Sáng 27.6, 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam cùng ký kết thống nhất những nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo Kỹ sư chuyên sâu nghề nghiệp.

7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam thống nhất chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu

27/06/2020, 16:15

Sáng 27.6, 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam cùng ký kết thống nhất những nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo Kỹ sư chuyên sâu nghề nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: P.V

Lễ ký kết công bố chung diễn ra tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với sự tham gia của các trường đại học trong khối kỹ thuật gồm trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh; trường Đại học Bách khoa Hà Nội; trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng; trường Đại học Xây dựng; trường Đại học Giao thông Vận tải; trường Đại học Thủy Lợi ;và trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Đây là lần đầu tiên 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam cùng ký kết thống nhất những nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo Kỹ sư, nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Được biết, các trường đại học đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất về một số nguyên tắc phát triển các chương trình đào tạo Kỹ sư như số tín chỉ, mô hình đào tạo và tiêu chuẩn các chương trình chung.

Tại buổi lễ, Hiệu trưởng của 7 trường đại học tham gia ký kết lần lượt công bố lộ trình phát triển các chương trình đào tạo Kỹ sư.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu: “Với trách nhiệm của những trường đại học kỹ thuật trong việc phát triển nguồn nhân lực cho đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số, chúng tôi mong muốn cung cấp chương trình có chất lượng đào tạo tốt nhất và cung cấp cho doanh nghiệp nguồn nhân lực trình độ cao, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và xã hội. Chúng tôi mong rằng bằng Kỹ sư được đào tạo ở Việt Nam có thể đối sánh và được đánh giá cao trong khu vực và trên toàn thế giới”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM cho biết: Đối với chương trình đào tạo kỹ sư “mới”, Trường cam kết đảm bảo xây dựng chương trình tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, khối lượng kiến thức toàn khóa tối thiểu 180 tín chỉ, đồng thời phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế đề người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng Kỹ sư và Thạc sĩ.

Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính: mô hình đào tạo với một chương trình tích hợp Cử nhân - Kỹ sư cho cùng một ngành, cấp bằng Cử nhân và Kỹ sư cho người tốt nghiệp (chương trình toàn khóa được thiết kế cho thời gian đào tạo 5 năm hoặc 5,5 năm); và mô hình đào tạo 2 giai đoạn với 2 chương trình, tương ứng với hai trình độ Cử nhân và Kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng Cử nhân và Kỹ sư sau khi kết thúc từng giai đoạn.

Đây là sự kết hợp rất cần thiết để sinh viên có cách tiếp cận sâu hơn, rộng hơn và toàn diện hơn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Việc thống nhất chuẩn mực cho các chương trình đào tạo Kỹ sư được cho là một tín hiệu đáng mừng đối với cả người học và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng có thể tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ các chương trình hợp tác trong quá trình đào tạo của nhóm các trường đại học trong khối ngành kỹ thuật.

Việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho các chương trình đào tạo Kỹ sư không chỉ có ý nghĩa trong nước, mà còn đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi giá trị văn bằng Kỹ sư truyền thống được chuẩn hóa và nâng cao.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, đánh giá cao tinh thần đoàn kết và sức lan tỏa của sự kết nối này trong hoạt động giáo dục, đồng thời cho rằng sự thống nhất chung giữa các trường không chỉ có ảnh hưởng trong nước mà xa hơn là thị trường lao động quốc tế.

"Việc xây dựng chuẩn mực cho từng trình độ giáo dục đào tạo Việt Nam là rất quan trọng. Đó là định hướng cho mặt bằng chung tối thiểu của nguồn nhân lực Việt Nam đối với nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Các chương trình đào tạo Kỹ sư sẽ được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn chương trình về đầu vào, đầu ra và khối lượng kiến thức, đảm bảo tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia.

Tường Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam thống nhất chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu