Cung An Định xây năm 1902 bên bờ sông An Cựu – một con sông chứa nhiều “cổ tích buồn” trong chuyện đời của hoàng hậu Nam Phương…

Bài 22: Cung An Định và nỗi lòng hoàng hậu Nam Phương

Một Thế Giới | 27/10/2013, 09:46

Cung An Định xây năm 1902 bên bờ sông An Cựu – một con sông chứa nhiều “cổ tích buồn” trong chuyện đời của hoàng hậu Nam Phương…

           

 Phong thủy với màu nước sông Hương và sông An Cựu

Sông An Cựu dài hơn 30km, là một chi lưu nổi danh của sông Hương, đã mang theo dòng chảy của mình những tố chất “di truyền” về tâm cảnh lẫn màu nước từ dòng sông mẹ. Vì thế cần nói về sông Hương trước.

Tính từ nguồn ra biển, sông Hương chỉ dài khoảng 100km, nhưng “kích thước lịch sử” của con sông này lại lớn hơn rất nhiều lần con số ấy – bởi các biến cố trọng đại xảy ra ở đôi bờ. Về vị trí phong thủy, sông Hương được chọn làm Minh đường của kinh thành Huế, là nơi “trăm dòng hợp phái, vạn nhánh qui về” (bách xuyên hợp phái – vạn hác triều tông) như vua Thiệu Trị ca ngợi. Có thể tham khảo thêm sách địa lý Tả Ao: “Trường thủy sở dẫn, trường sơn sở tòng, chân thị đại quý chi địa” (nước dài dẫn lối, núi dài chạy theo, thực là đất đại quý). Cao Trung luận:

“Khi nước chảy chiều nào thì sơn mạch đi chiều đó nên gọi là nước dài dẫn lối. Đó là điều kiện nước tốt. Nếu có “dãy núi dài dài” đi theo “nước dài” nữa là điều kiện tốt thứ hai. Nếu huyệt kết ở “núi dài” theo “sông dài” và “sông dài dẫn núi dài” thì chắc là cho huyệt kết lớn. Trái lại chỉ có một dòng nước nhỏ dẫn lối và một chi sơn nhỏ đi theo thì chỉ là tiểu địa”. Đã có những cuộc đất “đại quý” được các nhà địa lý chọn xây lăng mộ cho các vua Nguyễn.

Cũng có ngọn đồi thiêng của vương triều như đồi Hà Khê, hoặc núi Ngọc Trản bên dòng (đã viết ở các kỳ trước). Ngay cả màu nước sông Hương cũng được Quốc sử quán triều Nguyễn chép đến: “Hồi đầu quốc triều ta, nước sông Hương đã chuyển sang màu đỏ và đục ngầu trong biến cố năm Giáp Ngọ 1774” – là năm tướng Hoàng Ngũ Phúc từ phía Bắc kéo quân Trịnh tràn vào đánh chiếm Thuận Hóa, đẩy chúa Nguyễn chạy lánh về đất phương Nam. Rồi cũng dòng Hương giang ấy lại xanh trong tuyệt vời vào “mùa hè năm Tân Dậu 1801 lúc đại binh (của chúa Nguyễn Phước Ánh) tái chiếm lại thành đô – thiên hạ đều cho nước sông đổi màu là điềm thái bình vậy” (Đại Nam nhất thống chí).

nguoc dong huong giang-photo truong vung_resize

Sông Hương

Trên đoạn chảy qua khu vực kinh thành về phía hữu ngạn (bờ nam sông Hương) có sông An Cựu, được hình thành sau những chuyến vua Gia Long xa giá đến vùng Thanh Thủy xem xét địa thế, đoán định về phong thủy và triệu các vị phụ lão địa phương đến hỏi việc lợi hại khi đào sông mới. Ai nấy đều đồng tình. Vua sai đào sông dẫn nước tưới cho hàng ngàn vạn mẫu ruộng đất bị ngập mặn năm 1814 (Gia Long thứ 13) và làm đập ngăn nước mặn ở cửa Thần Phù.

Nhờ đấy vùng đất nam sông Hương khởi sắc, thuận lợi cho việc gieo cấy, trồng trọt. Chính vì kết quả lợi lạc ấy nên sau này vua Minh Mạng đặt tên sông là Lợi Nông và sai khắc hình ảnh của sông vào Cửu đỉnh (Chương đỉnh). Tuy vậy dân chúng kinh thành Huế vẫn quen gọi tên cũ của sông là An Cựu.

Cung An Định nằm bên bờ sông An Cựu ấy – một con “sông con” của Hương Giang với màu nước có “một chút gì trúc trắc”, tựa những mối tình chợt đổi màu theo nắng mưa, mà ca dao ghi lại: núi Ngự Bình trước tròn sau méo – Sông An Cựu nắng đục mưa trong – Vì thầy mẹ bên anh lắng đục tìm trong – Nên duyên chàng nợ thiếp cứ long đong rứa hoài… Được xây bên một dòng sông như thế, nên cung An Định dường như cũng “đẫm buồn” theo – và là nơi hoàng hậu Nam Phương đã rơi nhiều nước mắt.

Nước mắt của hoàng hậu Nam Phương 

Người chứng kiến những giọt lệ đầu tiên của Nam Phương ở đó là ông Phạm Khắc Hòe (1) lược kể dưới đây. Nguyên sau ngày đọc Chiếu thoái vị vào trưa 30.8.1945, cựu hoàng Bảo Đại nhận được công điện từ Hà Nội gởi vào mời ông làm cố vấn tối cao cho chính phủ của cụ Hồ Chí Minh, ông nhận lời và sắp xếp ra Hà Nội.

Vào 6 giờ sáng 2.9, ông Phạm Khắc Hòe cùng Bộ trưởng Lê Văn Hiến đến cung An Định “xe chúng tôi đã vào đậu ngay trước phòng khách mà trong cung vẫn tối mò mò, im phăng phắc – chỉ nghe có tiếng gõ mõ niệm Phật từ trên lầu vọng xuống”. Lát sau hoàng hậu Nam Phương trong sắc phục màu xanh da trời, từ trong nhà đi ra cùng con trai là Bảo Long và ba con gái là Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung, cựu hoàng Bảo Đại “tới hôn vợ, hôn các con với những lời âu yếm bằng tiếng Pháp, đây là lần đầu tiên trong đời mình, ông Vĩnh Thụy đi xa mà không ai tiễn đưa ngoài vợ con”.

Nam Phương với sắc mặt buồn “đưa tay trái lên cổ sửa lại sợi dây vàng đeo thánh giá lấp trong áo, tay phải cầm mùi xoa lau nước mắt” trong tiếng mõ tụng kinh của bà Từ Cung (mẹ Bảo Đại) từ “trên lầu vọng xuống đều đều buồn bã”. Cựu hoàng “khóe mắt hơi ướt, nhưng miệng vẫn mỉm cười, bế Phương Dung lên hôn một lần nữa, rồi bỗng nói to: Thôi đi!”. Bà Nam Phương mở to mắt “nhìn theo như muốn níu ông chồng lại, nhưng ông này không quay lại”…

 nam phuong hoang hau

Nam Phương hoàng hậu

Ra đến Hà Nội, cựu hoàng ở tại biệt thự dành riêng cho cố vấn chính phủ số 51 đại lộ Gambetta, tức số 51 Trần Hưng Đạo sau này. Chính ở đó, khoảng 10 ngày sau, khi ông Phạm Khắc Hòe đến thăm vào một đêm trăng đẹp, bỗng thấy “trên đầu cầu thang có một người đàn bà đang bước rất nhanh”.

Ông chạy theo, nhưng lên đến gác thì “chỉ còn phảng phất mùi nước hoa” của vũ nữ Lý Lệ Hà. Những lần sau cũng vậy, mỗi khi ghé lại biệt thự của cựu hoàng, lần nào ông Hòe cũng gặp những người hào nhoáng đi ra đi vào trong phòng khách và từ trong đó vọng ra “tiếng mạt chược lọc cọc, tiếng cười nói ầm ĩ, có cả tiếng đàn bà” nữa.

Vào một buổi trời vừa sập tối, bất ngờ Bảo Đại tự lái xe đến chỗ ở của ông Hòe nói: “Hôm ra đi, tui chỉ mang theo có một nghìn bạc, nay tiêu hết cả rồi. Tui muốn nhờ ông về Huế đưa cái thư này cho “ngài hoàng” (tức hoàng hậu Nam Phương) lấy một ít tiền đưa ra cho tui”. Cầm thư về Huế, ông Hòe đến trước cung An Định vào 8 giờ rưỡi sáng “tòa nhà này vẫn không có một cánh cửa nào mở, sân ngập lá rụng, tường mốc rêu xanh, tôi bấm chuông và lên tiếng gọi mấy lần, trong nhà vẫn im phăng phắc, không ai trả lời”.

Định quay về, ông chợt thấy hoàng hậu Nam Phương từ phía Bến Ngự xuống…Vào phòng khách, bà Nam Phương mở bức thư viết bằng chữ Pháp trên ba trang giấy màu xanh ra xem. Xong, bà ngẩng đầu lên “nhìn tôi với hai giọt nước trong suốt trong đôi mắt – môi bà run run như muốn nói một điều gì (…) bà đứng vụt dậy trào nước mắt ra”…

Chiều hôm sau, ông Hòe quay lại cung An Định lúc 16 giờ, bà Nam Phương đã có mặt chờ sẵn ở phòng khách với “bộ mặt buồn thiu, nhưng vẫn cố làm ra vẻ bình tĩnh” – để rồi vào câu chuyện ngay sau đôi lời hỏi han: “Tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thụy mê con Lý”. Ông Hòe trả lời rất tiếc là mình không biết rõ chuyện ấy, chỉ nghe người ta nói cựu hoàng “có mèo tên là cô Lý”. Bà Nam Phương chăm chú hỏi:

Ông có biết con Lý nhiều không? Và con ấy người như thế nào?”. Ông Hòe đáp chưa thấy mặt bao giờ, song nghe đồn cô ấy đẹp. Tiếng “đẹp” làm hoàng hậu “đỏ mặt lên ngay”. Qua các lần gặp gỡ ấy, ông Hòe nhận định: “tôi thấy bà biết rất rõ mọi mặt sinh hoạt của ông Vĩnh Thụy (cựu hoàng) ở Hà Nội – điều ấy bà Vĩnh Thụy (Nam Phương) chỉ có thể đạt được qua một mạng lưới săn tin và thông tin thành thạo và trung thành với bà ta. Tất nhiên, những tin tức càng cụ thể bao nhiêu, càng làm cho bà ta đau khổ, uất ức bấy nhiêu”.

Trong lần gặp tiếp theo, Nam Phương đã rút hai tờ bạc ngân hàng Đông Dương loại 500 đồng giơ lên cho ông Hòe thấy rồi “bỏ trở lại vào giữa những tờ giấy màu hồng đặc sệt chữ Pháp dán lại” đưa cho ông Hòe. Chẳng biết hoàng hậu viết gì trong thư ấy. Thư đến tay cựu hoàng, thì ngày 16.3.1946 (khoảng 6 tháng sau khi ra Hà Nội), cựu hoàng sang Trung Quốc, sau đó qua Hồng Kông cùng người đẹp Lý Lệ Hà – để lại hoàng hậu Nam Phương với nỗi lòng chua xót ở cung An Định xa vời…

duc tu cung,bao dai,nam phuong,hoang tu bao long_resize

Hoàng hậu Nam Phương, hoàng tử Bảo Long, Đức Từ Cung thái hậu, vua Bảo Đại

Biết rõ mối quan hệ thắm thiết của chồng mình với cô Lý, hoàng hậu với tư thế của một “người chị” đã viết một bức thư gởi “em Hà” mà hơn 50 năm sau Lý Lệ Hà vẫn còn giữ, như sau: “Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hồng Kông. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương”.

Bức thư trên được nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang (Phan Kim Thịnh) trích dẫn từ hồi ức của Ngọc Giao (2) và in lại trong cuốn Bảo Đại – vua cuối cùng triều Nguyễn (NXB Đà Nẵng 2004). Còn Lý Lệ Hà đã nói gì về mối tình của mình với Cựu hoàng?

 Không một ông vua nào có tiền trong túi

Lý Lệ Hà kể: “Lão ta rất buồn (Lệ Hà lúc nào cũng gọi cựu hoàng Bảo Đại là “lão ta”). Lão ta chỉ thở dài, không nói năng gì hết. Ăn uống, cho gì nhận cả không hề kêu ca, nhăn nhó. Ngày ấy là 30 tết âm lịch. Lão ta, càng lì lợm, ra bao lơn (của biệt thự 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội) đứng nhìn xuống phố. Lão khẽ vỗ vai tôi: “Buồn lắm Hà ơi! Biết làm sao được bây giờ?” (…) Rồi Lý Lệ Hà kéo cựu hoàng đến đền Ngọc Sơn làm lễ giao thừa. Qua cầu Thê Húc chật nức người, vào tới trấn Ba Đình, cựu hoàng bảo Hà vào đốt một nắm hương đem ra, rồi trịnh trọng quay mặt về hướng Nam khấn lạy. Đến chân Bút Tháp thấy có ông thầy bói, chẳng biết mù thật hay mù giả, bảo hãy xem “cho lão”:

“Lão vua không chịu đưa bàn tay ra, sợ bẩn – mình phải nài ép, kéo bàn tay lão đặt vào tay ông thầy – ông mù này, vừa nắm bàn tay mềm nhũn như bông (của Cựu hoàng), giọng ông thều thào rất nhỏ: “Ngài là quý nhân – tôi không muốn nói gì hơn – chỉ xin thưa rằng ngài sắp đi xa, xa lắm”. Không lâu sau đó, cựu hoàng cùng Lý Lệ Hà đi xa thật, tới đất Hồng Kông giàu có mà hoàn cảnh lúc đó của hai người thật quá bi đát:

“bởi không có nhiều tiền nên lão và mình thuê  một khách sạn tồi tàn (…) có một đôi lần thấy lão quá buồn mình dắt lão vào cái bar nho nhỏ, loay hoay tìm một cái bàn tối tăm, kín đáo. Thế mà, chưa kịp ngồi, làm sao mà ban nhạc bar nhận ra cái bộ mặt rầu rĩ của ông vua xa nước.

Tức thì một bài “valse royale” (bài nhảy nghênh giá, theo phong tục phương Tây). Ban nhạc sống vô cùng trang trọng chơi bài đó, đồng thời ông chủ khách sạn bước ra cúi rạp đầu, cung nghinh vị phế vương (…) ngồi mấy phút, mình kéo lão rời phòng nhảy ra đường, mình toát mồ hôi lạnh, sốt ruột vì món tiền vừa phải xổ ra trả giá chai sâm banh thượng hạng và tiền thừa trên dĩa “đức Vua” rộng thưởng cho ban nhạc.

Đói quá, trong túi mình không còn lấy một xu, lão thì chẳng bao giờ có một tí tiền. Thì vào thời xưa cũng vậy, chưa có một ông vua nào có tiền trong túi. Nhưng khủng khiếp nhất là  phải nhịn đói, đội rét, bò được về tầng thứ 13 của khách sạn…” (3).

andinhresidence5_resize

 Cung An Định

Khi đó, hoàng hậu Nam Phương vẫn sống âm thầm ở cung An Định mà theo người đời tên gọi ấy thời mới khánh thành mang một ý nghĩa tốt đẹp, an vui, đại định – nhưng về sau người ta nhắc đến với ý nghĩa khác, thành nơi “an bài” theo “định mệnh” của hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn. Kể cả sau ngày ra nước ngoài, định mệnh vẫn buộc bà phải chứng kiến mối tình mới của chồng mình với một vũ nữ xinh đẹp – còn sâu đậm hơn cả Lý Lệ Hà năm xưa nữa…

Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Trương Vững, Tư liệu

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 22: Cung An Định và nỗi lòng hoàng hậu Nam Phương