Mặc dù Cơ chế một cửa quốc gia được triển khai chính thức từ tháng 11.2014, nhưng đến ngày 15.7 vừa qua, 11 bộ, ngành mới triển khai được 53 thủ tục tại đó.

4 năm chỉ triển khai được 53 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia

tuyetnhung | 20/07/2018, 07:18

Mặc dù Cơ chế một cửa quốc gia được triển khai chính thức từ tháng 11.2014, nhưng đến ngày 15.7 vừa qua, 11 bộ, ngành mới triển khai được 53 thủ tục tại đó.

Thông tin trên được đại diện Bộ Tài chính đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” nhằm thông tin rộng rãi về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 diễn ra chiều 19.7.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Công Bình -Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Cơ chế một cửa quốc gia đã được triển khai chính thức từ tháng 11.2014, đến ngày 15.7 vừa qua, 11 bộ ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với 1,34 triệu hồ sơ của 22.800 doanh nghiệp được xử lýthông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các bộngành.

Số liệu trên cho thấy số lượng thủ tục hành chính được triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia sau 4 năm còn quá thấp, tuy nhiên Bộ Tài chính vẫn đầy tham vọng khi đặt mục tiêu 6 tháng cuối năm còn lại sẽ triển khai thêm 143 thủ tục hành chính. Theo phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến...

Chia sẻ với phóng viên về kế hoạch này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thừa nhận: "143 thủ tục hành chính cho 6 tháng cuối năm là một con số đầy tham vọng, đòi hỏi các bộ ngành phải thực sự nỗ lực và cố gắng. Tuy nhiên, hiện nay hiệu lực hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp, còn nhiều chồng chéo và trùng lặp; phí kiểm tra một số mặt hàng xuất nhập khẩu vẫn còn cao... Song đây cũng là con số được các bộ ngành đưa ra. Nếu Bộ không thực hiện được thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ".

Về Cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1.1.2018, Việt Nam đã chính thức kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ điện tử ATIGA C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Tính đến ngày 30.6 vừa qua, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước này là 30.674 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 15.372 C/O.

Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Philippines thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời phối hợp với Thái Lan, Indonesia, Malaysia thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN. Không chỉ dừng lại trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư và chuẩn bị xây dựng hệ thống để kết nối và trao đổi thông tin với Liên minh Kinh tế Á - Âu về tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về lợi ích của việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Thứ trưởng Vũ Thị Mai một lần nữa nhấn mạnh, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đem lại lợi ích toàn diện cho Chính phủ, người dân và đặc biệt là doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 giờ xuống còn 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 giờ xuống còn 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu.

Kết quả này phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hoá biên giới. Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vị trí trong 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hoá qua biên giới đứng đầu trong ASEAN.

Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, các cơ quan nhà nước làm quen và dẫn chuyển đổi sang thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; các giao dịch hành chính được ghi nhận trên hệ thống giúp cơ quan nhà nước đo lường thời gian, tính toán hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính, góp phần cải cách thủ tục để phục vụ doanh nghiệp và người dân được tốt hơn.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giúp Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thoả thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính tại nước nhập khẩu; giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
4 năm chỉ triển khai được 53 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia