Đó là thông tin được bác sĩ Trần Thanh Vỹ – Trưởng khoa Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết hôm nay (17.11). Như vậy, sau 1 năm thực ứng dụng phương pháp sóng cao tần để điều trị bệnh nhân mắc bướu giáp nhân, bệnh viện này đã thực hiện thành công 50 ca.
Theo bác sĩ Vỹ, bướu giáp nhân (bướu cổ) là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam. Tỷ lệ phát hiện bướu giáp nhân gần đây tăng nhiều nhờ tầm soát bệnh bằng siêu âm vùng cổ. Thống kê của Bộ Y tế cho biết số người mắc bệnh bướu giáp nhân ở miền núi phía Bắc chiếm tỷ lệ 30 - 40% trong cộng đồng, có nơi lên tới 80%. Ở đồng bằng phía Bắc khoảng 6 - 10% người mắc bệnh bướu giáp nhân. Ở đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ người mắc bệnh bướu giáp nhân là 20 - 30%. Trung bình hằng năm có khoảng 115.000 người được khám và chữa bệnh bướu giáp nhân.
Bác sĩ Vỹ cho biết, hiện nay trên thế giới đang áp dụng phương pháp điều trị bướu giáp nhân bằng ứng dụng sóng cao tần. Đây là phương pháp điều trị nhân giáp lành tính được thế giới ứng dụng từ năm 2002, đến nay, phương pháp này đã thay thế hơn 50% các trường hợp điều trị bằng phẫu thuật kinh điển (phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi).
Ưu điểm vượt trội của phương pháp này giúp điều trị bệnh triệt để hơn, không để lại biến chứng nặng, không ảnh hưởng lên mô giáp bình thường nên vẫn bảo toàn chức năng tuyến giáp, người bệnh phục hồi nhanh, có thể xuất viện ngay 1 – 2 tiếng sau can thiệp, giảm chi phí nằm viện, có tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo...
Tại Việt Nam, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM là đơn vị y tế tiên phong thực hiện phương pháp điều trị bệnh nhân bị bướu giáp nhân bằng sóng cao tầntừ năm 2015.
“Đối với khối bướu có đường kính dưới 3cm, việc điều trị bằng phương pháp này có hiệu quả ngay sau một lần duy nhất. Với khối bướu kích thước trên 3cm, thường điều trị từ 2 đến 3 lần để đốt hết hoàn toàn. Sau khi thực hiện kỹ thuật này kích thước khối bướu sẽ giảm dần, khoảng 50 – 70% trong tháng đầu tiên. Từ 3 đến 6 tháng khối bướu sẽ giảm 70 – 90% so với kích thước ban đầu. Sau 1 năm thực hiện điều trị bệnh nhân mắc bướu giáp nhân bằng phương pháp sóng cao tần, chúng tôi đã thực hiện thành công 50 ca”, bác sĩ Vỹ chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Vỹ, trước đây việc điều trị bướu giáp nhân có nhiều hạn chế. Bệnh nhân mắc bướu giáp chủ yếu là phẫu thuật bóc nhân hoặc cắt giảm tuyến giáp phải gây mê nên ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch… hoặc biến chứng do phẫu thuật như: tổn thương thần kinh, mạch máu, suy giáp, gây sẹo xấu...
“Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh bướu giáp nhân nhiều gấp 5 lần so với nam giới. Nếu phải phẫu thuật thì sẽ để lại rất nhiều sẹo, làm xấu đi hình ảnh trên cơ thể nên nhiều phụ nữ rất e ngại. Trong khi đó, liệu pháp hormon cho hiệu quả không cao, bướu có thể tiếp tục tiến triển, gây chèn ép, mất thẩm mỹ, cường giáp, hoặc ung thư hóa”, bác sĩ Vỹ cho biết.
Hồ Quang