Chiều 21.1, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu (thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu) cho Công ty Delta Offshore Energy Pte.Ltd (gọi tắt là Công ty DOE Singapore) – đơn vị chủ đầu tư.

Bạc Liêu: Sắp xây dựng nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng khoảng 4 tỉ USD

21/01/2020, 19:19

Chiều 21.1, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu (thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu) cho Công ty Delta Offshore Energy Pte.Ltd (gọi tắt là Công ty DOE Singapore) – đơn vị chủ đầu tư.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao Quyết định cho nhà đầu tư - Ảnh: Trần Khải

Theo tỉnh Bạc Liêu, trước mắt, nhà đầu tư sẽ thành lập Công ty TNHH Năng lượng sạch Bạc Liêu theo quy định pháp luật để thực hiện dự án và cam kết với mục tiêu là sản xuất điện từ khí LNG, bao gồm nhập khẩu, lưu trữ khí LNG và để cung cấp nhiên liệu cho Nhà máy Nhiệt điện LNG tại tỉnh Bạc Liêu.

Đây là dự án tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên diện tích đất 40 héc-ta tại xã Vĩnh Hậu A, H.Hòa Bình; Trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi FSU hoặc trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU khoảng 100 héc-ta mặt biển có công suất lưu trữ từ 150.000 đến 174.000 m3 khí tự nhiên hóa lỏng LNG; Trạm tái hóa khí và 35km đường ống dẫn khí áp suất cao.

Dự án có tổng mức đầu tư 93.600 tỉ đồng (tương đương khoảng 4 tỉ USD). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% và vốn vay chiếm tối đa 85%. Đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng ĐBSCL từ trước tới nay.

Tại buổi lễ, đại diện tập đoàn General Electric cam kết sẽ cung cấp dòng máy tua-bin khí chu kỳ hỗn hợp 9HA-02 là thế hệ công nghệ tiên tiến nhất đã thương mại hóa hiện nay và đáp ứng đúng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đồng thời, cho biết: “Nhờ khả năng khởi động nhanh với tốc độ hòa lưới lên tới 55MW/phút của tua-bin 9HA-02, khắc phục nhược điểm thiếu ổn định của năng lượng tái tạo, Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng điện gió, điện mặt trời của tỉnh Bạc Liêu và khu vực, duy trì an toàn lưới điện”.

Theo ông Ian Nguyễn, Giám đốc Điều hành Công ty DOE Singapore, Dự án sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ, nhập khẩu thiết bị công nghệ tiên tiến và nguồn nhiên liệu khí LNG chất lượng và ổn định từ Mỹ. Từ đó, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Chính vì vậy, tháng 9.2019, dự án đã được Bộ Thương mại Mỹ đưa vào Chương trình Vận động Thương mại của Chính phủ Mỹ. Giá bán điện của dự án sẽ được xác định theo quy định pháp luật qua thương thảo hợp đồng mua bán điện PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương.

Chiến lược phát triển của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030 xác định, địa phương này sẽ trở thành trung tâm năng lượng của vùng và cả nước. Với mục tiêu trên, tỉnh Bạc Liêu đang hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, theo các nghị quyết về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Chính phủ, các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu phát thải khí CO2, ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp với xu thế phát triển điện năng trên thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho hay: "Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu là dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Bạc Liêu. Dự án sẽ tạo thêm hàng ngàn việc làm, hàng chục tỉ tiền thuế nhà thầu trong thời gian xây dựng và hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp, hàng ngàn tỷ tiền thuế các loại khi nhà máy đi vào vận hành”.

Theo đại diện tỉnh Bạc Liêu, sự có mặt của một đội ngũ hùng hậu, đại diện cho 30 tập đoàn, tổng công ty nổi tiếng trên thế giới có tổng số hơn 1,5 triệu nhân viên, tổng doanh thu hơn 900 tỉ USD và tổng tài sản lên tới hàng ngàn tỉ USD. Điều đó, đủ để địa phương yên tâm, hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của tổ hợp các đối tác đầu tư do Công ty DOE dẫn đầu, đảm bảo thành công của dự án.

Trần Khải

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạc Liêu: Sắp xây dựng nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng khoảng 4 tỉ USD