"Nếu chúng ta lấy sức khỏe của mình làm đầu, 1 đồng tiết kiệm ngày hôm nay nhưng nếu lỡ mua nhầm thực phẩm không an toàn thì sẽ phải trả giá lớn cho tương lai".
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã nhấn mạnh như thế tại Hội nghị Sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TP.HCM và các tỉnh giai đoạn 2021-2025 vào hôm nay (3.12).
4 tiêu chí để đánh giá thực phẩm an toàn
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, sản xuất nông nghiệp tại TP chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Cụ thể rau, củ, quả sản xuất tại TP chỉ đáp ứng được 30%; động vật sống đáp ứng được 10%; thủy sản và sản phẩm thủy sản đáp ứng được 15 - 20%.
Do vậy, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành khác trong việc cung ứng, tạo nguồn thực phẩm cho TP không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc - Trưởng phòng quản lý chất lượng, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết tính đến cuối tháng 10.2022 đơn vị này đã phối hợp với 15 tỉnh, thành tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận tham gia đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” với 295 cơ sở.
Các cơ sở sau khi tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã chủ động chuẩn hóa, nâng chất lượng hàng hóa ngay từ khâu gieo trồng và chú trọng đầu tư sơ chế, chế biến sản phẩm đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc… để gia tăng giá trị và sản lượng tăng cao.
Đến nay có 340 cơ sở được cấp 360 giấy chứng nhận như IS0 (7 giấy), VietGAP (311 giấy), HACCP (14 giấy), FSCC (7 giấy), Halal (12 giấy), GlobalGAP (8 giấy), sản phẩm hữu cơ (2 giấy).
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, để bảo đảm an toàn thực phẩm thì phải xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn, trong đó cốt lõi là xây dựng “Chuỗi cung ứng thực phẩm sạch”.
Hiện nay đối với ngành nông nghiệp có nhiều chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, HACCP… với mục tiêu giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững. Có thể nói trong thời gian qua, ngành nông nghiệp, nhất là trong khâu sản xuất sản phẩm đã có những bước tiến trong việc nâng cao chất lượng được thể hiện qua việc mỗi năm xuất khẩu mang về hàng chục tỉ USD.
Việt Nam cũng trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc xuất khẩu một số nông sản đáp ứng những tiêu chí kỹ thuật cao ở những thị trường “khó tính” trên thế giới. Đối với thị trường trong nước, chất lượng thực phẩm đã có sự cải thiện lớn đáp ứng nhu cầu cho người dân nhưng vẫn còn nhiều thử thách.
Trong thời gian vừa qua, TP.HCM đã tiến hành xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn đã góp phần tăng dần về số lượng cũng như chất lượng.
Bà Lan cho rằng, để đánh giá thực phẩm cung ứng cho người dân có an toàn hay không cần phải dựa vào 4 tiêu chí, đó là công tác thanh, kiểm tra nghiêm ngặt; ít vụ ngộ độc xảy ra; kết quả kiểm nghiệm; số lượng thực phẩm sạch tiêu thụ tăng lên.
“Đối với công tác thanh, kiểm tra là tiêu chí quan trọng nhưng không tuyệt đối, vì phát hiện nhiều vụ vi phạm thì buồn hơn mừng. Còn số vụ ngộ độc giảm cũng là điều tốt, nhưng chưa tuyệt đối vì chúng ta chỉ biết những vụ ngộ độc cấp tính còn ngộ độc trường viễn với những hóa chất cấm tồn dư trong thực phẩm ăn phải thì chưa biết.
Như vậy, chỉ có kết quả kiểm nghiệm thực phẩm và số lượng thực phẩm sạch tiêu thụ tăng lên là những tiêu chí tuyệt đối. Khi số mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nhiều mà số mẫu vi phạm ít là chứng tỏ thực phẩm trên thị trường đã an toàn hơn trước; hay số lượng thực phẩm sạch tiêu thụ tăng lên cũng có nghĩa thực phẩm bẩn tiêu thụ giảm”, bà Lan chia sẻ.
Các bếp ăn tập thể trong nhà trường, siêu thị… phải sử dụng thực phẩm đạt chuẩn
Để nâng cao số lượng “Chuỗi thực phẩm an toàn” nhằm đảm bảo sạch từ trang trại đến bàn ăn, theo bà Lan thì cần phải tập huấn, trang bị kiến thức, tuyên truyền cho người nông dân; thẩm định cấp phép; đầu ra cho chuỗi thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, bà Lan thừa nhận khó khăn nhất của các đơn vị tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” chính là đầu ra của sản phẩm. Thực tế cho thấy thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay vẫn còn khiêm tốn. Khi chọn thực phẩm ai cũng chọn thực phẩm sạch, muốn tốt cho sức khỏe nhưng phải cân nhắc túi tiền của mình nên vẫn chọn nơi nào rẻ nhất. Có một nghịch lý thực phẩm rẻ thường rất khó tuân theo quy trình về chất lượng để đảm bảo tính an toàn. Vì vậy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước phải làm sao để có thể thực hiện chính sách khuyến khích đầu ra.
“Tại TP.HCM chúng tôi yêu cầu tất cả các bếp ăn tập thể, căn tin dành cho học sinh từ mầm non cho đến trung học phổ thông, các nhà hàng, các siêu thị, các khu du lịch... phải lấy nguồn thực phẩm đầu vào từ những thực phẩm tươi sống, phải là những sản phẩm đạt chuẩn VietGAP và thực phẩm trong chuỗi thực phẩm an toàn, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là thực phẩm có nguồn gốc như luật quy định”, bà Lan cho biết.
Bà Lan mong muốn các doanh nghiệp phân phối tạo cầu nối, chia sẻ kinh nghiệm để chứng minh việc duy trì hệ thống quản lý chất lượng tại các hệ thống siêu thị của mình là tốn kém, nhưng đảm bảo niềm tin với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông để người dân biết được có những thực phẩm sạch, có thói quen lựa chọn thực phẩm vì sức khỏe của mình.
"Theo lý thuyết hàng vào siêu thị giá sẽ cao hơn so với các chợ truyền thống, vì nơi đây có thêm hệ thống quản lý chất lượng. Xét ở 2 khía cạnh, nếu chúng ta lấy sức khỏe của mình làm đầu, thì 1 đồng tiết kiệm ngày hôm nay, nếu lỡ mua nhầm thực phẩm không an toàn sẽ phải trả giá lớn cho tương lai. Vì thế chưa chắc thực phẩm chưa đạt chuẩn rẻ hơn so với thực phẩm đạt chuẩn. Ở khía cạnh khác, nếu chúng ta lựa chọn cân nhắc cũng có thể mua hàng siêu thị với giá hợp lý, vì một số siêu thị cũng đã cân đối chi phí mua tận gốc, bán tận ngọn để làm sao giá cả có tính cạnh tranh”, bà Lan nhấn mạnh.