Có thể nói, ông Ba Công là một người rất mê làm từ thiện. Bất cứ ở đâu, khi nào gặp những hoàn cảnh khó khăn là ông lại giúp đỡ. Để làm từ thiện, có lúc ông Ba Công phải đi vay mượn tiền của những người thân quen, rồi trả lại sau. Có khi bí quá, ông cầm luôn sổ đỏ để lấy tiền làm từ thiện. Với ông Ba Công, làm việc thiện như tích thêm công đức cho con cháu sau này và ông lấy đó làm động lực để cống hiến cho xã hội.

Bài cuối: Cầm sổ đỏ làm từ thiện và hai lần nhận bằng khen của Thủ tướng

Trần Khải | 20/12/2019, 15:20

Có thể nói, ông Ba Công là một người rất mê làm từ thiện. Bất cứ ở đâu, khi nào gặp những hoàn cảnh khó khăn là ông lại giúp đỡ. Để làm từ thiện, có lúc ông Ba Công phải đi vay mượn tiền của những người thân quen, rồi trả lại sau. Có khi bí quá, ông cầm luôn sổ đỏ để lấy tiền làm từ thiện. Với ông Ba Công, làm việc thiện như tích thêm công đức cho con cháu sau này và ông lấy đó làm động lực để cống hiến cho xã hội.

Thật hiếm thấy, khi một công dân bình thường như ông Ba Công lại 2 lần vinh dự nhận được bằng khen của 2 người giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Đó là niềm tự hào không riêng vì cá nhân ông Ba Công mà chính cả những người thân, con cháu và dòng họ của ông cũng được tiếng thơm lây. Theo nhiều người, với những đóng góp trong hoạt động an sinh – xã hội của mình tại địa phương, thì ông Ba Công thật xứng đáng nhận được sự tuyên dương đó và còn nhiều hơn thế nữa.

Mê từ thiện nên đem thế chấp cả… sổ đỏ

Ông Ba Công cho biết, hễ ai có nhu cầu chôn cất ở nghĩa trang là ông đều cho hết và không phân biệt giàu hay nghèo, ông nói: “Giàu hay nghèo tôi đều cho hết, bởi ý người ta muốn chỗ đó thì mình cho thôi, nhưng người ta đưa tiền tôi cũng không lấy, nguyện vọng của tôi là làm để cho, chứ không phải làm để lấy tiền. Khi nghĩa trang đi vào hoạt động, tôi khấp khởi, vui mừng dữ lắm. Ai mà vào đó, mình mừng cho họ vì chỗ nơi mình làm cao ráo, sạch sẽ lắm. Nếu vào đó rồi thì tôi nhất quyết không cho chôn mả đất đâu, chôn là chôn mả đá hết”.

Ông Ba Công tâm tình rằng, nếu trường hợp nào không có khả năng thì ông giúp đỡ. Riêngnhững trường hợp là người nghèo thì ông Ba Công lo toàn bộ chi phí việc chôn cất. “Giờ người ta nghèo, không có tiền thì làm sao. Có trường hợp, xin cho cả gia đình luôn, sắp xếp cạnh nhau hết, tôi cho hết. Mình làm từ thiện mà, nên ai có nhu cầu đến hỏi, tôi đều đồng ý cả”, ông Ba Công nói.

Với những đóng góp của mình, ông Ba Công vinh dự được 2 đời Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen - Ảnh: Khải Trần

Theo tìm hiểu của PV, vị trí nghĩa địa được ông Ba Công thành lập có sức chứa đến khoảng 960 ngôi mộ. Hiện, tại đây đã có khoảng 40 ngôi mộ được chôn cất. Hầu hết, nơi đây đã được nhiều người có hoàn cảnh đến xin trước, vì họ sợ sau này chết không có chỗ chôn. Bởi nghèo, thì không thể có tiền để mua.

Ông Ba Công còn nói, hôm trước ông có tiếp 1 người đàn ông ở tận TP.HCM xuống đây để xin chỗ chôn cất. Bởi, ở TP.HCM để có 1 huyệt mộ chôn cất thì phải bỏ ra một số tiền khá lớn, khoảng 70 - 80 triệu/huyệt mộ nên không có tiền chôn. Còn nếu chở xuống nghĩa trang do ông Ba Công lập ra thì chỉ tốn khoảng vài triệu đồng. Thấy tình cảnh như vậy, ông Ba Công cũng đồng ý cho người đàn ông này chở thi hài người thân từ TP.HCM xuống đây an táng...

Chỉ về phía đống sắt kẽm vừa được mua để chuẩn bị đi dựng nhà cho người nghèo như lời đã hứa, ông Ba Công nói: “Đó, vật liệu để làm nhà tiền chế được tôi chuẩn bị trao tặng cho người nghèo đó, mỗi tháng cho 1 căn. 1 năm tôi cho 12 căn, mỗi căn 30 triệu đồng, nhiều khi hứng lên cho những người không có tên trong danh sách luôn. Năm nay tôi cho đến 14 căn, dư chỉ tiêu rồi”.

Vừa nói chuyện với chúng tôi, ông Ba Công cười hề hà, trông ông rất phúc hậu. Theo ông, những trường hợp nhà sập, không có tiền cất lại nhà, ông thường đứng ra hỗ trợ cho người dân để họ có điều kiện dựng cất nhà. Vì nếu ông không giúp, người dân cũng không có khả năng để dựng cất lại ngôi nhà đã sập. Trò chuyện với chứng tôi, ông Ba Công phấn khởi báo tin rằng, hôm qua, ông vừa cất tặng xong 1 ngôi nhà cho 1 người phụ nữ có nhà sập, người này rất phấn khởi và bày tỏ lòng biết ơn đối với ông.

PV có hỏi, bản thân làm việc thiện quá nhiều, có khi nào lòng tốt của ông bị lợi dụng hay không? Ông Ba Công cho hay là có, nhưng ông không mấy bận tâm. Bởi việc làm của ông xuất phát từ lòng tốt, còn nếu sợ bị lừa mà không cho thì khi đó bản thân người làm việc thiện có suy nghĩ như vậy là sai. Tuy nhiên, ông khẳng định, có nhiều trường hợp nghe lòng tốt của ông như vậy, nên tìm đến nhà hỏi xin nhiều thứ. Tuy nhiên, muốn cho ai đó cái gì, thì ông phải xác minh, dò hỏi thật kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định. Nếu đúng là sự thật, thì ông sẽ cho mà không cần suy nghĩ bất cứ điều gì.

“Tôi bị gạt vài trăm ngàn hoài chớ gì, thường là những trường hợp than vãn đi lỡ đường, không tiền về quê, nghe thấy tội nên tôi thường cho cả tiền ăn và tiền vé xe để họ về quê. Bị nhiều lắm rồi, cho lần đầu thì vài hôm sau gặp lại nữa, cũng chiêu trò cũ rích. Khi đó, tôi nói rồi, bị lừa nữa rồi nhưng tôi vẫn cho, mà cho có cân nhắc. Còn nếu người ta có sự thật là khó khăn, mình không cho thì tội nghiệp cho họ, khi đó họ sẽ thiệt thòi”, ông Ba Công chia sẻ. Theo ông, những chuyến đi trên đường mà gặp người khắc khổ, ông thường dò hỏi và hỗ trợ tiền cho những trường hợp này.

Với ông Ba Công, làm việc thiện giúp ông tích thêm nhiều công đức cho con cháu sau này - Ảnh: Khải Trần

Bà Nương - vợ ông Ba Công, nói: “Mới hôm qua, có 2 người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp mà có vẻ như hơi thiếu thốn chút đỉnh. Tuy nhiên, tôi thấy không đáng cho, nhưng ổng vẫn cho 20 kg gạo và 400.000 đồng. Thấy họ ở xa, mà đi đến đây xin, thì tôi cũng cho, nó không đáng bao nhiêu, nếu không đúng như vậy thì 2 người kia mới tội lỗi, trời thấy hết à. Chứ mình làm đều tốt thì chẳng lo lắng gì. Quan điểm của gia đình là cho người già, người bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn… thì chấp nhận cho. Nếu cho tràn lan, thì dù mình có cả núi tiền thì cho cũng không đủ”.

Theo ông Ba Công, những trường hợp khó khăn, chết mà không có tiền chôn cất, hoặc hỏa thiêu, ông cũng cho. Thậm chí, những lúc trong túi không có tiền ông cũng hỏi mượn để giúp đỡ người ta, rồi sẽ trả lại sau. “Tôi mới mượn 1 người quen 2 triệu để cho người ta, do thời điểm đó, trong túi tôi còn không được 20.000 đồng nữa. Tới giờ tôi chưa trả nữa nè, tại người ta chết rồi, không có tiền thiêu, nên tôi mượn cho luôn. Có nhiều hoàn cảnh khó lắm, nhiều khi tôi cho rồi, sợ họ không đủ nên lấy xe rượt theo để cho thêm. Tùy theo hoàn cảnh mà tôi cho, nhiều khi bệnh nặng mà mình cho ít thì tội nghiệp người ta, nhưng mình cho bao nhiêu thì họ lấy bấy nhiêu chớ không đòi hỏi gì”, ông Ba Công thổ lộ.

Ông còn khẳng định, ở địa phương chưa có ai mà không có tiền, dám cầm sổ đỏ để vay tiền mua đồ cho người nghèo. Duy nhất, chỉ có mình ông! Với ông, khi nghe nói đến việc làm từ thiện là ông khoái liền. “Mỗi tháng tôi làm từ thiện 1 căn nhà, nhưng đến cuối năm tôi mới giao. Đợt này, tôi bàn giao 12 căn, mà trong nhà không đủ tiền nên tôi vay thêm ngân hàng để làm.

Nghe đến từ thiện là khoái nên tôi liều luôn, không sợ gì. Nhiều khi trong nhà không có tiền, nhưng nếu cần 50 - 70 triệu gì đó, thì tiền ở đâu có nên liều luôn. Sau này, làm có tiền thì mình chuộc lại. Tôi nói thiệt, mình nói không phải tự xưng nhưng có mình ên tôi mới dám liều để làm như vậy. Chứ người ta có thì cho, có thì làm chớ ai đời lại đi mua thiếu để làm từ thiện, không tiền lại cầm sổ để làm cái này, cái kia cho người khác đâu”, ông Ba Công tỏ bày.

2 lần nhận bằng khen của Thủ tướng

Có năm, ông Ba Công đóng góp cho việc từ thiện trên 1 tỉ đồng. Dẫu vậy, nhưng chưa bao giờ ông Ba Công cảm thấy nuối tiếc số tiền mình cho người nghèo hoặc đóng góp xây đường dân sinh. Với ông, số tiền mà ông đem đi cho từ thiện, nó không mất đi mà chỉ giống như đó là việc bỏ ống heo. Bởi ông Công luôn tâm niệm, cho đi là sẽ nhận lại và cái nhận được đó là phước đức, là sức khỏe. Có được thứ đó thì nó còn quý giá hơn tiền bạc rất nhiều.

Bên cạnh đó, ông Ba Công còn hướng cho con cháu mình cùng làm từ thiện, cùng hướng họ đến những giá trị tốt đẹp. Nhiều khi, ủng hộ nhiều quá, ngoài sức hỗ trợ của gia đình nên ông Ba Công chỉ giúp trong khả năng, khi cần thì huy động thêm con cháu trong gia đình cùng giúp đỡ cho hoạt động từ thiện.

“Suốt ngày tôi nghe điện thoại miết thôi, có khi 1 - 2 giờ khuya mà chuông điện thoại reo lên là biết có chuyện rồi, không xin hòm gương thì cũng xin chỗ chôn cất à. Gần tết, là điện thoại reo nghe không kịp luôn. Tôi có thể làm cả năm, để cho từ thiện vài trăm triệu cũng được. Nhưng thấy người ta đói khổ, không có tiền mà mình không cho thì rất tội nghiệp, lương tâm mình ray rứt lắm”, ông Ba Công trải lòng.

Ông Ba Công cho biết, nhiều khi lòng tốt của ông bị lợi dụng nhưng ông vẫn chấp nhận - Ảnh: Khải Trần

Với những đóng góp tích cực của mình trong công tác an sinh - xã hội và các phong trào trong xây dựng Nông thôn mới ở địa phương nên từ năm 2015 - 2017, ông Ba Công rất vinh dự vì 2 lần được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc trao tặng bằng khen nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực của ông Ba Công cho xã hội, cho đất nước tại địa phương, nơi ông sinh sống.

1 cán bộ ở phường Láng Tròn, đánh giá: “Ông Công là người có nhiều đóng góp cho hoạt động từ thiện ở địa phương. Bản thân ông ấy rất giản dị, hễ có tiền là ông cho người nghèo, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, ông mê từ thiện đến nỗi trong túi không tiền vẫn đi vay hỏi để giúp đỡ người khác. Tấm lòng của ông Ba Công rất đáng trân trọng”.

Khải Trần
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài cuối: Cầm sổ đỏ làm từ thiện và hai lần nhận bằng khen của Thủ tướng