. Số còn lại dì với dượng Năm chi tiêu, dè sẻn theo mức ở quê chắc cũng xài được vài tháng…

Nhiều thôn nữ bỏ xứ ly hương, đổi lại thu nhập cũng chẳng là bao - Ảnh: Chí Hùng

Tôi chân thành chúc mừng dì có được đứa con gái hiếu thảo, chịu thương chịu khó đi làm ăn xa gửi tiền về lo cho cha mẹ già. Từ tết tới giờ, dịch COVID-19 hoành hành quá đỗi, các công ty đều điêu đứng, đa số đóng cửa thời gian dài. Vậy mà chị Bé Ba vẫn kiếm được công ty trên Bình Dương để làm, rồi còn tích cóp được ngần ấy tiền gửi về, phải nói là một kỳ tích.

Chị Bé Ba cũng như hàng ngàn, hàng vạn phụ nữ ở quê tôi và trên khắp mọi miền đất nước, tuy đến tuổi dựng vợ gả chồng rồi nhưng gác qua một bên chuyện tình duyên, lặn lội lên thành phố làm thuê kiếm tiền lo cho gia đình. Hằng ngày, họ phải thức dậy từ rất sớm, ăn vội chén cơm nguội, gói xôi hay ổ bánh mì gì đó, rồi tất tả vào ca.

Giờ nghỉ trưa, họ cũng ăn uống qua loa, rồi ngả lưng vật vạ đâu đó, để chờ vào ca chiều. Tan ca, có người chạy ra chợ chồm hổm gần công ty, mua một ít rau củ cá mắm nấu bữa cơm muộn vội vã cho đỡ nhớ những bữa cơm gia đình nơi thôn xóm. Có người thì ghé mua hộp cơm về phòng trọ, nuốt từng muỗng cơm khô khốc khó nhọc.

Buổi tối, trong những căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp và đầy tiếng ồn, họ gọi điện về nói vài điều với người quê, hỏi thăm từng góc sân chái bếp, nghe dặn dò phải biết giữ thân nơi đất khách quê người. Rồi họ chìm vào giấc ngủ mệt nhọc sau vài cú lướt điện thoại, để sáng hôm sau lại tiếp tục vào ca. Với những ai tăng ca thì có khi tối mịt mới về tới phòng, mệt rã rời và chỉ ngả lưng xuống là ngủ.

Tôi có nhiều bà con đi làm trên các khu công nghiệp ở Bình Dương, Sài Gòn và Long An. Thỉnh thoảng, tôi có ghé qua, ở chung khu trọ của công nhân vài hôm nên phần nào hiểu được đời sống cơ cực của họ. Tưởng đâu phải ly hương xa xứ mưu sinh, phải làm việc vất vả như thế thì thu nhập khá lắm. Hỏi ra mới biết, đa số thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Trừ hết chi phí ở trọ, điện nước, ăn uống, sinh hoạt... mỗi người hằng tháng dư được chỉ tầm 1 - 2 triệu đồng. Ai tăng ca được thì thu nhập cao hơn đôi chút, nhưng sức khỏe nhanh chóng kiệt quệ. Cứ như là bán sức khỏe, bán tuổi trẻ để kiếm một ít tiền.

Dù vậy, người trẻ khắp nơi vẫn “trôi” về các khu công nghiệp ở những đô thị lớn. Họ đi vì không sống nổi cuộc sống bấp bênh ở quê nhà, nơi tính mãi chưa xong bài toán “được mùa mất giá”. Họ phải đi vì ở nhà còn mấy đứa em nheo nhóc cần được ăn no mặc ấm, cần được học hành. Đi vì cha mẹ già yếu làm lụng không nổi, lại còn nay ốm mai đau không tiền thang thuốc. Đi vì căn nhà xiêu vẹo không che chắn được gió mưa. Và đi vì rất nhiều, rất nhiều nguyên nhân khác nữa.

Tôi thấy thương và cũng thấy phục những người lao động chân chính ấy. Dù nghèo khó đến mấy, họ vẫn chấp nhận lao động nhọc nhằn để kiếm từng đồng từng cắc mưu sinh. Họ thường mặc những bộ đồ vấy bẩn do làm việc ở công ty. Họ không có thời gian chăm chút vẻ bề ngoài nên đôi khi nhìn họ quê mùa lam lũ. Nhưng tâm hồn của họ đẹp. Nghĩ đến chị Bé Ba cũng như những cô gái miền Tây lên thành phố làm ăn, tôi cảm thấy thán phục.

Rồi mấy ngày qua, đọc được thông tin những người mẫu, hoa hậu, “hot girl” ở thành phố bán dâm mỗi lần với giá mấy chục ngàn đô la, nghe nói đổi ra tiền Việt lên đến sáu, bảy trăm triệu đồng mà tôi thấy choáng váng. Ở đây, tôi không dám lạm bàn về khía cạnh luật pháp hay đạo đức. Tôi chỉ thấy lo sợ hiệu ứng tiêu cực mà hiện tượng này sẽ giáng xuống xã hội của ta.

Ngay sau khi vụ việc này được đưa ra ánh sáng, rất nhiều người đã bình luận trên các mặt báo, trên mạng xã hội. Đa số cho rằng, sáu, bảy trăm triệu là cả 1 gia tài. Nói cách khác, một lần “đi khách” của “chân dài” kiếm được số tiền bằng công sức lao động hàng chục năm, thậm chí cả đời của không ít người dân.

Có bạn hài hước bảo, bạn đã học hành nghiêm túc 12 năm phổ thông và 4 năm đại học, ra trường may mắn xin được việc làm với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Trừ các chi phí ăn ở sinh hoạt một cách tiết kiệm nhất, mỗi tháng bạn dư được khoảng 1 triệu đồng. Vậy thì, để có được số tiền như một lần “đi khách” của “hot girl”, bạn phải cực lực làm việc 600 - 700 tháng nữa. Ôi, lúc đó chắc bạn đã già rồi! Có anh chàng nọ cay đắng kêu lên: “Đi làm hồ nắng vỡ mặt, làm quần quật cả tháng chưa chắc dư nổi 5 triệu. Sao cuộc đời nó bất công vậy chớ!”...

Nếu để ý kỹ ta sẽ thấy, đa số những người bình luận trên các mặt báo, trên mạng xã hội về chuyện người mẫu bán dâm ngàn đô đều là đấng nam nhi. Phải chăng cánh đàn ông “mặn” với chuyện này, còn chị em phụ nữ thì không bận tâm cho mấy? Tôi không nghĩ vậy. Trong nhiều chuyện, phụ nữ thường không phô ra ý nghĩ, nhưng chưa chắc họ không quan tâm.

Tôi nhớ hơn chục năm trước, khi có vài chị đi lấy chồng Đài Loan, tụi con trai trong xóm bàn tán xôn xao lắm. Đến khi các chị này hồi hương, trên người đeo vòng vàng lủng lẳng, dẫn theo ông chồng ngơ ngơ ngác ngác nói mấy câu xí xô xí xào, cánh đàn ông vẫn bàn luận rất hăng say. Chị em phụ nữ trong xóm thì hầu như không nói gì, hoặc ít nói. Thế nhưng, chỉ ít tháng sau, lần lượt hết người này đến người khác, hết xóm này đến xóm khác, chị em lũ lượt kéo nhau đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc.

Bắt đầu có những cảnh báo về nạn bạo lực gia đình, nạn phụ nữ Việt bị hành hung nơi đất khách quê người, thậm chí nhiều chị chịu không nổi phải nhảy lầu tự tử. Nhưng cảnh báo vô hiệu. Các chị vẫn dấn thân, vẫn chấp nhận đến cái nơi xa xôi mà có giàu tưởng tượng cách mấy thì 1 cô gái quê vẫn không thể tưởng tượng ra. Các chị chấp nhận sống giữa một rừng người xa lạ từ lời ăn tiếng nói đến tập quán phong tục. Chấp nhận nuốt nước mắt, nuốt cay đắng với một tham vọng duy nhất đó là “đổi đời”.

Giờ đây, miền Tây đi đâu cũng thường nghe nhắc nào là “đảo Đài Loan”, “xóm Hàn Quốc”, “cồn Việt kiều”... Đó là những cụm từ định danh cay đắng đang tồn tại giữa một miền Tây vốn dĩ hiền hòa, yên bình. Nhưng thật khó để thay đổi hiện thực. Khi cuộc sống quá bấp bênh, người ta có quyền mơ một giấc mơ khác.

Vậy, những nữ công nhân đang lao khổ tăng ca, đang ngày đêm sống chật vật trong các khu nhà trọ tồi tàn, họ có bao giờ mơ một giấc mơ như các “hot girl ngàn đô” không? Trong lúc quá khổ cực mưu sinh, liệu các chị, các em có chạnh lòng nghĩ chỉ cần được giá cỡ 1% các “hot girl” kia thôi cũng bằng 1 tháng lương công nhân? Các cô có khi nào thấy tủi thân khi thanh xuân của mình vùi chôn trong nhà máy hay trên nương rẫy, ruộng đồng mà vẫn túng thiếu; còn người ta thì chưng diện lộng lẫy quần là áo lược kiếm tiền tỉ mỗi ngày?

Chắc không ít những cô gái, trong lúc điểm phấn tô son, chợt nhận thấy nhan sắc mình cũng kiêu sa không kém gì ai và bắt đầu chập chờn những giấc mơ lạc lối? Các bà mẹ quê thấy con mình vất vả, liệu có mong con mình được “đổi đời”?... Những câu hỏi này thật khó trả lời, thật đắng cay. Và chắc chắn nó sẽ còn là nỗi nhức nhối lâu dài của xã hội ta, bởi hiệu ứng tiêu cực mà vụ “bán dâm chục ngàn đô” vừa qua giáng xuống.

Tôi nhớ mấy năm trước có 1 bộ phim do Pháp sản xuất, kể về 1 nữ sinh viên vì nghèo túng quá nên đánh liều đi bán dâm để kiếm tiền trang trải cho chuyện học hành. Cô ta lập tức được săn đón. Thoạt đầu, cô ta choáng ngộp bởi số tiền kiếm được nhiều quá và có vẻ dễ dàng quá. Nhưng dần dần, cô nhận ra sự giày vò của những kẻ mua dâm lên thân xác cô, lên nhân phẩm cô.

Cô bỗng thấy ghê tởm với mọi thứ, kể cả số tiền cô kiếm được, kể cả bản thân cô. Cô muốn rũ bỏ hết thân phận, để trở về làm 1 sinh viên bình thường như trước đây. Nhưng tất cả đã muộn. Cô có thể trốn tránh mọi thứ nhưng không thể trốn tránh chính bản thân mình, không thể gột gửa tấm thân hoen ố. Bế tắc, cô chọn lấy cái chết.

Kết thúc bi đát phát xuất từ 1 giấc mơ lạc lối, đó chính là thông điệp mà những người làm phim muốn gửi gắm. Không hiểu sao lúc này đây, tôi muốn những người như chị Bé Ba con dì Năm xóm tôi hay các nữ công nhân trong các khu nhà trọ trên thành phố hãy xem qua phim ấy một lần. Xem để đừng bị chuyến xe ảo vọng cuốn vào hố thẳm. Xem để thấy rằng trong cuộc đời này, chỉ cần được là chính mình thôi, là 1 con người phẩm hạnh và giàu lòng tự trọng thôi là đáng quý hơn biết bao kim tiền vật chất.

Còn tôi, tôi thiết tha nguyện cầu rằng, trên thế gian này, càng ít người mắc sai lầm như cô gái kia càng tốt, bởi có những sai lầm, mãi mãi ta không thể nào khắc phục lại được.

Trương Chí Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
30.000 USD và những giấc mơ lạc lối