“Bản thân ngành cũng còn nhiều thiếu sót, nhiều vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong dư luận. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, tôi xin chịu trách nhiệm về những việc chưa làm được và hứa thực hiện tốt hơn thời gian tới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
"Tôi xin nhận trách nhiệm"
Sáng nay 6.6, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội.
Hơn một tiếng sau khi phiên chất vấn Bộ trưởng Nhạ bắt đầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo: Hiện nay đã có 9 đại biểu chất vấn, 67 đại biểu chờ chất vấn, 11 đại biểu tranh luận, 8 đại biểu chờ tranh luận.
Chủ tịch Quốc hội cho hay "như vậy tổng cộng có 80 đại biểu đã đăng ký chất vấn và tranh luận nên hệ thống máy chịu không nổi, bị treo".
Có 5 phút báo cáo trước Quốc hội trước khi bước vào phần hỏi - đáp,Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nóithời gian qua ngành giáo dục đã đạt được những kết quả bước đầu.Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng lớn, khó, cần thời gian mới phát huy được kết quả của đổi mới.
“Bản thân ngành cũng còn nhiều thiếu sót, nhiều vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong dư luận. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, tôi xin chịu trách nhiệm về những việc chưa làm được và hứa thực hiện tốt hơn thời gian tới”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Cô giáo mầm non yêu trẻ, nhưng vẫn có bạo hành
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu K’Nhiễu nêuvề hiện tượng tiêu cực đã xảy ra với hệ thống giáo dục mầm non trong thời gian qua. Điều này đã tạo nên sự trăn trở, bức xúc trong xã hội, làm giảm niềm tin của cử tri với bộ máy lãnh đạo quản lý ngành giáo dục.
Đại biểu Đặng Thuần Phong tranh luận:Bộ trưởng có nói giáo dục mầm non của chúng ta được UNICEF đánh giá rất cao. Tuy nhiên, hiện naygiáo dục mầm non đang nóng và gây bức xúc nhất là quy mô phát triển không đồng đều ở các vùng miền. Chất lượng không ổn định, nguồn lực đầu tư cho giáo dục thấp nhất trong ngành, cơ sở trường lớp, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về những chất vấn trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đây cũng là một trong những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận xã hội. Hiện nay cả nước có 15.000 cơ sở mầm non, với 337.000 giáo viên mầm non.
“Về cơ bản, các cơ sở và thầy cô mầm non rất là tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ nhưng cũng bắt đầu xuất hiện số giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Đặc biệt là ở các cơ sở đào tạo mầm non tư thục. Có những trường hợp bạo hành không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng nói.
“Trong ngành giáo dục, cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu tôi rất phản đối và có những chỉ đạo, kiên quyết những giáo viên này, buộc phải đưa ra khỏi ngành ngay, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra bạo hành, sẽ bị đình chỉ và thậm chí giải thể, đóng cửa”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tới đây, để thực hiện đã có nhiều giải pháp, chúng tôi tính toán căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải được quy hoạch đào tạo bài bản thường xuyên và có chế độ hợp lý.
Hiệnchế độ lương cho giáo viên mầm non thấp quá, theo quy định các cô ra trường hệ trung cấp có 2,4 triệu đồng như thế thì rất khó khăn. Bộ GD-ĐT đã trao đổi với Bộ Nội vụ để có chế độ tốt nhất cho giáo viên mầm non, ngoài ra cũng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường lớp.
“Tỷ lệ chi cho giáo dục mầm non, Nhà nước chỉ có 39%, gia đình 61%. Khi các cháu vào học mầm non, gia đình phải đóng góp nhiều nhất so với các cấp học khác. Như vậy mà mầm non được đánh giá cao thì tôi cũng không hiểu thế nào”, ông Phong nói.
Chất lượng giáo dục đại học còn rất thấp do... học phí
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa băn khoăn, Việt Nam có 300 trường đại học, nhưng chỉ 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á.Vậy giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu trong bảng xếp hạng châu Á?
Bộ trưởng Nhạ thông tin: Hiện nay, so với mặt bằng thế giới, giáo dục đại học của Việt Nam còn thấp. Trong xếp hạng Ranking chưa có trường đại học nào của ta được xếp vào bảng xếp hạng danh tiếng. Gần đây, có 5 trường được vào nhóm 400 của châu Á. Theo thông tin tôi mới biết, đã có 2 đại học lọt vào 1.000 trường tốt nhất thế giới.
Ông Nhạ cho hay đây là tín hiệu đáng mừng. Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm định, đồng thời thực hiện xếp hạng các trường với nhau và xếp hạng giữa trường trong nước với trường quốc tế. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để đầu tư cho những trường xuất sắc.
Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo cũng thừa nhận chất lượng đào tạo đại học còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là khi Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
"Nguyên nhân có nhiều nhưng trước hết là chương trình đào tạo chưa sát với yêu cầu của thị trường, chương trình học chủ yếu được các thầy cô xây dựng dựa trên hiểu biết chứ không xuất phát từ thực tế. Bên cạnh đó là chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính còn nhiều vấn đề…", ông Nhạ nêu lý do.
Một nguyên nhân nữa là chất lượng giáo dục đại học còn hạn chế là mức học phí. Ông Nhạ cho rằngmức học phí tại Việt Nam thấp và cho rằng "đồng tiền đi liền chất lượng". "Ở nước ta, suất học phí đối với sinh viên bình quân là 630 USD, trong khi con số này ở Mỹ là 19.000 USD, ở Trung Quốc 3.500 USD,... chi phí thấp nên nên chất lượng đại học khó mong đợi cao", Bộ trưởng Giáo dục nói.
Về phương án cải tiến chất lượng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nhạ cho hayBộ sẽ cố gắng không đầu tư dàn trải, sẽ có những trường được đầu tư trọng điểm, hướng tới xã hội hóa, trong khi những trường chất lượng vừa phải có thể phải xem xét sáp nhập, giải thể.
Người Việt chi 3 - 4 tỉ USD/năm đểdu học
Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Thân về thực trạng ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam chọn nước ngoài du học trong khi trong nước có nhiều trường tốt, Bộ trưởng Nhạ thừa nhậnđây là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Theo ông Nhạ, Nhà nước coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, dành 20% ngân sách để đầu tư, cùng với đó còn có sự tham gia đóng góp của xã hội, doanh nghiệp rất lớn. Kinh nghiệm phát triển giáo dục của Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng có sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển giáo dục.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, hằngnăm số học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu ở dạng học bổng, không học bổng rất lớn với số chi vào khoảng 3 - 4 tỉUSD.Bộ đã tham mưu Chính phủ có chính sách khuyến khích xã hội hóa, hiện nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào giáo dục theo chuẩn quốc tế.
Ngân sách nhà nước tập trung cho giáo dục phổ cập, vùng khó khăn. Còn giáo dục chất lượng cao thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm, nhưng rất trông đợi vào đầu tư của tư nhân với chương trình học tiên tiến, kiểm định chất lượng dạy, học ngay từ đầu. Giải pháp này, theo ông Nhạ sẽ tăng đóng góp của khu vực tư nhân trong giáo dục chất lượng cao, giảm áp lực cho Nhà nước.
Mời bộ trưởng đi xem trường chuẩn mà không đạt chuẩn
Cũng chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho hay có tình trạng “chuẩn giả” trong giáo dục, trường đạt chuẩn, giáo viên đạt chuẩn nhưng thực chất không đạt, đượcđịa phương cho nợ. Bên cạnh đó, để thi đỗ tốt nghiệp phổ thông và đại học, các học sinh bỏ không học các môn không thi mà chỉ học môn thi. Để đủ điều kiện dự thi, phụ huynh đến gặp thầy cô “nộp” tiền...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận có tình trạng này và cho biếtmột số địa phương muốn được công nhận nông thôn mới nên nợ chuẩn. “Tôi cho rằng chuẩn chất lượng là phải đảm bảo chứ không có chuyện nợ chuẩn. Tới đây Bộ sẽ thực hiện việc này mạnh hơn”.
Việc một số học sinh học lệch, bỏ các môn họckhông thi là có thật. Thống kê cũng chưa biết là bao nhiêu nhưng có tình trạng học “tủ lệch” đặc biệt là các trường chuyên. “Chúng tôi đã cấm vấn đề này, bởi giáo dục phổ thông phải toàn diện, phải chú trọng các môn liên quan đến phát triển con người, dạy làm người chứ không phải học để thi".
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương tranh luận lại rằngthực ra vấn đề “chuẩn giả” trong giáo dụckhông chỉ gắn với nông thôn mới mà cả đô thị cũng có. Không phải đâu xa, từ hội trường này đi ra khoảng 5-7 phút cũng thấycó.
"Lúc nào Bộ trưởng có điều kiện, tôi xin mời Bộ trưởng đi xem. Trường đạt chuẩn quốc gia gì mà không có gì đạt chuẩn. Mỗi một lần tập trung các cháu không có sân, phải mời mỗi lớp chỉ 5 - 6 cháu xuống. Trường trung học cơ sở nhưng lại dùng bàn của tiểu học. Đến lúc các gia đình chịu không nổi thì bỏ tiền ra mua, lúc hỏng lại gọi phụ huynh đến sửa. Tôi rất buồn khi chuẩn giáo dục đặt ra không được thực hiện”, ông Cương nói.
Lam Thanh