Năm nay là lần đầu tiên, an ninh lương thực và nông nghiệp chiếm vị trí trung tâm tại Hội nghị khí hậu thường niên của Liên hợp quốc.
Hơn 130 quốc gia, vào ngày 1.12, đã ký cam kết biến hệ thống thực phẩm của họ - bao gồm mọi thứ từ sản xuất đến tiêu dùng - trở thành tâm điểm trong chiến lược quốc gia nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Tuyên bố này không đề cập nhiều đến các hành động cụ thể nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải, nhưng nó thu hút sự chú ý đến một vấn đề quan trọng.
Nguồn cung thực phẩm toàn cầu đang ngày càng phải đối mặt với sự gián đoạn do nắng nóng cực đoan và bão lũ. Lương thực là nạn nhân nhưng đồng thời nó cũng là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, khi góp 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người. Sự căng thẳng này là lý do tại sao trong các cuộc thảo luận về khí hậu quốc tế, vấn đề đổi mới nông nghiệp ngày càng được đề cao.
Hiện tại, nông nghiệp cung cấp đủ lương thực cho 8 tỉ người trên thế giới, mặc dù vẫn còn nhiều người không được tiếp cận đầy đủ. Nhưng để nuôi sống dân số toàn cầu ước tính tăng lên 10 tỉ người vào năm 2050, đất trồng trọt sẽ cần phải mở rộng thêm từ 171 triệu đến 301 triệu ha so với năm 2010.
Điều đó sẽ dẫn đến nạn phá rừng nhiều hơn, góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Hơn nữa, một số biện pháp canh tác được áp dụng rộng rãi để sản xuất đủ lương thực, chẳng hạn như sử dụng phân bón hóa học, cũng góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Nhưng nếu chỉ xóa bỏ nạn phá rừng và những hoạt động gây biến đổi khí hậu mà không có giải pháp thay thế, thì sẽ làm giảm nguồn cung lương thực cũng như thu nhập của nông dân trên thế giới. May mắn thay, những biện pháp mới vừa xuất hiện có thể là con đường cứu sinh.
Trong một báo cáo mới, Ủy ban Đổi mới về Biến đổi Khí hậu, An ninh Lương thực và Nông nghiệp (do nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Michael Kremer thành lập) đã xác định 7 lĩnh vực ưu tiên có thể giúp đảm bảo sản xuất đủ lương thực thêm cho hàng trăm triệu người mà vẫn đảm bảo mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Dự báo thời tiết chính xác, dễ tiếp cận
Với thời tiết ngày càng khắc nghiệt khiến cây trồng ngày càng dễ bị tổn thương và nông dân phải vật lộn để thích nghi, thì việc dự báo thời tiết chính xác rất quan trọng. Nông dân cần biết điều gì sẽ xảy ra, cả trong những ngắn hạn và dài hạn, để từ đó đưa ra các tính toán về trồng trọt, tưới tiêu, bón phân và thu hoạch.
Tuy nhiên, việc tiếp cận các dự báo chính xác, chi tiết thường rất hiếm đối với nông dân ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Do vậy, việc đầu tư vào công nghệ để thu thập dữ liệu và đưa ra dự báo rộng rãi, chẳng hạn như qua radio, tin nhắn điện thoại hoặc các ứng dụng... có thể mang lại lợi ích to lớn so với chi phí đầu tư.
Ví dụ, dự báo chính xác về tổng lượng mưa theo mùa ở các bang của Ấn Độ chỉ tốn khoảng 5 triệu USD, sẽ giúp nông dân nước này tối ưu hóa thời gian gieo hạt và trồng trọt, mang lại lợi ích ước tính khoảng 3 tỉ USD trong 5 năm.
Nếu mỗi nông dân ở Benin nhận được dự báo chính xác qua tin nhắn, họ có thể tiết kiệm từ 110 USD đến 356 USD mỗi năm, đó là số tiền lớn ở một quốc gia Tây Phi.
Việc chia sẻ thông tin nhiều hơn giữa các quốc gia láng giềng, sử dụng các nền tảng như Hệ thống thông tin dịch vụ khí hậu của Tổ chức Khí tượng Thế giới, cũng có thể cải thiện dự báo.
Phân bón vi sinh
Một ưu tiên đổi mới khác liên quan đến việc mở rộng sử dụng phân bón vi sinh.
Phân hóa học như đạm được sử dụng rộng rãi để tăng năng suất cây trồng, nhưng nó thường được làm từ khí tự nhiên và là nguồn chính phát thải khí nhà kính. Phân vi sinh sử dụng vi khuẩn để giúp cây trồng và đất hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết, từ đó làm giảm lượng phân đạm cần dùng.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phân bón vi sinh có thể tăng năng suất rau từ 10% đến 30% và tạo ra lợi ích hàng tỉ USD. Các loại phân bón vi sinh khác cũng có tác dụng với ngô và giới khoa học đang nghiên cứu nhiều tiến bộ hơn nữa.
Nông dân trồng đậu nành ở Brazil đã sử dụng phân bón vi sinh dựa trên rhizobia (hay còn được gọi là vi khuẩn cố định đạm là nhóm các vi khuẩn cố định nitơ nội cộng sinh trong các nốt sần của rễ cây họ đậu. Các vi khuẩn này có gien mã hoá nitrôgenaza là nhóm enzim duy nhất hiện nay có khả năng "bẻ gãy" ba liên kết bền vững giữa hai nguyên tử nitơ cấu thành một phân tử N2) trong nhiều thập niên để cải thiện năng suất và cắt giảm chi phí đầu tư cho phân bón hóa học.
Nhưng kỹ thuật này không được biết đến nhiều ở các nước khác. Việc mở rộng quy mô công nghệ này sẽ cần nguồn tài trợ để mở rộng thử nghiệm tới nhiều quốc gia hơn, nhưng một khi thực hiện thì nó có nhiều triển vọng mang lại lợi ích lớn cho nông dân, lợi ích thổ nhưỡng và khí hậu ở nhiều vùng trên thế giới.
Giảm khí mê tan từ chăn nuôi
Ưu tiên đổi mới thứ ba là trong chăn nuôi, nguồn phát thải khoảng 2/3 lượng khí thải nhà kính trong nông nghiệp. Với nhu cầu về thịt bò dự kiến sẽ tăng 80% vào năm 2050 khi các nước có thu nhập thấp và trung bình ngày càng giàu có hơn, việc giảm lượng khí thải từ chăn nuôi là điều cần thiết.
Một số phương pháp cải tiến nhằm giảm phát thải khí mê tan trong chăn nuôi nhắm vào quá trình lên men trong ruột, dẫn đến thải ra khí mê tan.
Thêm tảo, rong biển, lipid, tannin hoặc một số hợp chất tổng hợp vào thức ăn gia súc có thể làm thay đổi các phản ứng hóa học tạo ra khí mê tan trong quá trình tiêu hóa. Các nghiên cứu đã tìm thấy một số kỹ thuật có khả năng giảm lượng khí thải mê tan từ 1/4 đến gần 100%. Khi gia súc thải ra ít khí mê tan hơn, chúng cũng bớt lãng phí năng lượng hơn và năng lượng đó có thể tích lũy trong thịt và sữa, mang lại hiệu quả cho nông dân.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn đắt đỏ. Dù vậy, nếu việc này phát triển hơn nữa với sự tham gia của tư nhân thì có thể giúp mở rộng quy mô và giảm chi phí.
Việc chỉnh sửa gien của vật nuôi hoặc vi sinh vật trong dạ dày của chúng một ngày nào đó cũng là phương án nhiều tiềm năng.
Ngoài 3 đổi mới chiến lược trên, Ủy ban Đổi mới cũng xác định bốn ưu tiên khác:
Thứ tư là giúp nông dân và cộng đồng thực hiện việc thu hoạch nước mưa tốt hơn.
Thứ năm là giảm chi phí cho nông nghiệp kỹ thuật số để có thể giúp nông dân sử dụng hệ thống tưới tiêu, phân bón và thuốc trừ sâu hiệu quả hơn.
Thứ sáu là khuyến khích sản xuất protein thay thế (thịt nhân tạo) để giảm nhu cầu chăn nuôi.
Thứ bảy là cung cấp bảo hiểm và các biện pháp bảo trợ xã hội khác để giúp nông dân phục hồi sau các hiện tượng thời tiết cực đoan (để họ không lâm vào cảnh phải đi phá rừng kiếm sống).