Đề cập đến vụ việc truy thu thuế của Coca-Cola và Heineken, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng cơ chế kiểm tra, kiểm soát của Việt Nam còn quá lỏng lẻo. Lẽ ra điều này phải làm hằng năm và truy soát đến từng hóa đơn.
Quy mô lớn, doanh thu ‘khủng’ mà nộp thuế ít
Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này vừa thu được hơn 917 tỉ đồng tiền thuế từ Heineken Việt Nam trong thương vụ chuyển vốn nhà máy Heineken Hà Nội.
Đây là giao dịch đã diễn ra từ cuối năm 2018, khi Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) chuyển nhượng 100% vốn cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội. Đối tác nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Trong thương vụ này, giá trị giao dịch chuyển nhượng giữa hai bên là 4.800 tỉ đồng.
Sau thương vụ, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (nộp thay) từ giá trị chuyển nhượng là gần 823 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd sau đó đã có văn bản gửi Cục thuế TP Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế này theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa 2 Chính phủ Việt Nam - Singapore. Vì vậy, từ khi thương vụ chuyển nhượng hoàn tất đến thời điểm thanh tra, toàn bộ số tiền thuế nói trên chưa được Heineken Việt Nam nộp vào ngân sách.
Tuy đã thực hiện nộp đầy đủ khoản thuế nói trên, Heineken cho biết, doanh nghiệp này chưa đồng thuận với cơ sở đánh giá được đưa ra, do đó đã tiến hành các thủ tục pháp lý theo các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai Chính phủ Việt Nam - Singapore để làm rõ quyết định của Tổng cục Thuế.
Cũng trong tháng 12.2019, Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định phạt và truy thu hơn 821 tỉ đồng tiền thuế với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola. Đây là số tiền phạt và truy thu từ nhiều loại sắc thuế khác nhau sau đợt thanh tra kéo dài từ năm 2007 đến 2015 của cơ quan thuế.
Hiện tại, Coca-Cola Việt Nam đã nộp 471 tỉ đồng tiền thuế gốc trong số bị phạt và truy thu nói trên. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng bị truy thu là hơn 60 tỉ, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỉ, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài là gần 52 tỉ đồng.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng Heineken vi phạm tương đối rõ ràng, không còn gì phải bàn cãi.
Theo ông Thịnh, về mặt quy định, nếu giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50% thì nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng phải thực hiện kê khai và nộp ở nước sở tại. Do đó, dù Heineken vin vào Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần thì cũng không biện hộ được.
“Họ cố tình hiểu sai để mà tránh thuế phải nộp ở Việt Nam thôi. Còn nếu họ cảm thấy không đúng thì cứ kiện ra tòa thôi, không vấn đề gì, còn về nguyên tắc thì họ phải nộp ở Việt Nam”, ông Thịnh nói.
Cũng theo chuyên gia này, vấn đề với Coca-Cola cũng là chuyện rất “đau đầu” và không thể chấp nhận được. Việc Việt Nam bắt họ nộp hơn 821 tỉ, trong đó có cả tiền nợ, thuế, rồi phạt chậm nộp… cũng có mấy vấn đề.
Theo đó, việc đóng thuế là các doanh nghệp phải tự khai, tự tính và nộp cho Nhà nước. Nguyên tắc là anh phải khai đúng, tính đủ, chứ không thể gian lận được. Trong mức tiền yêu cầu Cocacola nộp chủ yếu là tiền chậm nộp, tính không đủ thôi chứ không phải tiền phạt. Ở nhiều nước, nếu kê khai không đúng thì mức phạt sẽ rất nặng, thậm chí lên tới 300%.
“Cơ chế kiểm tra, kiểm soát của Việt Nam còn quá lỏng lẻo. Ai đời đến năm 2015 mới tiến hành rà soát, truy vấn thuế từ 2008-2015, rất bất ổn. Lẽ ra điều này chúng ta phải làm hằng năm và truy soát đến từng hóa đơn, bởi từng thương vụ, từng hóa đơn họ đã tính giá không đúng rồi, thì làm gì còn lợi nhuận?
Nếu không làm hằng năm, thì số thuế trốn, tiền phạt… thu một lúc thì số tiền sẽ rất lớn. Còn nếu làm hàng năm thì số tiền đó sẽ rất nhỏ mà họ cũng không dám gian lận. Chúng ta cũng cần tính toán làm sao vừa thu được thuế, vừa răn họ không dám trốn thuế. Tài chính là phải tỉ mỉ, truy từng hóa đơn”, ông Thịnh nói.
Cũng theo chuyên gia này, vấn đề gian lận thuế, chuyển giá không riêng gì 2 doanh nghiệp này, mà diễn ra ở rất nhiều doanh nghiệp FDI và nhiều doanh nghiệp khác. Do đó, thời gian tới cần hoàn tiện thêm hành lang pháp lý và đội ngũ thực thi để tăng cường xử lý việc trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá của doanh nghiệp.
“Rõ ràng chúng ta ưu tiên, ưu đãi đủ thứ, quy mô họ lớn, doanh thu rất cao nhưng nộp thuế lại rất ít, như vậy là rất khó chấp nhận”, ông Thịnh nêu.
Thiếu một hệ thống dữ liệu chung
Theo luật sư Đặng Văn Cường, tại Việt Nam, vấn đề chuyển giá, tránh thuế của các doanh nghiệp đa quốc gia đang là thách thức lớn.
Ông Cường nêu, Luật Quản lý thuế 2019 sẽ sớm có hiệu lực vào 1.7.2020 đã luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết. Những quy định này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, góp phần phòng chống và ngăn chặn hành vi chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, pháp luật về chống chuyển giá của Việt Nam hiện còn yếu và có nhiều lỗ hổng. Việt Nam cũng chưa xây dựng được một hệ thống dữ liệu chung, công khai để các cơ quan thuế và doanh nghiệp làm căn cứ để phân tích giá thị trường; chưa hình thành được các sàn giao dịch hàng hóa lớn để làm căn cứ so sánh giá với các thị trường nước ngoài; chưa có một cơ quan chuyên trách nào về việc xác định mức giá thị trường của một sản phẩm, vì thế khó để biết doanh nghiệp FDI có thực hiện hành vi chuyển giá hay không.
Do đó, thời gian tới cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chống chuyển giá một cách căn cơ. Cải cách ưu đãi thuế trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, công nghệ, môi trường, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính sách ưu đãi phải dựa trên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Cùng với đó, xây dựng chế tài trong chuyển giá theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có giao dịch liên kết áp dụng phương pháp APA (cơ chế thỏa thuận trước về xác định giá) thay vì việc để các doanh nghiệp tự nguyện đăng ký.
Đặc biệt, theo ông Cường, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, thông suốt về doanh nghiệp FDI để các cơ quan trung ương, địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả các thông tin liên quan đến doanh nghiệp FDI để phục vụ công tác tổng hợp; từ đó, giúp công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời. Theo đó, điều tra, thanh tra thực địa sẽ được giảm tải nhưng hiệu quả lại lớn hơn so với trước đây.
Lam Thanh