“80% các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được thanh tra và phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm”. 

80% thức ăn chăn nuôi được sản xuất có sử dụng chất cấm

Một Thế Giới | 03/12/2015, 14:52

“80% các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được thanh tra và phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm”. 

Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết như trên tại phiên họp về tình hình sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chiều qua 2.12, do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Diễn biến ngày càng phức tạp
Theo đó, từ đầu năm đến nay đã thanh, kiểm tra 3.103 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, phát hiện 1.107 cơ sở có hành vi vi phạm, xử phạt trên 5 tỉ đồng. 9 tỉnh bị phát hiện nhiều vi phạm nhất là: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương.

Đáng lưu ý, kết quả thanh, kiểm tra cho thấy tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cộng đồng. Cụ thể, có tới 16% các mẫu thịt được kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc, 7,6% mẫu thịt có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.

Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cũng đưa ra những con số “giật mình”: 11 tháng đầu năm 2015 chỉ riêng mặt hàng phụ gia thực phẩm, QLTT các cấp đã kiểm tra trên 230 vụ, xử lý vi phạm 211 vụ, phạt hành chính 1,6 tỉ đồng. 
QLTT cũng đã kiểm tra 652 vụ mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi không rõ nguồn gốc, xử phạt gần 2,9 tỉ đồng, tiêu huỷ và thu giữ hàng trăm ngàn gói thuốc BVTV, hàng chục ngàn ký thức ăn chăn nuôi.
Đáng lo ngại, như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Thành Long, hoá chất BVTV gần như không ai quản lý, tình trạng phức tạp. Đơn cử là Salbutamol (tiền chất thuốc chữa hen), mặt hàng này theo quy định của ngành y tế chỉ được nhập để sản xuất thuốc nhưng lại được dùng trong sản xuất nông nghiệp là gây nguy hại cho người tiêu dùng. 
“Cần thanh tra việc bán Salbutamol cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp, nếu đủ cơ sở vi phạm là chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan công an”, ông Long nói.

Chất Clenbuterol cũng đã bị cấm nhập từ hơn 1 năm nay nhưng vẫn có mặt trên thị trường và ngành y tế cho rằng, có tình trạng nhập lậu qua biên giới, các ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt.

Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát thừa nhận đúng là có tình trạng: xử lý chưa đủ mạnh, chưa đúng tầm, có nơi buông lỏng xử lý. Đặc biệt, đối với chất Salbutamol nhập khẩu chỉ để sản xuất thuốc nhưng hiện nay quản lý rất lỏng lẻo dẫn đến nhập tràn lan để làm nhiều sản phẩm khác, nhất là thức ăn chăn nuôi. 
“Đề nghị tăng chế tài xử lý, có hình thức xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Những vụ đủ yếu tố xử lý hình sự thì thanh tra chuyên ngành cần chuyển ngay cơ quan điều tra để xử lý sớm", ông Lộc nói.
thuc an chan nuoi
Những sản phẩm có chứa chất cấm được vô tư sử dụng trong chăn nuôi 
Cục trưởng Cục QLTT Trịnh Văn Ngọc thừa nhận do “không có kho lưu giữ thuốc BVTV, chất độc hại và kinh phí tiêu hủy nên lực lượng QLTT né tránh xử lý sản phẩm này”. Vì vậy, cần thành lập quỹ dành cho công tác phòng chống hàng lậu, hàng giả trong lĩnh vực phân bón, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV để có nguồn xử lý vì địa bàn rất rộng, kinh phí xét nghiệm, điều tra lớn.
Mệnh lệnh của nhân dân
Kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “gay gắt” kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục hóa chất (Bộ Công Thương). Phó Thủ tướng yêu cầu phải xử lý hình sự, phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất (đóng cửa, thu hồi giấy phép) đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. 
“Đấu tranh với hành vi này là mệnh lệnh của nhân dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Việc xảy ra địa bàn nào, người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm. 100% đơn vị sản xuất, kinh doanh phải ký cam kết nói không với chất cấm, hàng kém chất lượng”.
Phó Thủ tướng yêu cầu liên ngành không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý, "phải nâng cao phẩm chất cán bộ, không thể thấy việc mà thờ ơ”.
Thực tế tại cuộc họp, có nhiều ý kiến từ các đơn vị thực thi cho thấy có hiện tượng "chạy án" khiến công tác đấu tranh, xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh, vận chuyển, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng có chất cấm bị hạn chế. Có nhiều vụ việc nổi cộm bị cho "chìm xuồng" và "gọi vài cuộc điện thoại là thôi", ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 cho biết.
Ngân Phương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất làm 3 công nhân tử vong ở Hà Tĩnh
8 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 7.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
80% thức ăn chăn nuôi được sản xuất có sử dụng chất cấm