Người ta thường nói, thứ đầu tiên người ta nhìn vào để đánh giá phong cách thời trang và một phần tính cách là đôi giày, và chắc hẳn một bộ đô vest nam cũng thể hiện được hàm ý tương tự.

6 lỗi thường gặp của các quý ông khi diện đồ vest

elle man | 04/11/2016, 11:39

Người ta thường nói, thứ đầu tiên người ta nhìn vào để đánh giá phong cách thời trang và một phần tính cách là đôi giày, và chắc hẳn một bộ đô vest nam cũng thể hiện được hàm ý tương tự.

Một bộ suit may đo vừa vặn, chỉn chu thể hiện tuyên ngôn trưởng thành của mỗi người đàn ông. Nó là phong thái thời trang lịch lãm dành cho bất cứ ai, giúp bản thân thu hút hơn và mang lại sự tự tin trong những sự kiện đòi hỏi tính trang trọng hoặc trong công việc.

Sự chỉn chu gọn ghẽ trong thiết kế và màu sắc hòa nhã luôn là thông điệp ELLE Man luôn gửi gắm bấy lâu nay, nên hiển nhiên những độc giả cũng ít nhiều hiểu được các phong cách suit hay phụ kiện đi kèm. Tuy nhiên, bên cạnh ấy cũng có những tiểu tiết hoặc sai lầm chúng ta thường phạm phải nhưng vô tình bỏ qua.

Bài viết này chỉ ra 6 lỗi chúng ta thường mắc phải khi sử dụng hoặc lần đầu tậu cho bản thân một bộ đồ vest nam.

Tầm quan trọng của bộ suit không hề kém cạnh một đôi giày tây.

1.Không xẻ tà suit jacket

Trên áo khoác ngoài của một bộ đồ vest nam bạn sẽ thấy một hoặc hai đường xẻ tà nằm ở phần dưới cùng của áo, chúng được gọi là single-vented (xẻ tà đơn) hay double-vented (xẻ tà đôi). Vest theo truyền thống của Anh là xẻ tà đôi, còn của Mỹ sẽ là xẻ tà đơn. Nhiệm vụ duy nhất và quan trọng nhất của chi tiết này là giúp áo không nhăn và hư phom khi ngồi.

Dù là đồ may đo hay may sẵn, người thợ luôn cố định phần xẻ tà bằng chỉ may theo hình chữ “X”, giúp chiếc áo hạn chế tối đa việc bị nhàu trong quá trình vận chuyển hay trưng bày tại cửa tiệm. Nếu cứ mặc mà không bỏ đi phần chỉ này sẽ khiến phần eo bị căng nhàu gây hư hại phom dáng khi vận động hay ngồi xuống, trông rất mất thẩm mỹ.

2. Không xẻ phần túi suit jacket

Cũng như phần xẻ tà, phần túi của đồ vest nam sẽ được cố định bằng chỉ may để giữ chúng cố định và tránh bị nhăn khi vận chuyển và trưng bày. Dù biết rằng chiếc túi chỉ là chi tiết tô điểm trên áo chứ không mang công dụng chứa đựng bất cứ vật dụng cá nhân nào (chìa khóa, điện thoại hay ví) ngoài khăn tay, vì như thế sẽ làm trĩu áo, gây mất phom dáng.

Tuy đây không phải là một chi tiết đáng chú ý, nhưng là một quy luật bất thành văn khi tậu một bộ suit bạn cần phải thực hiện đầy đủ và bài bản những quy tắc.

Còn những vật dụng cá nhân thì sao? Luôn đựng trong túi xách, thứ luôn cần thiết khi diện cùng đồ suit.

3.Bỏ lửng cúc tay áo

Đôi khi bạn sẽ thấy chi tiết hàng cúc tay áo suit jacket (nhưng thường là chiếc cúc cuối cùng, gần cổ tay) bị bỏ hờ không gài! Có hẳn một câu chuyện đằng sau ấy: Hơn trăm năm trước, đồ suit là thứ trang phục trong mọi hoạt động thường nhật của nam giới: đi làm, dự tiệc, lao động, vui chơi… Việc cởi chiếc áo khoác ngoài ở chốn công cộng vào thời kì đó chẳng khác nào kêu họ chỉ mặc underwear mà đi ra đường vậy, nên cho dù là bác sĩ, doanh nhân hay người thợ lao động chân tay đều tuyệt đối không cởi bỏ áo khoác. Để bảo vệ cho bộ suit không bị vấy bẩn, hư hại hay dính máu (phẫu thuật) thì bộ trang phục phải cần mang tính cơ động hơn. Các thợ may đã biến phần cổ tay áo có thể được mở ra hay cài vào với hàng cúc để có thể xắn tay áo khoác lên. Hàng cúc này có tên là functioning buttons hay surgeon buttons, cũng là chi tiết dễ bị hư hại nhất.

Suit vào thời kì ấy làm từ chất liệu dày dặn, xù xì hơn ngày nay, chưa kể đối với giới doanh nhân hay bác sĩ thì họ thường mặc những bộ suit đắt tiền. Việc thay thế hàng nút trên một chiếc áo khoác chất liệu cao cấp, dày dặn đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và kĩ năng hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Và vest nam là trang phục thường nhật nên thật bất tiện nếu phải gửi chiếc áo tại tiệm may trong vài ngày chỉ để thay một chiếc cúc hỏng. Do đó, cách giải quyết tối ưu mà thợ may khuyến nghị là không cài cúc. Về sau, chi tiết hở một chiếc cúc trở thành dấu hiệu ngầm cho người khác biết bộ đồ vest nam ấy đắt giá như thế nào.

Trong thời đại ngày nay, khi nền công nghiệp may đo hàng loạt phát triển và ta có thể dễ dàng tậu được một bộ suit giá phải chăng, suit không còn là trang phục hàng ngày nên không cần phải quá lo lắng về độ bền của chúng. Bên canh đó, nếu bộ suit của bạn chỉ ở mức giá trung bình thì việc mở chiếc cúc cuối cùng là con dao hai lưỡi khi khiến những kẻ sành về thời trang chằm chằm vào bộ đồ bạn đang mặc trên người và phát hiện ra nó không phải là một bộ cánh đắt tiền thật sự.

4. Không gỡ bỏ phần chỉ khâu trên vai suit jacket

Với những chiếc áo mới mua (hoặc may), đôi khi chúng ta sẽ thấy phần chỉ đứt đoạn trên vai áo. Đây không phải là một chi tiết thiết kế hay biến tấu của người thợ may, chỉ đơn giản là “sự đánh dấu” phần ráp nối trong công đoạn may đo cho đến khi việc tùy chỉnh hoàn tất.

Thường thì người thợ sẽ loại bỏ chúng trước khi đưa đến tay người mặc, nhưng nếu họ quên thì hãy nhắc nhở. Nếu tự xử lý thì lưu ý đừng kéo mạnh, sẽ làm hư vải xung quanh mà hãy cắt nhỏ từng đoạn rồi từ tốn gỡ ra.

5.Treo trên những chiếc móc rẻ tiền, kém chất lượng

Không cần phải nói nhiều, những chiếc móc bằng kim loại hoặc nhựa dỏm là nguyên nhân rõ ràng nhất khiến chiếc áo khoác của bạn bị hư phom dáng và hỏng chất liệu. Việc sử dụng bừa bãi một chiếc móc cho bộ suit đánh giá phần nào bê bối trong tính cách người mặc, nó cũng kinh khủng như việc mặc một bộ đồ bóng loáng nhưng lại diện một đôi giày không đánh xi và lau chùi sạch sẽ vậy.

Lưu ý chọn những chiếc móc có kích thước vừa vặn với áo khoác, nếu quá dài sẽ kéo giãn áo gây hư hại, còn quá ngắn sẽ khiến phần vai bị chùng xuống gây mất phom. Chọn những móc gỗ dày, có phần vai xòe rộng để giữ gìn phom dáng và kéo dài tuổi thọ của chiếc áo. Còn nếu bạn là một người dành tình yêu mãnh liệt với suit, đừng ngại ngần mà đầu tư những chiếc móc được bọc nhung.

6. Ủi trực tiếp lên quần áo

Nhiều người thường lo lắng sau một ngày dài sử dụng sẽ làm chiếc áo và quần bị nhăn, do đó cần phải ủi lại cho ngày hôm sau. Tuyệt đối không được làm vậy! Nhiệt độ cao trực tiếp ủi lên bề mặt chất liệu bộ suit sẽ khiến phần vải bị bóng lên trông rất kinh khủng.

Hầu hết các bộ suit đều được làm từ các chất liệu có khả năng đàn hồi, cứ treo chúng lên móc sau một ngày sử dụng. Sau một đêm, những vết nhăn sẽ biến mất. Còn đối với những vị trí cứng đầu hơn như phần tay và đầu gối quần, hãy dùng steamer (máy ủi bằng hơi nước) để xử lý.

Vẫn khuyến khích các bạn đừng tiếc tiền mà không đầu tư cho mình một bộ đồ vest nam chất lượng tương đối tốt. Vì những chất liệu dỏm sẽ dễ bị phai màu, hư phom và sờn rách sau một thời gian giặt hấp.

Lời kết

Đồ vest nam là đặc trưng cho sự tinh thế và lịch lãm vậy nên cần phải chú ý hơn vào những tiểu tiết. Những thứ tuy nhỏ nhặt thường bị bỏ qua, nhưng trớ trêu thay lại gây ảnh hưởng đáng kể đến tính thẩm mỹ của trang phục. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp những ai lần đầu làm quen với suit sẽ để ý và tránh được 6 lỗi thường gặp này.

Đức Nguyễn/ Elleman
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
6 lỗi thường gặp của các quý ông khi diện đồ vest