Hơn 2 năm nay, người dân quanh khu vực hẻm 51 đã quá quen thuộc với hình ảnh 1 bà cụ đi lom khom với công việc quét rác, dọn đường làm sạch cảnh quan.
Đó là bà Võ Thị Bạch Tuyết (còn gọi là bà Bảy Tuyết), năm nay đã 86 tuổi. Bà Tuyết lưng đã còng, mắt mờ nhưng ngày ngày bà vẫn đi quanh khu vực hẻm 51 (đường 3.2, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) để quét rác, dọn dẹp cây cỏ. Bà xem việc “vác tù và hàng tổng” là niềm vui tuổi già của mình.
Dưới cái nắng chang chang của tháng 4, PV bắt gặp hình ảnh một bà cụ cặm cụi lấy dao chặt từng cây cỏ xung quanh bờ hồ. Khi dừng lại hỏi thăm mới biết đây là công việc mà bà đã dành thời gian của mình làm hơn 2 năm nay. Tuy đã già cả, không thấy rõ đường xá, nhưng nơi nào có rác, có cỏ dại là bà đến làm. “Vòng khu này, trước đó cỏ dại mọc lên nhiều lắm. Giờ tôi làm nó trống trải bớt rồi, coi thấy như vậy đó, chứ ngày mai lại đây coi sạch trơn hết. Tôi làm như vậy là mê làm thôi, không cần ai trả tiền. Nếu được, tôi chỉ có một yêu cầu mỗi tháng mua cho tôi cây chổi để quét sạch trơn đường xá”, bà Tuyết tếu táo nói.
Ban đầu, khi thấy bà Tuyết ngồi làm cỏ, quét đường không ít người cho rằng bà bị khùng, bị điên mới “làm chuyện thiên hạ”. Nhưng bà mặc kệ. Theo bà thì: “Ai nói gì thì kệ người ta, chuyện mình thích thì mình làm. Làm cho sạch đường, tôi đi mà thấy dơ dơ là bực bội lắm”.
Bà Tuyết kể, nhà bà lúc trước là gốc cách mạng, anh em của bà đã chết trong chiến tranh, bỏ lại bà. Chồng bỏ bà năm 45 tuổi, một mình bà đi cắt từng cọng rau muống, rồi đi cày, đi cấy mướn cho người ta để nuôi 11 đứa con. Lúc trẻ cực khổ với con cháu là thế, nhưng khi về già bà Tuyết lại không muốn làm phiền tới ai. Một mình bà vẫn tự kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Thu nhập hiện tại của bà là nhờ vào việc lượm ve chai, hái rau muống bán. “Nhiều khi đi cắt cỏ, quét rác như vậy có chỗ người ta thương thì cho vài chục ngàn, còn không thì thôi bà không xin của ai hết”, bà Tuyết nói.
Không những vậy, nếu thấy có rác ở hồ Bún Xáng bà sẽ lấy xuồng bơi ra để vớt rác. Nhờ vậy mà ở một đoạn của bờ hồ qua quan sát hầu như đã không còn rác. Bà Tuyết cũng tự tay giăng một đoạn lưới ở vòng quanh hồ để rác không tấp vô bờ làm mất vẻ mỹ quan. Bà cho rằng, để giữ gìn vệ sinh chung cho bờ hồ, mỗi người cần góp ý với nhau một chút là được.
Nhưng do ý thức kém ở một số người dân, rác cứ xả ra không ngừng. Hôm trước dọn sạch sẽ thì hôm sau đâu lại hoàn đấy. Giữ gìn môi trường là nhiệm vụ chung của mỗi người, nhưng thấy bà dọn họ cứ dần dần cho đó là nhiệm vụ mà bà phải làm.
Ở độ tuổi đã già, cụ bà ấy vẫn không chịu nghỉ ngơi, ngày ngày lao động giúp đời. Với công việc thầm lặng của bà đã đóng góp không ít vào việc giữ gìn vệ sinh chung của cộng đồng, xây dựng vẻ mỹ quan đô thị.