Khó ai tin khu phố nằm ngay giữa TP.Biên Hòa hàng chục năm qua lại không có điện sử dụng.
Điện là nhu cầu thiết yếu và cấp bách cho người dân thời hiện đại. Vậy mà hơn 300 hộ dân với 1000 nhân khẩu ở tổ khu phố 39B, khu phố 11, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có được. Hàng chục năm nay, bao nhiêu lần họp, kiến nghị, hàng trăm đơn thư gửi cho các cấp nhưng phường đẩy lên thành phố, thành phố lại đẩy lên tỉnh, tỉnh lại đẩy xuống thành phố. Chưa cấp nào đứng ra giải quyết triệt để cho nguyện vọng chính đáng và thiết tha này của người dân.
Cách trung tâm hành chính Biên Hòa chừng 3km về hướng Bắc, tổ 39B gần như nằm cách biệt và khác lạ với cuộc sống nhộn nhịp. Một con đường đá bụi, ổ voi, ổ gà, hai bên là những cột điện tạm bợ móc nối hàng chục sợi dây điện chỗ cao, chỗ thấp, có đoạn sà xuống tận mặt đất. Cuộc sống đã nghèo, người dân lại mang một nỗi niềm "mang tiếng sống ở phố nhưng không có điện".
Gặp ông Nguyễn Văn Đào, nguyên tổ trưởng tổ 39B, ông Đào bức xúc nói: "Từ năm 1978, khu dân cư ở đây đã hình thành. Nhà có điện "chính chủ" đầu tiên là nhà tôi. Nhiều hộ dân xin móc nối, có khi số lượng lên đến 100 hộ. Vào năm 1999, tôi đã làm đơn lên TP.Biên Hòa xin đường dây mới, kéo điện về cho từng hộ nhưng không được. TP.Biên Hòa cho rằng đất chúng tôi sinh sống liên quan đến đất quốc phòng. Nhưng tìm hiểu các văn bản pháp luật, không có loại đất nào mang tên “liên quan quốc phòng”. Thế mà họ từ chối thẳng thừng”.
"Hơn 15 năm qua, nhân dân chúng tôi đã kiến nghị nhiều giải pháp đều không được lắng nghe. Năm 2006, UBND TP.Biên Hòa đã đồng ý cung cấp điện cho chúng tôi và gửi báo cáo lên UBND tỉnh xin chỉ đạo. Nhưng chúng tôi không rõ tại sao họ lại ngừng mà không hề có văn bản thông báo", ông Đào nói.
Kế nghiệp người tổ trưởng tiền nhiệm, hơn ba năm qua, ông Vũ Văn Cách, tổ trưởng tổ 39B nhiều lần phát biểu tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, gửi nhiều đơn kiến nghị đến các cấp nhưng không được giải quyết với lý do "đất liên quan quốc phòng". Năm 2014, đoàn liên ngành Quân khu 7 đã tiến hành khảo sát, cắm mốc khu vực đất dành riêng cho quốc phòng. Theo đó, tư lệnh quân khu 7 đã ký vào bản đồ mới nhất cho thấy các hộ dân tổ 39B nằm trong khu vực 74ha không có liên quan đất quốc phòng và chú thích rõ trên bản đồ là "khu dân cư" nhưng TP.Biên Hòa vẫn chưa đồng ý cấp điện vào cho người dân.
Trước đây, cuộc sống không có điện sinh hoạt bao gồm cả tổ 39C. Cách đây hai năm, dù cùng một nguồn gốc đất, cách nhau một con đường nhựa, nhưng tổ 39C đã được điện lực hạ thế và kéo dây phục vụ xài điện "chính chủ". Còn tổ 39B vẫn bị từ chối. "Chúng tôi bị từ chối mà không có một lý do rõ ràng, dù người dân tự nguyện nộp tiền trồng trụ, kéo dây, không cần đến ngân sách nhà nước và xin làm cam kết sẽ tháo dỡ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng", ông Cách nói.
Đấu nối điện khắp nơi với giá cắt cổ
Ông Cách cho biết trước đây, nhiều lần dự định kéo điện vào tổ 39B tưởng như được thực hiện. Người dân đóng góp, hợp đồng với công ty điện lực, trụ đã được chuyển vào nhưng sau đó lại bị chính quyền cản trở khiến số tiền người dân bỏ ra mất trắng. Nhiều trụ đã được trồng hoặc còn nằm lại vẫn còn ngổn ngang trên đường.
"Nhiều năm qua, 300 hộ dân chúng tôi vẫn phải câu, móc nối từ nhiều địa phương khác nhau để có điện sinh hoạt. Hiện tại, có hơn chục nguồn điện khác nhau từ khu phố khác, từ huyện Vĩnh Cửu... kéo sang. Nói chung, xin được ở đâu, chúng tôi móc nối ở đó. Ai thương tình thì một đồng hồ cho vài chục hộ, ai khó thì vài hộ. Nhưng mà phụ thuộc vào tính tình của người chủ điện nữa. Họ mà vui thì để cho xài, buồn là dọa cắt khiến chúng tôi lo sợ và nhiều lúc sống trong ức chế. Như con trai tôi, hồi thi đại học, nó cắm cúi giải bài tập trên máy tính từ sáng đến chiều chưa kịp lưu. Tự nhiên điện cắt "bụp" mất sạch. Nhìn nó dằn con chuột bể nát mà tôi lại thấy thương cho con, buồn cho mình", ông Cách kể.
Còn anh Nguyễn Hoàng Tú, nhờ quen biết, xin được ba đường điện cho người dân xài ké, kể: "Kéo đường dây dài 3km hao phí nhiều lắm. Vào tới nơi, giá điện cao gấp mấy lần giá gốc. Có nơi 7.000 - 8.000 đồng một số điện, có nơi lên đến cả chục nghìn đồng". Nhìn vào hóa đơn 5.000 số điện, người dân phải trả tới 13 triệu đồng. Như ông Thành, một hộ dân phải trả 800.000 đồng cho gần 200 số điện/ tháng. Thế nhưng vẫn chưa khổ bằng lúc nào cũng có thể xảy ra sự cố, giữa đêm mất điện là chuyện quá thường tình. Do mạnh ai nấy kéo khiến điện yếu, chập chờn và đôi lúc xảy ra cháy nổ rất nguy hiểm. Chỉ cần một cơn gió cũng đủ làm đứt dây, mất điện. "Một tháng, chúng tôi phải tổ chức bảo trì đường điện hai lần, rất tốn kém tiền của người dân. Ngay đêm 30 Tết, cả xóm đang vui thì ngoài kia họ cắt điện khiến hết Tết nhất gì luôn. Đôi lúc muốn bỏ xứ đi nhưng vì nghèo, đi đâu được, đành cố gắng bám mà sống", một người nói.
"Sinh hoạt khó khăn lắm. Đêm khuya chúng tôi mới dám bơm nước. Điện yếu, bơm mấy tiếng đồng hồ mới xong. Trên thực tế, giá điện cao gấp nhiều lần như thế là do hao phí chứ chẳng ai "xơ múi" gì. Thứ hai, một đồng hồ "cõng" vài chục hộ nên số chữ điện lên vài ngàn, điện lực họ tính giá khác, cứ càng nhiều, giá càng cao. Dân chúng tôi phải chấp nhận. Chính quyền không tạo điều kiện cho người dân. Nếu họ có tâm đã giúp người dân. Tính ra, số tiền chúng tôi trả với giá "cắt cổ" chỉ cần một năm là đủ kéo điện vào từng nhà. Những năm sau, tiết kiệm được bao nhiêu tiền", ông Cách tính toán.
Chính quyền nói gì?
Ông Cách nói tiếp: "Hiện phường đã báo cáo lên thành phố và tỉnh đã có công văn chỉ đạo thành phố giải quyết. Nhưng đến nay thành phố vẫn im hơi lặng tiếng, không có bất cứ chỉ đạo nào cho ngành điện lực. Phía thành phố còn cho rằng thủ tục hành chính của Quân khu 7 bàn giao đất không thuộc quốc phòng cho địa phương chưa được tiến hành nên phải chờ".
Không chỉ có chính quyền làm khó dễ, ngay cả những hộ dân ở tổ 39C, nơi cũng từng đấu tranh để có điện như người dân ở tổ 39B, nay lại trở ngược không cho câu điện "ké". Hơn 21 hộ dân đầu nối từ tổ 39C đã mất điện gần một tháng qua, mọi sinh hoạt gần như bị đảo lộn. Những đồ dùng công nghệ bị "xếp xó". Người dân sống bằng bình sạc điện hoặc đèn dầu rất khó khăn. Mới đây, khi mọi chuyện lắng xuống, ban đêm các hộ dân trên mới dám câu trộm từ một người dân tốt bụng để xài.
Điều đáng nói, đường điện trung thế kéo ngang qua khu vực tổ 39B cách đây không lâu. Người dân hy vọng sẽ có điện xài, trả tiền theo giá nhà nước nhưng thất vọng cứ nối tiếp thất vọng. Đường trung thế kéo đến tận nơi nào, không hạ thế xuống khu vực tổ 39B, 39C. "Cứ nhìn đường điện quốc gia này mà chúng tôi thèm. Đôi lúc muốn liều mạng lên câu điện xài rồi tới đâu thì tới", một người dân chia sẻ.
Vấn đề điện sinh hoạt rất cấp thiết cho người dân, chính quyền TP.Biên Hòa cần có biện pháp giải quyết cho người dân được ổn định, tiết kiệm tiền bạc, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh, ông Cách cho biết sẽ đại diện cho người dân đi "xin" tới cùng.