Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỉ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020.

406 lượt DNNN sắp thoái vốn: Cần tránh ‘bán rẻ’ tài sản Nhà nước

Trí Lâm | 22/08/2017, 17:32

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỉ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020.

"Ông lớn" hàng không phải thoái hơn 30%

Theo đó, tổng số lượt DN mà Nhà nước sẽ thoái vốn là 406 lượt DN, được chia ra theo từng năm để các bộ, địa phương thực hiện thoái vốn.

Cụ thể, năm 2017 phải thoái ở 135 DN, năm 2018 thoái ở 181 DN, năm 2019 thoái ở 62 DN và năm 2020 thoái ở 28 DN. Trong danh sách này, có một số DN sẽ thoái vốn vài đợt trong khoảng thời gian này.

Điểm qua một số DNNN lớn trong danh sách này cho thấy, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Công Thương) phải thoái 52,47% tỉ lệ vốn tối thiểu (so với vốn điều lệ) trong năm 2017 và tới năm 2020 DN này sẽ phải thoái tiếp 36% nữa.

Ở Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng phải thoái vốn hai lần. Lần đầu tiên sẽ thoái 20% tỉ lệ vốn tối thiểu vào năm 2018 và tới năm 2020 sẽ thoái tiếp 10,40%. Còn Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ thoái một lần, tối thiểu 35,16% vào năm 2019.

Trước đó, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng ký văn bản số 1182/TTg-ĐMDN phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017- 2020.

Đối với 2 công ty cấp IV thuộc Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ dầu khí, Phó thủ tướng yêu cầu PVN nghiên cứu chuyển thành công ty cấp III theo hình thức chuyển nhượng vốn cho công ty cấp II.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao PVN thực hiện giảm tỷ lệ nắm giữ của PVN tại các doanh nghiệp theo từng giai đoạn.Cụ thể, từ 2017- 2018, giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí- CTCP từ 61,3% xuống 51% vốn điều lệ; giảm từ 75,56% xuống còn 51% vốn điều lệ của PVN tại Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau.

Trong giai đoạn từ 2018- 2019, PVN giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tổng công ty Khí Việt Nam- CTCP từ 96,72% xuống 65% vốn điều lệ. Còn trong giai đoạn 2019- 2020 tại Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PV Trans) thì PVN giảm tỷ lệ nắm giữ từ 51% xuống 36% vốn điều lệ nếu đàm phán và được Ngân hàng Citibank đồng ý sửa đổi cam kết trước đó của hai bên về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của PVN.

Về nhóm doanh nghiệp cổ phần hoá mà PVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phê duyệt Danh mục gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam; Công ty TNHH MTV Lọc - Hoá dầu Bình Sơn; Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVN đang nắm 51% vốn điều lệ đến năm 2019. Trường hợp đàm phán được với các ngân hàng cho vay vốn thì có thể giảm tỷ lệ nắm giữ của PVN sớm hơn).

Lãnh đạo Chính phủ cũng phê duyệt Danh mục doanh nghiệp mà PVN thoái toàn bộ vốn theo từng giai đoạn từ nay tới năm 2019.Theo đó, giai đoạn 2017 - 2018 là tại Công ty cổ phần PVI; Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An; Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần Bất động sản dầu khí SSG.

Còn trong giai đoạn 2018 - 2019 thì PVN thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam; Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam; Tổng công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình dầu khí-CTCP.

Đối với Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi tổng hợp dầu khí PV Tex (PVN đang nắm 74% vốn điều lệ) và Công ty TNHH 1TV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất – DQS (PVN đang nắm 100% vốn điều lệ) thì thực hiện sắp xếp theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2017- 2020.

Chất lượng cổ phần hóa còn hạn chế

Thủ tướng yêu cầu các thủ trưởng cơ quan quyết liệt trong vấn đề thoái vốn, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trường hợp không thể thực hiện thoái vốn theo Quyết định này vì lý do khách quan.

Sau khi tiếp nhận, SCIC có trách nhiệm thực hiện thoái vốn theo quyết định; trước ngày 25 tháng cuối của quý và trước ngày 25 tháng 12 hằng năm gửi báo cáo về tình hình triển khai thực hiện đến Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi.

Tại Hội thảo Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán nhà nước diễn ra sáng ngày 21.8, TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, tính lũy kế từ năm 1992 đến tháng 6.2017, đã có 4.520 công ty cổ phần hình thành từ cổ phần hóa DNNN.

Tuy nhiên, chất lượng cổ phần hóa còn nhiều hạn chế và có một số khó khăn, vướng mắc chậm được giải quyết, việc kiểm soát quá trình cổ phần hóa chưa chặt chẽ.

DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và cổ phần chi phối vẫn còn ở nhiều ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối; việc định giá DNNN còn nhiều bất cập, nhất là giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền được thuê đất ở những vị trí đắc địa, thương hiệu, lợi thế kinh doanh và xác định giá bán cổ phiếu lần đầu...

Về vấn đề đất đai trong thực hiện cổ phần hóa còn nhiều bất cập, tiêu cực, thất thoát. Mặc dù pháp luật đã quy định xác định giá đất cụ thể đối với trường hợp tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa, nhưng trên thực tế vẫn còn những trường hợp xác định giá đất còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường, chưa công khai giá một cách minh bạch dẫn đến gây thất thoát cho ngân sách.

Dẫn ví dụ cụ thể, ông Hà Quang Hàm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng: "Trong thực tế, quá trình cổ phần hóa có tình trạng định giá thấp hơn giá trị doanh nghiệp, bán rẻ tài sản của nhà nước. Do đó, cần thiết phải có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước.

“Việc thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa đã xảy ra rồi, như trường hợp Công tyĐiện Quang bán tài sản với giá rất thấp. Các chuyên gia của Anh đã chỉ cho chúng ta thấy có doanh nghiệp vừa đưa cổ phiếu ra thị trường, ngay phiên đầu tiên đã tăng giá 72% so với giá trị. Do đó, vấn đề định giá tài sản đúng chuẩn cần phải hết sức lưu ý để không làm thất thoát tài sản nhà nước”.

Hoài Phong
Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
406 lượt DNNN sắp thoái vốn: Cần tránh ‘bán rẻ’ tài sản Nhà nước