Một thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp gien mới đã mang lại kết quả đáng ngạc nhiên cho trẻ em bị mất thính lực bẩm sinh.
Nhịp đập khoa học

5 đứa trẻ bị điếc bẩm sinh nghe được âm thanh nhờ liệu pháp gien mới

Sơn Vân 04/02/2024 17:00

Một thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp gien mới đã mang lại kết quả đáng ngạc nhiên cho trẻ em bị mất thính lực bẩm sinh.

Chỉ sau một đợt điều trị bằng gien, 5 trong số 6 đứa trẻ tham gia thử nghiệm đang dần quay trở lại thế giới của âm thanh, theo kết quả được công bố trên tạp chí bình duyệt The Lancet.

Tạp chí bình duyệt là một loại tạp chí nghiên cứu khoa học, trong đó bài báo được chấp nhận xuất bản sau khi trải qua đánh giá và kiểm tra chất lượng bởi các chuyên gia đồng nghiệp. Đây là những chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tương ứng với nội dung bài báo.

Quá trình bình duyệt giúp đảm bảo rằng các nghiên cứu được công bố trong tạp chí đều trải qua quá trình kiểm tra chất lượng và tính khoa học cao. Bài báo sẽ được gửi đến một hoặc nhiều chuyên gia đồng nghiệp, những người sẽ xem xét kỹ lưỡng nội dung, phê duyệt hoặc từ chối dựa trên các tiêu chí như phương pháp nghiên cứu, dữ liệu, kết quả và đánh giá hợp lý.

Các tạp chí bình duyệt thường được xem là nguồn thông tin chính xác, đáng tin cậy trong cộng đồng nghiên cứu và giáo dục.

Với sự tham gia của các nhà khoa học và bác sĩ lâm sàng từ Bệnh viện Mắt và Tai mũi họng của Đại học Phúc Đán ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cùng Trường Y Harvard (Mỹ), đây là thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người về liệu pháp gien điều trị bệnh điếc bẩm sinh với thời gian theo dõi lâu nhất.

“Hoan hô! Một liệu pháp thay đổi cuộc sống khác có thể chữa khỏi bệnh điếc bẩm sinh bằng loại đột biến gien”, Cui Xiang, nhà khoa học cấp cao tại hãng công nghệ sinh học Novartis Gene Therapies (Mỹ), viết trên mạng xã hội.

Từ ngày 19.10.2022 đến 9.6.2023, 425 người tham gia đã được sàng lọc và cuối cùng có 6 trẻ em ghi danh vào thử nghiệm. Tất cả chúng đều được chẩn đoán mất thính giác di truyền ảnh hưởng đến cả hai tai, nguyên nhân là do đột biến gien có tên là otoferlin (OTOF). Điều này dẫn đến tình trạng mất thính lực hai bên tai từ nghiêm trọng đến hoàn toàn của bệnh nhân.

6 tháng sau khi được điều trị bằng liệu pháp gien, 5 đứa trẻ cho thấy khả năng nghe được cải thiện đáng kể.

Shu Yilai, nhà khoa học đứng đầu cuộc nghiên cứu, nói trong một cuộc phỏng vấn với nền tảng truyền thông Bioworld (Trung Quốc) rằng thính giác của 5 đứa trẻ đã “đạt đến mức tương tự như 60 - 65%” dân số nói chung.

“Chúng từ chỗ không thể nghe được âm thanh dưới 95 decibel, tương tự như âm thanh của xe máy, đến có thể nghe được khoảng 45 decibel, gần bằng giọng nói bình thường”, Shu Yilai, giáo sư tại Bệnh viện Mắt và Tai Mũi Họng của Đại học Phục Đán, cho biết.

Trên toàn thế giới, có 26 triệu người đang sống chung với bệnh điếc bẩm sinh. Ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 30.000 đứa trẻ sinh ra bị khiếm thính hoặc mất thính lực, 60% trong số đó là do rối loạn gien. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ngôn ngữ, lời nói và nhận thức của trẻ em.

Sau khi được điều trị, 5 đứa trẻ trong thử nghiệm đã có thể cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình. Shu Yilai lưu ý rằng đứa trẻ đầu tiên được điều trị đã phục hồi thính giác hơn một năm và có thể trò chuyện.

5-tre-em-bi-diec-bam-sinh-lan-dau-nghe-duoc-am-thanh-nho-lieu-phap-gien-moi.jpg
Thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp gien mới đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn sau khi phục hồi thính giác cho 5 đứa trẻ bị điếc bẩm sinh - Ảnh: Shutterstock

Liệu pháp này gồm một vectơ vận chuyển DNA phiên bản chính xác của gien OTOF trực tiếp đến các tế bào lông ở tai trong, cho phép chúng tạo ra protein bình thường về chức năng, về cơ bản phục hồi hoặc cải thiện thính giác cho bệnh nhân điếc.

Vectơ vận chuyển được sử dụng trong nghiên cứu này là vi rút adeno-associated (AAV) - vectơ được sử dụng phổ biến nhất trong liệu pháp gien - được chuyển từ vi rút xuất hiện tự nhiên thành cơ chế phân phối với việc thay thế DNA vi rút bằng DNA mới được mã hóa.

Cui Xiang cho biết: “Liệu pháp gien dựa trên AAV đặc biệt phù hợp để điều trị các bệnh do một khiếm khuyết gien duy nhất gây ra”.

Trong trường hợp này, bệnh điếc bẩm sinh đã được hiểu rõ, vì vậy về mặt lý thuyết có thể đạt được phương pháp chữa trị bằng cách đưa gien được mã hóa chính xác vào tế bào.

Theo Shu Yilai, có hai cách giải thích tại sao một số bệnh nhân không đáp ứng tốt trong thử nghiệm. Có thể bệnh nhân trước đó đã nhiễm AAV, kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại vi rút. Khi bệnh nhân tiếp xúc lại với thuốc chứa AAV, các kháng thể của hệ thống miễn dịch sẽ tấn công nó như một kẻ thù ngoại lai.

Shu Yilai cho biết lý do có thể khác là liệu pháp này có thể không tiếp cận được các tế bào lông tai trong của đứa trẻ một cách hiệu quả.

Về mặt an toàn, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở bất kỳ đứa trẻ nào trong số 6 trường hợp được điều trị. Trong tổng số 48 tác dụng phụ được ghi nhận, có 46 tác dụng ở mức độ 1 - 2, cho thấy mức độ nghiêm trọng tương đối thấp.

Cui Xiang nói một kết quả quan trọng khác của nghiên cứu là chứng minh trên lâm sàng tính khả thi của hệ thống phân phối AAV kép, mở rộng triển vọng ứng dụng của công nghệ này.

Là một loại vi rút nhưng AAV có nhiều ưu điểm khiến nó trở thành vectơ hữu ích cho liệu pháp gien, bao gồm tính vô hại tương đối, phản ứng miễn dịch yếu mà nó kích thích và khả năng chỉnh sửa gien dễ dàng.

Thế nhưng, AAV là một loại vi rút rất nhỏ. Cui Xiang nói: “Mảnh gien tương đối nhỏ mà nó có thể mang theo, khoảng 4.700 cặp base (khối xây dựng cơ bản của gien) đã hạn chế ứng dụng của nó”.

Thế nhưng, nhóm nghiên cứu đã khắc phục vấn đề này bằng cách sử dụng hai vectơ AAV để chuyển gien OTOF. Cui Xiang lưu ý rằng dù ý tưởng đó đã được đề xuất trong nhiều năm nhưng nghiên cứu cho thấy nó có hiệu quả trên thực tế.

Liệu pháp gien là một lĩnh vực nóng trong cả cộng đồng nghiên cứu khoa học và dược phẩm. Các liệu pháp dựa trên hệ thống vectơ AAV đã dẫn đến việc tạo ra một số loại thuốc mang tính cách mạng những năm gần đây.

Cui Xiang cho biết nhiều liệu pháp tiềm năng khác nhau bắt nguồn từ công nghệ này “đã thu hút rất nhiều sự đầu tư và đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng”. Đến nay, 7 liệu pháp gien AAV đã được phê duyệt và đưa ra thị trường trên thế giới.

Vào ngày 23.1.2024, Akouos (công ty con của gã khổng lồ dược phẩm Eli Lilly) thông báo rằng người đầu tiên tham gia thử nghiệm lâm sàng đã lấy lại được thính giác trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận liệu pháp gien (hoạt động theo nguyên tắc giống như của Đại học Phúc Đán). Trước đó, người này bị mất thính giác nghiêm trọng trong hơn một thập kỷ.

Thế nhưng, Cui Xiang cũng cảnh báo rằng nghiên cứu liệu pháp gien vẫn còn ở giai đoạn khá sớm. Vấn đề là khi bệnh lý liên quan đến đột biến gien được phân tán khắp cơ thể thì cần một liều lượng rất cao để đạt được hiệu quả. Điều này có thể gây ra lo ngại về an toàn, thậm chí đã có trường hợp tử vong.

Hơn nữa, các liệu pháp gien được phê duyệt đều rất đắt đỏ. Ví dụ, Zolgensma của Novartis, loại thuốc điều trị một lần bệnh teo cơ tủy sống (SMA) cứu mạng được người bệnh, mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào năm 2019, có giá đến 2,1 triệu USD cho một liều duy nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 đứa trẻ bị điếc bẩm sinh nghe được âm thanh nhờ liệu pháp gien mới