Để giải quyết vấn đề nhà ở một cách căn cơ và mang tính bền vững, các giải pháp của TP cần được hướng đến tất cả thành phần dân cư. Vì vậy, HoREA đã đề xuất 4 nhóm giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản TP.HCM.

4 nhóm giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản TP.HCM

Một Thế Giới | 19/11/2015, 05:42

Để giải quyết vấn đề nhà ở một cách căn cơ và mang tính bền vững, các giải pháp của TP cần được hướng đến tất cả thành phần dân cư. Vì vậy, HoREA đã đề xuất 4 nhóm giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản TP.HCM.

Trong Công văn 88/CV-HoREA về tiềm năng và giải pháp phát triển thị trường bất động sản TP.HCM phát đi ngày 18.11, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng nhiệm vụ cơ bản và cấp bách của thành phố là tập trung hoàn thành việc di dời, tái bố trí toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, nâng cấp các khu phố có nhiều nhà lụp xụp, xây dựng mới các chung cư hư hỏng nặng, chỉnh trang đô thị, tạo thêm quỹ đất dành cho giao thông và công trình công cộng…
Đồng thời, giải quyết các vấn đề về nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng nặng, phục vụ cho những đối tượng có thu nhập thấp và người nghèo đô thị, đi đôi với phát triển các khu đô thị mới trong mối tương quan với cả vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh, vượt ra khỏi ranh giới hành chính.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản TP.HCM chính là việc gia tăng nhu cầu nhà ở rất lớn của các tầng lớp dân cư trước áp lực tăng dân số nhất là tăng dân số cơ học.
HoREA cho rằng để giải quyết vấn đề nhà ở một cách căn cơ và mang tính bền vững, các giải pháp của TP cần được hướng đến tất cả thành phần dân cư. Vì vậy, HoREA đã đề xuất 4 nhóm giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản tại TP.HCM.
Cụ thể, một là hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả theo hướng minh bạch, nhanh chóng.
Theo HoREA, hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản chưa thật sự hoàn thiện, còn nhiều bất cập, thậm chí có nội dung xung đột nhau. Do vậy, việc hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản là hết sức cần thiết và cấp bách.
Do vậy, việc cải cách thủ tục hành chính là yếu tố quyết định, trên cơ sở trả lương tương xứng với trách nhiệm cơ chế kiểm tra, giám sát. Hiện nay, còn nhiều hồ sơ dự án bất động sản đề nghị được tính toán để doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất, nhưng chưa được giải quyết kịp thời làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai là Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án khi đã bồi thường được từ trên 80% diện tích, đảm bảo lợi ích người có đất, lợi ích của doanh nghiệp và của xã hội.
Theo Điều 62 Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, dự án chỉnh trang đô thị, dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội,...Như vậy, đáng lẽ phần lớn các dự án bất động sản tại TP.HCM có thể được coi là các dự án được thực hiện theo phương thức Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các dự án bất động sản đều do doanh nghiệp tự thương lượng, thỏa thuận với người có đất để nhận chuyển nhượng theo giá thị trường. Trong đó, có rất nhiều dự án đền bù dở dang không thể triển khai thực hiện được.
“Hiệp hội đề nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong trường hợp đã bồi thường giải phóng mặt bằng được từ trên 80% diện tích, để tạo điều kiện triển khai thực hiện dự án, để xử lý nhiều dự án đang đền bù dở dang trong số 502 dự án đang ngừng triển khai. Đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản lâu nay”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết.
Ba là Nhà nước cần xem xét hợp lý khi khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng để tính tiền sử dụng đất dự án.
Theo đó, Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định bổ sung một số nội dung về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó, có nội dung về khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng khi tính tiền sử dụng đất.
HoREA đề nghị có cơ chế để xác định chi phí mà doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án một cách hợp lý, để khắc phục tình trạng gần như doanh nghiệp phải mua lại hai lần như hiện nay. Đây cũng là một nguyên nhân làm tăng giá thành nhà ở mà cuối cùng người mua phải gánh chịu.
Bốn là Nhà nước cần đảm bảo nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản.
 Đặc điểm hoạt động của thị trường bất động sản có tính trung hạn và dài hạn, nhưng hiện nay chưa có nguồn vốn trung hạn, dài hạn trước hết là nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế để tạo nguồn vốn tín dụng cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội dài hạn, tối thiểu 20 năm với lãi suất khoảng 3-3,5%/năm, cũng là một nhân tố góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ngành chăn nuôi hết ‘nóng vội’, đề xuất được nằm ngoài diện kiểm kê khí nhà kính đến năm 2027
24 phút trước Theo dòng thời sự
Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết trước đây vì nóng vội, muốn chia sẻ với mục tiêu kiểm soát khí phát thải nên cho là có thể đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện kiểm kê khí nhà kính. Nhưng qua khảo sát thực tế, nghiên cứu, Hội thấy rằng điều này chưa thực sự phù hợp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
4 nhóm giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản TP.HCM