Khi thầy giáo nói con đần độn và điên khùng, bà Nancy đã cho Edison nghỉ học và tự dạy dỗ cậu.

3 bài học dạy con từ mẹ của thiên tài Edison

Theo Ngôi sao | 24/08/2016, 09:46

Khi thầy giáo nói con đần độn và điên khùng, bà Nancy đã cho Edison nghỉ học và tự dạy dỗ cậu.

Luôn khuyến khích con khám phá mọi thứ

Edison là một cậu bé rất hiếu động và thích khám phá thế giới xung quanh. Cậu cũng thường đặt ra những câu hỏi tại sao. Trước những câu hỏi kì lạ của con, bà Nancy, mẹ cậu thường kiên trì giảng giải tỉ mỉ và kích thích thêm sự tò mò của đứa con.

Một lần, Edison hỏi bố: "Bố ơi, tại sao lại có gió?". Bố trả lời: "Edison, con không hiểu được đâu!". Edison lại hỏi: "Tại sao con lại không hiểu được?". Bố đáp: "Con hãy thử hỏi mẹ con xem". Thế là Edison tìm đến mẹ và hỏi. Sau đó, bà Nancy trách chồng: "Anh không thể lúc nào cũng nói với con là nó không biết gì cả. Như thế là kìm hãm lòng ham hiểu biết của con chúng ta rồi đấy!".

Edison cũng thường phá tung những món đồ chơi của mình rồi chăm chú nghiên cứu và lắp ráp chúng lại theo những cách khác nhau. Cha của Edison cảm thấy rất phiền lòng, nhưng mẹ cậu thường xoa dịu ông bằng những câu nói ngọt ngào: "Anh à, con trai của chúng ta chỉ muốn xem cách thức hoạt động của các loại đồ chơi thôi mà. Trẻ con thích nghiên cứu tìm tòi cũng là một điều tốt đấy".

Thomas Edison (1847 – 1931) là nhà khoa học, nhà sáng chế và một thương nhân đã phát minh ra rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta, trong đó, phát minh nổi tiếng nhất của ông là bóng đèn.

Có thể thấy, trong khi nhiều bậc phụ huynh tìm cách "nhốt" con trong nhà hoặc giám sát con chặt chẽ, mẹ của Edison lại để ông tự khám phá thế giới. Chúng ta nên biết, ngay từ khi sinh ra, trẻ đã có sự tò mò với các sự vật bên ngoài như cách chuyển động, âm thanh của các đồ vật… Giai đoạn sau, trẻ sẽ đưa đồ vật vào miệng để cảm nhận chúng. Lớn hơn một chút, trẻ sẽ dùng tay cầm, nắm, sờ, ném đồ vật để biết độ cứng, mềm. Đó là những bước khám phá cơ bản của trẻ, qua đó, trẻ tích lũy nhận thức về thế giới xung quanh.

Chính trí tò mò đã nuôi dưỡng hứng thú học hỏi của trẻ, điều này vô cùng hữu ích trong tương lai sau này. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ "giết chết" tính tò mò của con bằng những câu trả lời cụt lủn, qua loa khi trẻ tò mò hoặc ngăn cấm trẻ tham gia nhiều hoạt động lý thú. Vì vậy, chúng ta luôn phải kiên trì với trẻ. Cha mẹ cũng nên sắp xếp một không gian an toàn trong nhà để trẻ có thể tự do tìm tòi và học hỏi.

Đứa trẻ nào cũng cần được tôn trọng

Năm 7 tuổi, Edison đi học ở trường tư thục của thầy giáo Reverend và vợ ông. Ở trường, giáo viên yêu cầu ông phải yên lặng nghe giảng và học thuộc lòng tất cả mọi thứ. Trong khi học, Edison không chú tâm vào bài giảng của thầy giáo mà thường đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa với thầy giáo. Sau khi Edison được nhận vào học khoảng 3 tháng, thầy Reverend đã nói: "Em là một cậu bé ngu dốt và điên khùng". Edison cảm thấy rất buồn khi nghe điều đó, cậu chạy ra khỏi lớp và chạy một mạch về nhà.

Mẹ Edison rất tức giận khi nghe câu chuyện, bà dẫn cậu đến trường và nói với thầy giáo: "Ông bảo con tôi điên khùng hả? Tôi nói thật cho ông rõ, trí óc của nó còn hơn ông đấy. Tôi sẽ giữ nó tại nhà và tự dạy, vì tôi đã là giáo viên, để ông thấy rằng sau này nó sẽ ra sao!".

Sau này, khi nhớ lại về mẹ, Edison nói: "Mẹ tôi đã tạo ra tôi. Bà luôn tin tưởng tôi, điều đó khiến tôi cảm thấy rằng mình có động lực để sống và không thể khiến mẹ thất vọng".

Câu chuyện này chỉ ra một thực trạng đáng buồn về cách hành xử của người lớn đối với trẻ nhỏ. Chúng ta thường tặc lưỡi: "Trẻ con mà, có biết gì đâu". Suy nghĩ này khiến chúng ta thản nhiên mắng chửi, miệt thị trẻ lúc nóng giận, không coi trọng ý kiến và quyền riêng tư của con, thản nhiên nói xấu con trước mặt đứa trẻ…

Những hành động vô ý này ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của con cái bạn, trong nhiều trường hợp, trẻ trở nên tự ti, nhút nhát. Khi lớn lên, trẻ sẽ hành xử với người khác theo cách tiêu cực. Vì vậy, bạn cần tôn trọng trẻ và giúp trẻ ý thức được giá trị của chính mình. Điều này sẽ giúp trẻ trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn và mạnh dạn hơn.

Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con cái

Sau khi cho Edison nghỉ học, mẹ cậu bỏ ra nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày để dạy cậu. Bà cũng truyền cho Edison niềm đam mê đọc sách. Chỉ trong vòng 6 năm, mẹ Edison đã truyền lại cho con tất cả kiến thức lịch sử, văn học, khoa học, nghệ thuật… Bên cạnh đó, bà luôn nhắc nhở Edison các đức tính thật thà, ngay thẳng, tự tin, cần cù, lòng ái quốc và tình yêu nhân loại. Edison học hành tiến bộ nhanh khiến cha ông rất hài lòng và thường xuyên cho con tiền mua sách.

Câu chuyện trên đã chứng minh, người thầy tốt nhất của con, không ai khác, chính là cha mẹ. Việc giáo dục trẻ phải bắt đầu từ gia đình. Gia đình chính là trường học đầu tiên của trẻ, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của trẻ và cũng là người thầy sẽ dạy trẻ lâu nhất. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thường phó mặc con mình cho các thầy cô giáo.

Thực tế, bố mẹ là người hiểu con nhất, biết khả năng của con ở đâu và con có thể tiếp thu mọi thứ theo cách nào. Từ khi trẻ lọt lòng đã hình thành sợi dây tình cảm vô hình, khiến trẻ cảm thấy thích thú khi được làm mọi việc cùng cha mẹ. Vì thế, nhiều bậc phụ huynh "học lại cùng con" như một cách để kích thích niềm hứng khởi của trẻ.

Nếu như bạn quá bận rộn và không thể dành nhiều thời gian "học cùng con", hãy thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách thường xuyên tâm sự về một ngày ở trường của bé, chủ động gợi ý con rủ bạn bè đến nhà cùng học, đưa con đi hiệu sách vào dịp cuối tuần. Như vậy, bé sẽ không cảm thấy đơn độc trong "cuộc chiến học đường".

Theo Hà Thu/Ngôi sao
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 bài học dạy con từ mẹ của thiên tài Edison