Trong 7 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn TP.HCM xảy ra 6 vụ tai nạn đường sắt (làm 4 người chết, 2 người bị) tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2014.
Người dân chấp hành luật rất kém
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tình an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn thành phố còn diễn biến khá phức tạp bởi tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua 22 phường, 5 quận với chiều dài 14,3km trong đó có 26 đường ngang giao cắt với đường sắt.
Trước đó vào khoảng 9 giờ ngày 10.6, tàu SE25/709 chạy từ Quy Nhơn về ga Sài Gòn khi đến Km 1722+800, tại khu gian Gò Vấp - Sài Gòn bất ngờ một người đàn ông nhảy qua hàng rào chắn rồi lao đầu vào đoàn tàu. Hậu quả người đàn ông tử vong tại chỗ, tàu chậm 15 phút. Ngày 27.4, tàu SE8/937 đâm chết một người tại Km1714+300, khu gian Sóng Thần - Bình Triệu, vụ tai nạn khiến tàu chậm 46 phút để xử lý vụ việc.
Ở một số điểm giao cắt còn tình trạng thu hẹp, gây cản trở các phương tiện đường bộ khi có đoàn tàu đi qua. Chưa kể các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt là giao cắt đồng mức, vì thế khi tàu lửa lưu thông qua các vị trí này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt.
Xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban ATGT TP.HCM cho biết: “Dường như những vụ tai nạn giao thông đường sắt thường xảy ra và lặp lại trên các điểm đen tập trung ở các quận Gò Vấp, Phú Nhuận và Thủ Đức. Vì vậy các cơ quan chức năng cần lưu ý các điểm giao cắt (20 điểm giao cắt đường sắt dân sinh có gác chắn, 6 điểm cảnh báo tự động) để có những biện pháp hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông đường sắt”.
Ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một số người dân còn kém, thường xuyên leo qua hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt dẫn đến tại nạn |
Ông Vũ Quý Phi, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: “Để kéo giảm những vụ tai nạn giao thông đường sắt không đáng có xảy ra những tháng cuối năm 2015, trong thời gian tới, đề nghị các đoạn đường ngang dân sinh với đường sắt phải có người gác, nơi nào cần mở rộng thì Sở Giao thông vận tải phối hợp với địa phương mở rộng để tránh tình trạng ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm”.
Ông Phi cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải phải đi kiểm tra, khảo sát để khắc phục, đưa ra phương án xử lý, giải quyết tình trạng các địa điểm tầm nhìn bị che khuất. Ngành đường sắt phải làm các dải phân cách và hệ thống biển báo nếu chưa đủ thì phải bổ sung, thường xuyên kiểm tra những biển báo hư hỏng, đèn mờ để kịp thời sửa chữa, đảm bảo đèn tín hiệu cảnh báo hoạt động tốt nhất để người dân chấp hành đúng luật. Hành lang dân sinh mà các hộ dân phá rào trèo qua cần được xử lý nghiêm.
Không chỉ xử lý người tham gia giao thông mà các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, rà soát việc những cá nhân, đơn vị như những người đóng gác chắn tàu sớm hoặc trễ hơn so với quy định gây ùn tắc giao thông; hệ thống đèn báo tín hiệu chưa đầy đủ hoặc không hoạt động khiến người dân không chấp hành đúng luật, tất cả cần được xử lý kiên quyết, ông Phi cho hay.
Lê Quyết