Trên CNTraveler, một blogger du lịch người Mỹ gốc Việt là Dan Q Dao đã có bài viết thể hiện cái nhìn của thế hệ Việt kiều sinh ra tại Mỹ về cố hương. Họ muốn tìm về Việt Nam mới theo cảm nhận của riêng mình chứ không muốn chịu "định hướng" từ "thế hệ chiến tranh". Một Thế Giới xin lược dịch:

Tâm sự của một Việt kiều thế hệ sinh tại Mỹ: Tại sao tôi trở lại Việt Nam?

23/07/2020, 13:40

Trên CNTraveler, một blogger du lịch người Mỹ gốc Việt là Dan Q Dao đã có bài viết thể hiện cái nhìn của thế hệ Việt kiều sinh ra tại Mỹ về cố hương. Họ muốn tìm về Việt Nam mới theo cảm nhận của riêng mình chứ không muốn chịu "định hướng" từ "thế hệ chiến tranh". Một Thế Giới xin lược dịch:

Việt Nam đang là nền kinh tế năng động hàng đầu - Ảnh: Internet

Cha mẹ tôi quyết định cho tôi về Việt Nam lần đầu tiên khi tôi lên 10. Nhìn lại, đó có lẽ là một quyết định khó khăn. Rốt cuộc, cả mẹ và cha đều rời khỏi Việt Nam năm 1975 khi họ còn nhỏ tuổi do gia đình lo sợ về tương lai dưới chế độ Cộng sản. Sau đó, họ gặp nhau khi còn là sinh viên tại Đại học Austin, rồi họ chuyển đến Houston và nuôi nấng tôi và em trai tôi như những người Mỹ độc lập, tự do.

Thời gian của chuyến đi đầu tiên của tôi không đến ngẫu nhiên. Đầu năm đó, mẹ tôi cùng với các nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Việt khác ở Houston đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để xây dựng trường học và cải thiện giáo dục ở nông thôn Việt Nam. Chúng tôi đã đi thăm thú với các tình nguyện viên để xem qua việc hoàn thành một trong những ngôi trường đầu tiên của chúng tôi, được đặt trên một cù lao ở tỉnh Đồng Tháp. Chỉ có phim Chiến tranh Việt Nam và các ấn phẩm phương Tây khác đọng trong suy nghĩ của tôi khi ấy và tôi đã miễn cưỡng với chuyến đi đáng nhớ này.

Nhưng hai tuần và hàng chục trải nghiệm sau đó đã thay đổi tôi. Trên chuyến bay 20 giờ trở về Mỹ, tôi đã ghi lại trải nghiệm của mình để sau đó trở thành bài viết du lịch đầu tiên của tôi, được đăng trên một tờ báo tiếng Việt. Nhiều quan sát của tôi trở thành chất liệu thường được các cây viết phương Tây sử dụng khi mô tả du lịch Việt Nam như vũ điệu gây choáng của dòng xe máy ngay những giây đầu khi bạn đến Sài Gòn; cái nóng ngột ngạt và độ ẩm xứ nhiệt đới. Những thứ khác chẳng hạn suy nghĩ chất phác mà chỉ trẻ em có: trong một trận bóng đá với học sinh địa phương, tôi đã gặp một cậu bé lớn hơn ba tuổi nhưng cao chưa chạm vai tôi. Chúng tôi cười, nhưng đó là một cảm giác nặng nề, ngay cả ở tuổi đó.

Đọng lại nổi bật nhất sau chuyến đi là lời tôi tuyên bố bằng tiếng Việt: "Đây là quê hương của tôi". Khi đó, tôi 10 tuổi, lần đầu tiên đã tuyên bố trong tình hoài hương với một nơi mà tôi chưa đến thăm trước đó.

Mười sáu năm sau, tôi rơi vào khủng hoảng tuổi đôi mươi (quarter-life crisis) trong đại dịch toàn cầu, Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch thú vị nhất thế giới và tôi quay trở lại.

Đối với nhiều người Mỹ gốc Á, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt, trở về quê hương là một chủ đề gây sốt. Cho đến ngày nay, vẫn còn một số người từ chối đặt chân lên mảnh đất mà từ đó họ đã ra đi. Và mặc dù Việt Nam là nơi nghỉ dưỡng tốt và thậm chí rất tốt để làm ăn kinh doanh nhưng 45 năm sau chiến tranh Việt Nam, vẫn có tâm lý thù hận ở một số người Việt Nam ở California và Texas.

Cha mẹ tôi có lý để lo lắng về quyết định của tôi và đã lo lắng về một phản ứng giận dữ tương tự (từ những người còn nuôi lòng thù hận). Khi mẹ tôi thành lập tổ chức phi lợi nhuận, họ đã bị ông bà tôi cảnh báo là điều đó không khác gì viện trợ giúp chính quyền Cộng sản xây dựng các trường học. Để xoa dịu mọi người ở nhà và phù hợp với khuôn khổ chính trị Việt Nam, họ đã phải cam kết sẽ không treo cờ tại những nơi gây quỹ chính thức – một kiểu thỏa hiệp kỳ lạ mà bạn phải làm khi bạn thuộc một cộng đồng mang nặng ám ảnh tâm lý.

Trong những năm qua, anh trai tôi và tôi đã hỗ trợ cha mẹ tôi trong nhiều chuyến đi hàng năm này. Đi du lịch trong một nhóm lớn với những người Mỹ gốc Việt khác, được người dân địa phương gọi là Việt kiều, chúng tôi đã đến thăm các thôn và làng xa xôi mà không có tạp chí du lịch nào lên trang, gặp gỡ những học sinh phải đi bộ một giờ để đến trường. Sau một tuần làm việc, chúng tôi lái xe đi và đến các kỳ quan thiên nhiên huyền thoại của Việt Nam: Có lúc, chúng tôi đi thuyền quanh những tảng đá vôi cao vút của Vịnh Hạ Long; có lúc, chúng tôi phóng xe máy ngắm mặt trời mọc lên đỉnh núi Thánh Giá.

Tôi đã có sự lo lắng khi chia tay trở về Mỹ, nhưng cuộc sống của một thiếu niên Mỹ vẫn tiếp tục. Tôi giống như những đứa trẻ nhập cư khác, tự hỏi cuộc sống của tôi sẽ như thế nào nếu tôi được sinh ra ở đó.

Khi tôi lớn lên, chuyển đến thành phố New York và viết lách, tôi nhận ra rằng tôi cần phải hiểu về Việt Nam cho chính mình, cách mà tôi đã thực hiện để hiểu những nơi mà tôi đã từng có mối liên hệ cá nhân. Tôi đã lái xe qua Chile và tiệc tùng cho đến khi mặt trời mọc trên Mustique, nhưng vẫn chưa bao giờ chứng kiến hoặc trải nghiệm Việt Nam ngoài lăng kính của cha mẹ tôi. Họ dạy tôi cách nói, đọc và viết tiếng Việt và cách yêu những thứ thuộc về người Việt Nam, nhưng tôi cần theo đuổi Việt Nam theo cách riêng của mình.

Trong khi làm biên tập viên tại Saveur, tôi đã đến thăm một nhà thùng Phú Quốc cho Red Boat, một thương hiệu nước mắm cao cấp, linh hồn của ẩm thực khoái khẩu Việt Nam. Tôi đã bị sốc: nước mắm đơn giản của chúng tôi được phân loại như rượu cognac ngon nhất của Pháp và được đóng chai kỹ lưỡng trước khi đến tay đầu bếp. Vào một dịp khác, việc trao đổi ánh mắt với đúng người có duyên tại Bùi Viện đã dẫn tôi đến một hộp đêm với một số nhà sáng tạo trẻ triển vọng nhất thành phố, người mà tôi đã phỏng vấn và sau đó chia tay trong hai tuần. Tôi cảm thấy hệt như cảm giác trong phim Almost Famous.

Cái duyên đêm đó cũng là một trong nhiều trường hợp hòa quyện với nhau để giúp tôi đi sâu (trong hành trình tìm hiểu). Nhưng đây cũng là thời điểm khôn ngoan để tới đây, khi Việt Nam chuyển từ một đất nước thuộc thế giới thứ ba sang một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới - một minh chứng cho sự kiên cường của một dân tộc đã dành phần lớn thời gian trong lịch sử hàng ngàn năm để chống lại sự đô hộ của người Trung Quốc, sau đó là của người Pháp và người Nhật. Sự phát triển của Việt Nam hiện nay đặc biệt rõ ràng: trong khi đại dịch coronavirus bắt Mỹ làm con tin thì Việt Nam không ghi nhận trường hợp tử vong nào và chỉ có khoảng 400 ca nhiễm.

Tôi không hề ảo tưởng. Với bất kỳ chính phủ nào, kiểm duyệt và tham nhũng đều có mặt... ngoài ra còn có một cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí và nước nghiêm trọng trên cả nước: cả Hà Nội và TP.HCM hiện nằm trong số 15 thành phố ô nhiễm hàng đầu ở Đông Nam Á.

Nhưng tại một thời điểm không chắc chắn trên thế giới, tôi hoàn toàn hy vọng về thế hệ thanh niên Việt Nam, thế hệ thiên niên kỷ mới và Gen Z-ers đã kiến ​​nghị dừng việc xây dựng các tuyến cáp treo có hại trong các hệ thống hang động của Việt Nam, những người sáng tạo nghệ thuật độc đáo và âm nhạc và thời trang của Việt Nam, những người đứng lên ủng hộ phong trào “mạng người da màu cũng đáng giá” và sử dụng truyền thông xã hội để bảo vệ quyền lợi của người dân tộc thiểu số. Tôi rất hy vọng nhờ vào số lượng người Mỹ gốc Việt ngày càng đông đảo, những người đã trở về, khép lại sự thù địch mà thế hệ cha mẹ họ chưa thể làm được và cùng với các anh chị em người Việt Nam tạo ra một quỹ đạo mới cho một cộng đồng Việt Nam toàn cầu.

Đó là thứ năng lượng có thể bùng phát bất kỳ khi nào, đã thôi thúc tôi trở lại Việt Nam để tham gia lâu dài cho một điều gì đó mà tôi không hề cảm nhận được kể từ khi tôi quyết định chuyển đến thành phố New York đúng 10 năm trước.

Anh Tú (lược dịch)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tâm sự của một Việt kiều thế hệ sinh tại Mỹ: Tại sao tôi trở lại Việt Nam?