Tình hình căng thẳng tồi tệ nhất bùng nổ ở khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Căng thẳng biên giới giữa hai nước Nam Á đã khiến Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phải lên tiếng hòa giải. Trong thực tế, xung đột Ấn Độ - Pakistan còn liên đới tới nước thứ ba là Trung Quốc.

Ấn Độ - Pakistan choảng nhau, Bắc Kinh 'ngư ông đắc lợi'

05/10/2016, 06:10

Tình hình căng thẳng tồi tệ nhất bùng nổ ở khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Căng thẳng biên giới giữa hai nước Nam Á đã khiến Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phải lên tiếng hòa giải. Trong thực tế, xung đột Ấn Độ - Pakistan còn liên đới tới nước thứ ba là Trung Quốc.

Căng thẳng gia tăng ở biên giới Ấn Độ và Pakistan - Ảnh: AP

Ngày 1.10, các binh sĩ Ấn Độ và Pakistan đã đấu súng hạng nặng tại đường kiểm soát (LoC) thuộc khu vực tranh chấp Kashmir. Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan đã đột kích và sát hại 18 binh sĩ Ấn Độ, cuộc tấn công đẫm máu nhất từ Pakistan trong 14 năm qua. Lệnh giới nghiêm trên diện rộng đã được ban hành. Ấn Độ đã tăng cường quân ở Kashmir.

Tại Ấn Độ, những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu đã kêu gọi chính phủ trả thù. New Delhi đang xem xét có nên sử dụng sức mạnh kinh tế và ngoại giao để gây sức ép với Islamabad hay không. Còn phía Pakistan đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Ấn Độ. Washington đã phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ đe dọa của Islamabad.

Như vậy là chuyến thăm kiểu “ngoại giao bất quy tắc” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Pakistan hồi cuối năm 2015 (đúng sinh nhật của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif) đã trở nên vô nghĩa. Thủ tướng Modi muốn qua chuyến thăm thân thiện ấy để biến Nam Á “từ chiến trường thành thị trường” như bậc tiền bối - cố Thủ tướng Thái Lan Chatichai Choonhavan khi ông muốn “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường” trong những năm 1980.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif nghênh đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) đến thăm cuối năm 2015 - Ảnh: AFP

Món quà sinh nhật của Thủ tướng Ấn Độ

Có thể thấy xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan đã khiến cho hai quốc gia này mất đi rất nhiều lợi ích. Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan trong lịch sử đã tạo nên mối hận thù giữa hai quốc gia khiến cho vùng Nam Á chưa bao giờ có hòa bình thực sự. Các quốc gia nhỏ trong vùng cũng bị vạ lây và Nam Á trở thành khu vực kém phát triển so với tiềm năng.

Khi lên cầm quyền sau chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi với tư tưởng ôn hòa đã quyết tâm mang lại hòa bình cho Nam Á, qua đó khai thác lợi ích tiềm năng, phát triển đất nước.

Sau những chuyến công du tới các cường quốc như Nga, Nhật, Mỹ, ông Modi đã có được nhiều thỏa thuận hy vọng mang lại lợi ích cho Ấn Độ. Mọi hiệp ước, thỏa thuận có được sau các chuyến công du chỉ có thể được triển khai hiệu quả khi Nam Á im tiếng súng, người dân trong khu vực được sống trong hòa bình. Và để có được điều ấy thì xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan phải được giải quyết.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Modi đã có một chuyến thăm “bất quy tắc trong ngoại giao” tới Pakistan vào ngày 25.12.2015. Ông ghé thăm Pakistan trên đường trở về sau chuyến công du Afghanistan, do vậy chuyến thăm không được chuẩn bị trước. Đến Pakistan, món quà sinh nhật mà ông Modi muốn tặng cho người đồng nhiệm là chia sẻ lợi ích từ các hiệp định ông mang về sau các chuyến công du của ông.

Trung Quốc đầu tư 46 tỉ USD vào Pakistan

Có thể thấy so với thị trường hơn 1,3 tỉ người của Ấn Độ thì hơn 100 triệu dân của Pakistan là quá nhỏ bè. Các thỏa thuận Ấn Độ có được nhờ lợi thế này thì Pakistan sẽ không bao giờ có được.

Điều đó cho thấy thiện ý của ông Modi qua chuyến thăm này là tạo ra hiệu ứng ba bên cùng có lợi từ các thỏa thuận giữa Ấn Độ với các đối tác và Pakistan chính là bên thứ ba.

Có lẽ “nằm mơ giữa ban ngày” thì Thủ tướng Nawaz Sharif cũng không nghĩ Pakistan có món quà có ý nghĩa và giá trị lớn như vậy. Tuy nhiên, đó mới chỉ là lợi ích triển vọng, muốn khai thác được thì phải có cơ chế khai thác phù hợp giữa Ấn Độ và Pakistan. Và để xây dựng cơ chế phù hợp thì khu vực Nam Á phải im tiếng súng.

Cuối tháng 9.2016, người dân Ấn Độ gần biên giới Pakistan lũ lượt tản cư vì lo ngại chiến sự bùng nổ - Ảnh: AFP

Với một quốc gia như Pakistan mà vai trò của quân đội còn ảnh hưởng rất lớn đến chính trường, kết thúc xung đột với Ấn Độ là điều không dễ dàng. Phải chăng vì lẽ đó mà ông Sharif không thế khai thác được giá trị món quà sinh nhật ý nghĩa của Ấn Độ. Người viết cho rằng nếu chỉ đối mặt với quân đội thì có lẽ điều đó không phải là không thể, nếu không có một tác động khác.

Tác động mang tính chất xúc tác đó chính là những lợi ích mà Bắc Kinh mang tới cho Islamabad. Cho dù những lợi ích có được từ Bắc kinh không lớn như lợi ích triển vọng từ Ấn Độ, song lợi ích có ngay và lại đáp ứng kịp thời những gì Pakistan cần nên phát huy hiệu quả tức thì. Kết quả là quan hệ chiến lược Bắc Kinh - Islamabad đã thành hình.

Reuters ngày 27.4 đã nhận định: “Bảy tháng qua, Pakistan và Trung Quốc đã tiến hành tập trận chung. Trung Quốc đã xây dựng sáu lò phản ứng hạt nhân ở Pakistan trong 20 năm qua và hy vọng giúp xây dựng hai lò nữa. Trung Quốc đã dành khoản tiền tới 46 tỉ USD để đầu tư trên khắp lãnh thổ Pakistan, nhiều hơn so với ngân sách viện trợ của Mỹ hàng năm trên toàn thế giới”.

Bắc Kinh lôi kéo Nepal và Pakistan

Nhận diện Bình Nhưỡng đang ngày càng xa tầm kiểm soát của Bắc Kinh, Trung Nam Hải đã xây dựng quan hệ chiến lược với Islamabad như một kế sách trong việc hiệu chỉnh Triều Tiên. Do vậy, khi Chủ tịch Tập Cận Bình có ý tưởng tái lập con đường tơ lụa và làm mới bằng cách thêm một nhánh đường thủy nữa thì việc kết nối và nâng tầm quan hệ Trung Quốc - Pakistan đã khiến cho Bắc Kinh lợi cả đôi đường. Con bài Islamabad có trọng lượng hơn nhiều so với con bài Triều Tiên trong chiến lược tạo thế đối trọng Trung - Mỹ.

Quan hệ với Pakistan thì Trung Nam Hải chỉ cần “cố gắng tối thiểu sẽ đạt hiệu quả tối đa”. Islamabad vốn là đồng minh của Washington. Khi Obama chuyển trục về châu Á - Thái Bình Dương thì Pakistan không còn là con bài chiến lược với Mỹ nữa. Do vậy, Bắc Kinh kích hoạt kết nối và nâng tầm chiến lược cho quan hệ Trung Quốc - Pakistan rất dễ dàng.

Khi Thủ tướng Modi không muốn Ấn Độ đón nhận các “đại công xưởng” từ Trung Hoa đại lục bởi chính sách tái cơ cấu sẽ làm giảm nhịp độ sản xuất trong nước và thực thi kế hoạch chuyển ô nhiễm ra ngoài biên giới Trung Quốc, Bắc Kinh đã gây rối New Delhi bằng cách tăng cường quan hệ với quốc gia "tí hon" Nepal và nâng tầm với Pakistan.

Sự kiện Bắc Kinh lôi kéo được cả Katmandu và Islamabad đã khiến cho New Delhi hỗng chân ở Nam Á. Đặc biệt, hai nhánh của con đường tơ lụa mới đang bị nghẽn thì Trung Nam Hải chọn “đi đường tắt”. Khi có được trụ móng quan trọng nhất là cảng Piraeus của Hy Lạp trên Địa Trung Hải, Bắc Kinh nhanh chóng tìm những con đường tắt ngắn nhất đến điểm chiến lược này.

Cảng nước sâu Gwadar của Pakistan

Ván cờ Syria như đang thôi thúc những con tàu lợi ích Trung Quốc nhổ neo hướng đến bờ đông của châu Phi nhằm phân chia ảnh hưởng với Mỹ - Nga đồng thời hiện thực hóa chiến lược đồng hóa lục địa đen của Trung Nam Hải. Và cảng nước sâu Gwadar của Pakistan là một trong những điểm xuất phát và trung chuyển tốt nhất cho những con tàu lợi ích của Bắc Kinh.

Cảng nước sâu Gwadar của Pakistan là một trong những điểm xuất phát và trung chuyển tốt nhất cho Bắc Kinh - Ảnh: NBC News

Reuters ghi nhận: “Chỉ với một cảng biển nước sâu ở biển Ả Rập và một con đường đất xa xôi phía tây Trung Quốc, Bắc Kinh có thể vận chuyển số lượng lớn dầu thô từ Trung Đông trên con đường ngắn nhất qua Pakistan, thay vì đi 6.000 dặm qua eo biển Malacca đến Thượng Hải. Đó là đường vận chuyển 80% dầu thô của Trung Quốc và các năng lượng khác”.

Và để đến được điểm trung chuyển lợi hại đó, nhánh đường bộ phải đi ngang qua Kashmir, điểm nóng nhất trong xung đột biên giới Ấn Độ - Pakistan. Áp lực tăng độ hối hả cho những con tàu lợi ích của Bắc Kinh càng lớn thì con đường lợi ích qua Kashmir càng phải khẩn trương hoàn tất. Vì lợi ích chiến lược, Islamabad quyết mở đường máu qua cứ điểm này.

Khi nhận diện Washington xem Ấn Độ là sân sau chiến lược, bảo đảm cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vận hành hiệu quả thì Bắc Kinh càng gây rối khu vực Nam Á để khiến cho lợi ích Mỹ rất khó bám rễ tại đây. Từ đó, ý tưởng của Thủ tướng Modi nhằm biến rào cản giữa Washington với New Delhi thành “những cây cầu lợi ích” Mỹ - Ấn rất khó trở thành hiện thực.

Chiến lược Đông tiến có nguy cơ phá sản

Trước nguy hại từ liên minh Bắc Kinh - Islamabad, Thủ tướng Modi đã xây dựng “chiến lược Đông tiến”, kết nối quan hệ hợp tác Ấn Độ - ASEAN với đột phá khẩu được nhận diện là Việt Nam và Singapore. Điều này chẳng khác gì New Delhi “chọc vào tổ kiến lửa” của Bắc Kinh bởi đây đang là địa bàn cạnh tranh khốc liệt nhất trong ngoại giao nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Khi nhận thấy Singapore là trung tâm cạnh tranh lợi ích Trung - Mỹ, ông Modi xoay sang chọn Myanmar làm cầu nối với các thành viên còn lại trong ASEAN. Tuy nhiên, ông đã chậm một bước so với Tập Cận Bình khi Myanmar đã chấp thuận cho dự án “2 trong 1” - đường ống dẫn khí - dầu từ Trung Quốc đến vịnh Bengal.

Trong tương lai, Trung Quốc hy vọng sẽ mở rộng dự án “2 trong 1” lên thành dự án “4 trong 1” với việc xây dựng thêm tuyến đường sắt và đường bộ song hành với đường dẫn khí - dầu. Dự án “4 trong 1” được xem là đường tắt - đường tạm lợi hại nhất cho hai nhánh của con đường tơ lụa mới vốn quá tốn kém ở trên bộ và nhánh đường thủy đang nghẽn tại Biển Đông.

Ấn Độ tăng cường kiểm tra ở khu vực biên giới với Pakistan - Ảnh: AP

Sự kiện Thủ tướng Modi liên tục “chọc ngoáy” vào những “vùng cấm” của Bắc Kinh có thể khiến New Delhi phải nhận “đòn hồi mã thương” của Trung Quốc. Chỉ cần Bắc Kinh liên tục kích hoạt căng thẳng trong xung đột biên giới Pakistan - Ấn Độ thì chiến lược Đông tiến của ông Modi khó có thể trở thành hiện thực.

Có thể thấy Bắc Kinh đang dần tạo ra hàng rào bao quanh Ấn Độ. Mục đích cuối cùng của Tập Cận Bình có thể nhận diện là ông Modi phải tạo điều kiện để Ấn Độ chia sẻ với Trung Quốc những hệ lụy từ việc hạ nhiệt phát triển nóng tại Trung Quốc qua chính sách tái cơ cấu kinh tế.

Bên cạnh đó, New Delhi không được có ý định phá vỡ BRICS, một định chế mà Bắc Kinh đang tận dụng để nâng cao vị thế trong G20, thách thức vai trò của Mỹ. Khi Trung Quốc chưa đạt được mục đích đó thì xung đột Ấn Độ - Pakistan khó có thể giải quyết dứt điểm.

Tóm lại, xung đột Ấn Độ - Pakistan không chỉ là chuyện của riêng hai nước mà đã có liên đới tới nước thứ ba Trung Quốc. Chỉ có điều xung đột New Delhi - Isalamabad càng gia tăng, Bắc Kinh càng được hưởng lợi.

Ngọc Việt

Bài liên quan
Ấn Độ dùng AI kiểm soát nguy cơ giẫm đạp tại sự kiện đông người nhất thế giới
Hãng AFP cho biết với mong muốn rũ bỏ tiếng xấu kiểm soát đám đông yếu kém tại các sự kiện tôn giáo quy mô lớn, đơn vị tổ chức lễ Kumbh Mela - sự kiện đông người nhất thế giới - dùng đến trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cố gắng ngăn chặn tình trạng giẫm đạp xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ - Pakistan choảng nhau, Bắc Kinh 'ngư ông đắc lợi'