Bài toán lớn được quan tâm hiện nay là việc xử lý tài sản đảm bảo sau khi được VAMC mua lại sẽ ra sao?

Ai lo đầu ra cho nợ xấu đã mua?

Một Thế Giới | 02/10/2013, 11:50

Bài toán lớn được quan tâm hiện nay là việc xử lý tài sản đảm bảo sau khi được VAMC mua lại sẽ ra sao?

           

Lãnh đạo Công ty Quản lý và Khai thác tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết sẽ tìm cách cứu doanh nghiệp trước, khi hết cách mới tính đến bán tài sản doanh nghiệp.

Chưa nghĩ tới việc bán

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thành viên VAMC, cho biết, vừa ký hợp đồng mua lại những khoản nợ đầu tiên từ Agribank với tổng giá trị 1.723 tỉ đồng. Trong số các khoản nợ xấu chuyển sang cho VAMC có 27 khoản với giá trị sổ sách hơn 2.400 tỉ đồng của 11 doanh nghiệp. Bán các khoản nợ xấu cho VAMC đợt này, Agribank giảm được 7,56% tổng nợ xấu toàn hệ thống.

Theo ông Hùng, VAMC đang xem xét hồ sơ các khoản nợ trị giá ít nhất 1.000 tỉ đồng của 3 ngân hàng khác như SCB, SHB và PGBank. Dự kiến, VAMC sẽ mua lại 10.000 tỉ đồng nợ xấu, thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt cho khoảng 10 ngân hàng trong 2 tháng tới. “Nhiều ngân hàng dù nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn chủ động liên hệ với chúng tôi để bán nợ. Cũng có trường hợp như ACB tuyên bố bán 1.500 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC nhưng chưa thấy nộp hồ sơ”, ông Hùng nói.

Sau khi mua xong các khoản nợ của Agribank, VAMC sẽ ủy quyền lại cho ngân hàng này quản lý (khoản nợ) và tiếp tục cùng với VAMC thực hiện các biện pháp để thu hồi, cơ cấu lại nợ. “Giờ đặt vấn đề vừa mua nợ xong đã bán ngay tài sản hơi sớm. Bán cũng phải có thời gian và phải xem xét tài sản thế chấp thế nào, khả năng trả nợ của khách hàng ra sao. Quan điểm chúng tôi phải tìm cách cứu, vực dậy khách hàng trước chứ không chỉ tìm cách bán tài sản của người nợ. Việc bán tài sản chỉ thực hiện khi không còn cách nào khác”, ông Hùng cho biết.

Nên cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia kinh tế cho rằng, để xử lý khoản nợ xấu lên tới 200.000 tỉ đồng hiện nay, cần làm rõ cơ cấu (các khoản nợ). Trong khi nợ xấu lớn nhất thuộc nhóm các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ khác với khoảng 19,5% tổng nợ xấu. Dù bị đổ tội nhiều, nhưng nợ xấu trong bất động sản chỉ khoảng 14,6%.

Ba nhóm nợ lớn nhất là xây dựng; vận tải kho bãi; mua bán sửa chữa ô tô, động cơ chiếm khoảng 40% tỉ lệ nợ xấu. Lĩnh vực công nghiệp chế tạo tưởng không có nợ xấu, nhưng chiếm tới 9,9% tổng nợ xấu. “Cơ cấu nợ xấu cho thấy, doanh nghiệp Việt tham gia vào nền kinh tế không có cái nhìn dài hơi. Tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp xử lý được những khoản nợ của các ngân hàng. Với cách chuyển nợ sang VAMC như hiện nay, chỉ giúp bảng cân đối của các ngân hàng đẹp lên chứ hiệu quả xử lý không cao”, vị này nói.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, xử lý nợ xấu sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tỉ lệ cho vay của các ngân hàng Việt Nam cộng lại trong 2 năm vừa qua lên tới hơn 100% số tiền huy động.

Đặc biệt, có những ngân hàng vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng (nợ xấu trên tổng vốn cho vay chiếm tới hơn 30% hoặc có nợ xấu vài ngàn tỉ đồng) nhưng vẫn được tiếp tục cho vay. Trong khi ở các nước, khi vốn điều lệ của ngân hàng đã bị bào mòn và tiền dự trữ để xử lý nợ xấu không còn đủ thì không được tiếp tục hoạt động.

Theo ông Thành, bài toán lớn nhất hiện nay là xử lý tài sản đảm bảo sau khi được VAMC mua lại sẽ ra sao. Nếu VAMC “ôm” các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo (các công trình, dự án đang xây dựng dở dang và nhà xưởng, máy móc của doanh nghiệp) chắc chắn sẽ khó tìm được người mua trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, ngân hàng đã bán nợ xấu cho VAMC nhưng vẫn phải trích lập dự phòng nợ xấu 20%/năm chả khác gì không bán nợ. Việc này chỉ đơn giản giúp ngân hàng làm sạch sổ sách tạm thời.

Cách xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả hiện nay là cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ với những ưu đãi riêng. Như ở Thái Lan, họ cho phép người nước ngoài mua lại nợ xấu bất động sản và được sở hữu trong một khoảng thời gian nhất định. Tài sản này cũng được phép chuyển nhượng sau đó. Phần lợi nhuận, nhà đầu tư mua nợ xấu được phép chuyển về nước của mình nếu việc kinh doanh có lãi.

“Tôi không thấy phương án xử lý đầu ra của các khoản nợ xấu mà VAMC mua. Nếu không xử lý được đầu ra thì mua vào để làm gì? Ai bán hàng cũng muốn có người mua và ngược lại người mua vào cũng muốn tìm được người để bán lại hàng. Nhưng vấn đề là ai mua lại các khoản nợ như vậy”, ông Thành nói.

Nguồn: Báo Tiền Phong

           
Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ai lo đầu ra cho nợ xấu đã mua?